“Mạch di sản” trong thời đại số
10/09/2024 | 11:49Ba dòng tranh dân gian nổi tiếng Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống cùng với nghệ thuật sơn mài, đều là những vốn quý của nền mỹ thuật Việt Nam từ xưa đến nay.
Những di sản ấy được kết hợp một cách độc đáo, hiện đại và đang được trưng bày tại Triển lãm “Mạch di sản”, thu hút đông đảo công chúng Thủ đô và du khách đến thưởng lãm.
Triển lãm do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp nhóm Latoa Indochine tổ chức, nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa-nghệ thuật kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2024); hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Trong không gian kiến trúc cổ kính của Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cũ (49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), hơn 60 tác phẩm tranh sơn mài và sơn khắc mang đến những mảng mầu sống động, rực rỡ với loạt hình tượng trong văn hóa truyền thống.
Đó là những nhân vật trong truyền thuyết lịch sử, tín ngưỡng dân gian như: Phù Đổng Thiên vương, Cô Chín, Bà chúa Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần, Ông Hoàng Bảy, Mẫu Thượng Ngàn, Trúc Lâm đại sĩ (Phật hoàng Trần Nhân Tông), Kim Vân Kiều... hoặc những “tố nữ” thổi sáo, múa đèn đậm đà bản sắc Việt Nam.
Trên cơ sở kết hợp kỹ thuật tạo hình của tranh sơn mài, sơn khắc với đề tài tranh dân gian, các họa sĩ đương đại đã sáng tạo nên những tác phẩm vô cùng sắc nét, bóng mịn, có chiều sâu. Quá trình sáng tạo cho phép có những thay đổi về mầu sắc, tạo hình để tạo hiệu ứng mỹ thuật cho các mẫu tranh kinh điển.
Mỗi tác phẩm được thực hiện qua nhiều công đoạn, từ thiết kế đồ họa trên máy tính, in ra giấy rồi dùng bột trắng titan can lên vóc, dùng công cụ khắc lõm chi tiết, lên nhiều lớp mầu, dùng nước để mài tranh, cuối cùng là thếp vàng, thếp bạc cho tranh. Nói như họa sĩ Lương Minh Hòa, đó là hành trình “đi đến tận cùng truyền thống để gặp hiện đại”.
Tranh dân gian gắn bó với người Việt trong nhiều thế kỷ và là một phần của văn hóa dân tộc, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà mai một dần, chỉ còn một số ít được giữ gìn, bảo tồn trong bảo tàng, hoặc tại một số làng nghề và gia đình làm tranh. Nguyên bản, những tác phẩm này được thể hiện trên giấy dó với mầu sắc tự nhiên từ cỏ cây, hoa lá, đường nét giản dị và tinh tế.
Còn trong “Mạch di sản”, tranh được tái hiện trên chất liệu vóc gỗ, tạo nên sự hòa trộn giữa vẻ đẹp cổ điển với sinh khí hiện đại. Khán giả được chiêm ngưỡng những hình ảnh phong phú, quen thuộc của tranh dân gian như “Vinh quy bái tổ”, “Ngũ hổ”, “Tố nữ”, “Lợn đàn”, “Đám cưới chuột”... Sự độc đáo của tác phẩm dân gian không dừng lại ở đặc tả mà còn mang nhiều thông điệp ý nghĩa.
Chẳng hạn, “Vinh quy bái tổ” là bức tranh thể hiện cảnh một người đỗ đạt, trở về quê hương để bái lạy tổ tiên, biểu tượng cho lòng hiếu thảo và truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Hay như bức “Ngũ hổ” là một tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống, mang sắc thái mạnh mẽ, tượng trưng cho quyền lực và sự bảo hộ, thường được treo trong nhà để trấn trạch, xua đuổi tà ma.
Bộ tranh “Tố nữ” (thường có bốn bức) lại mang đến cảm xúc dịu dàng, thanh thoát, miêu tả những thiếu nữ đại diện cho vẻ đẹp và phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam... Những giá trị ấy hoàn toàn có thể hiện hữu sinh động trong đời sống đương đại, trở thành sản phẩm văn hóa trong đời sống thường ngày của người Việt và được quảng bá, lan tỏa tới bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, người xem còn như được bước vào một hành trình khám phá những câu chuyện thú vị trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, do chính các họa sĩ nhóm Latoa Indochine chia sẻ, giới thiệu.
Cùng vẽ lợn, nhưng tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng khác nhau về hình khối, mầu sắc. Khi giới thiệu tranh Kim Hoàng, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc đã truyền cảm hứng cho các bạn trẻ qua việc kể lại một cách say mê lịch sử hàng trăm năm của dòng tranh này từ khi cực thịnh đến lúc suy tàn.
Theo Chủ tịch Latoa Indochine Phạm Ngọc Long, tranh dân gian truyền thống rất đẹp nhưng vì in trên giấy dó, giấy điệp nên độ bền không cao. Do đó, các nghệ sĩ đã sáng tạo ra cách vẽ mới trên vóc. “Hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp mầu được mài rất tỉ mỉ.
Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới”, ông Phạm Ngọc Long nhấn mạnh. Họa sĩ Trần Thiệu Nam, một nghệ sĩ đam mê và gắn bó lâu năm với hình ảnh hoa sen, chia sẻ: “Các tác phẩm của “Mạch di sản” mang tới cái nhìn mới về dòng tranh truyền thống. Xưa, tranh dân gian thường được treo vào dịp lễ hội, chỉ được bày biện trong một thời gian, thậm chí sau đó còn bị hóa (đốt) đi, thì nay, những tác phẩm với chất liệu mới vừa có tính lưu giữ, có tính kết nối với không gian và giá trị sưu tập”.
Trong khuôn khổ triển lãm, các họa sĩ Trần Thiệu Nam, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thái Học, Lương Minh Hòa... còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm như tự tay làm vóc truyền thống (gần 30 công đoạn) để công chúng trực tiếp cảm nhận và thấu hiểu sự kỳ công, độc đáo của từng bức tranh.
Không bỏ qua tiện ích của công nghệ, mỗi tác phẩm cũng kèm theo một mã QR để người xem tiếp cận, lưu trữ thông tin. Nhóm Latoa Indochine được thành lập tháng 6/2022 với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghệ thuật kiến trúc và tranh dân gian Việt Nam, đã ghi dấu ấn với một số triển lãm như “Con đường” (2022), “Họa màu-Dân gian” (2024) cùng nhiều lễ hội trong nước và quốc tế. “Mạch di sản” là nỗ lực mới nhất của các họa sĩ, nghệ nhân nhằm tiếp thêm sức sống cho tranh dân gian Việt Nam trong dòng chảy hiện đại và tương lai.