Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lưu giữ giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc bằng ngôn ngữ nghệ thuật

06/09/2018 | 10:17

Chương trình nghệ thuật “Mỵ” của biên đạo Tuyết Minh qua sự trình diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc đã chinh phục được toàn bộ các thành viên của Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Ca Múa Nhạc Toàn quốc (đợt 1) và công chúng yêu mến nghệ thuật. Dự kiến, trong tháng 9 tới chương trình nghệ thuật “Mỵ” sẽ được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội để phục vụ du khách trong và ngoài nước.

 

Nhân dịp này chúng tôi đã có buổi trò chuyện với biên đạo múa Tuyết Minh về hành trình vượt qua những khó khăn để mang “quà tặng văn hóa” đặc sắc tới khán giả.

- Thưa chị, động lực, nguồn cảm hứng nào đã thôi thúc Tuyết Minh dàn dựng chương trình nghệ thuật “Mỵ” tái hiện một vùng văn hóa Mông trên sân khấu?

Trước hết nó xuất phát từ lăng kính của Minh khi nhìn vào cuộc sống đương đại ngày hôm nay, đặc biệt là đối với môn nghệ thuật mà mình rất tâm huyết, đồng hành suốt 28 năm qua - nghệ thuật múa. Trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại, nghệ thuật múa hôm nay quá “mở” trước sự hội nhập khi ngôn ngữ múa ngoài dòng chảy truyền thống và nền tảng là múa cổ điển châu Âu, ngày nay còn có nhiều dòng múa như múa hiện đại, hiphop, dance sport … Sự hội nhập đó ảnh hưởng vào lăng kính của người nghệ sĩ, tạo cho khán giả “gu” thẩm mỹ rất mở rộng. Thậm chí khán giả hiện nay còn có những “gu” thẩm mỹ đi trước cả người nghệ sĩ sáng tác.

Sau quá trình được đào tạo ở Pháp trong 6 năm, khi về Việt Nam Tuyết Minh luôn trăn trở làm thế nào để mang những kỹ thuật, kỹ xảo mới, những phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật mới ở nước ngoài để  làm giàu hơn cho nền tảng văn hóa của dân tộc và nhất là đối với nghệ thuật múa. 

Đó cũng là lý do mình muốn không chỉ là múa, mà những tác phẩm văn học có giá trị của Việt Nam được xướng lên trên sân khấu bằng hình thức ca múa nhạc. Vở nhạc kịch “Mỵ” là một tác phẩm như vậy.    

"Mỵ" lấy cảm hứng từ “Vợ chồng A Phủ” - tác phẩm văn học của nhà văn Tô Hoài. Nguồn: NVCC

- Lấy cảm hứng từ “Vợ chồng A Phủ” - tác phẩm văn học của nhà văn Tô Hoài, vậy Tuyết Minh đã sử dụng ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật như thế nào để thể hiện ý tưởng của mình, và truyền tải câu chuyện đến khán giả?

Có hai tác phẩm văn học in đậm trong suy nghĩ của mình đó là “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài và “Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Đối với văn hóa Mông và ngôn ngữ múa cũng như những thanh âm, những giai điệu âm nhạc của đồng bào dân tộc Mông quá đặc sắc, hồn cốt và tạo ấn tượng mạnh. 

Khi tiếng khèn, tiếng đàn môi rung lên mình có cảm giác như cả không gian văn hóa của người Mông hiển hiện trên những đỉnh núi cao. Tuyết Minh cũng mong muốn ngôn ngữ múa, âm thanh của cuộc sống, của thiên nhiên sẽ được chuyển tải qua những tác phẩm nghệ thuật và đến với công chúng để mọi người hướng đến cái đẹp, và hướng về cái tự nhiên. 

Chính vì vậy khi xây dựng tác phẩm “Mỵ” mình mong muốn ekip sáng tạo nghệ thuật cùng đồng hành với mình trong một tư duy, đó là quay trở về với sự đơn giản, quay trở về với nhân tố nghệ thuật, để những người dân tộc xem phải hiểu được ngôn ngữ đó, chứ không cao xa, đánh đố khán giả bằng sự học thuật, và những thủ pháp quá xa vời văn hóa của dân tộc, của đồng bào. 

Âm thanh của tự nhiên mang đến sự xúc động, mang đến sự rung cảm của tất cả các giác quan. Chính vì vậy, mình đã ngồi với đạo diễn âm nhạc NSƯT Mạnh Tiến, Lê Minh Sơn, Minh Đạo, Minh Đức để cùng đi đến một điểm đến cuối cùng. Đó là đưa tất cả các vật dụng của đồng bào dân tộc, các nhạc cụ gắn với văn hóa dân tộc Mông như cái mõ trâu, cái cối, cái chày, dao, thớt… lên sân khấu và sắp xếp nó thành những bản nhạc, thành những cung bậc và thành những tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng là con đường mà mình muốn gắn kết.

Còn đối với ngôn ngữ nghệ thuật múa, vốn múa dân gian dân tộc Mông đã rất đặc sắc không chỉ với những tà váy, mà còn múa với khèn, múa với ô, múa với gậy sinh tiền, múa giao duyên … Trong ngôn ngữ múa dân gian mình đừng nghĩ nó không hiện đại, không đương đại và tiên tiến. Ngược lại khi mình tìm hiểu dân gian đến tận cùng, tìm hiểu bản sắc văn hóa đến tận cùng thì thấy rằng thực ra dân tộc nào, quốc gia nào cũng thể hiện tình yêu của con người với con người, con người với thiên nhiên. Trong thâm sâu bản sắc văn hóa của dân tộc Mông cũng có những điều đó.  

Bản sắc văn hóa dân tộc Mông được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Nguồn: NVCC

- Theo Minh việc thổi hồn đương đại vào văn hóa dân gian để biểu diễn trên sân khấu có những thuận lợi và khó khăn gì? Xin Tuyết Minh chia sẻ những thuận lợi và khó khăn đối với việc dàn dựng “Mỵ”?

Mình đã sống trong môi trường đào tạo 15 năm, do đó mình ý thức rất rõ người nghệ sĩ luôn luôn phải học tập, luôn luôn phải nâng cao trình độ nghệ thuật của mình. Khi những phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật mới trên thế giới tràn ngập vào Việt Nam, mình cũng phân tích cái hay, cái được của họ nhưng điều đó đòi hỏi một nền tảng kiến thức, một nền tảng văn hóa của người Việt Nam đủ mạnh để chắt lọc những cái hay, những phong cách âm nhạc mới trên thế giới. 

Đầu tiên và cuối cùng theo Minh vẫn phải trở về với người nghệ sĩ. Nếu người nghệ sĩ chỉ muốn thể hiện cá nhân mình, rõ ràng anh sẽ bị chạy theo mốt, hay sáng tác những tác phẩm với ý tưởng quá cao siêu mà công chúng không thể tiếp cận được. 

Vậy thì chọn cái gì, chọn như thế nào, thủ pháp như thế nào thì không chỉ mình Tuyết Minh mà phải có sự cộng cảm, phải có sức sáng tạo mãnh liệt của tất cả các nghệ sĩ khác, của cả một ê kíp. Ý tưởng ban đầu có thể là của Tuyết Minh nhưng để đi đến được thành công, đi đến tổng thể thống nhất cho một tác phẩm nghệ thuật thì không chỉ là sự cố gắng của một mình Tuyết Minh nữa mà là sự cộng cảm của cả một ê kíp nghệ thuật, bắt đầu từ ban lãnh đạo của Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc. Các nghệ sĩ, các biên đạo múa từ thiết kế trang phục, thiết kế đạo cụ, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, cùng nhau cộng cảm và nghiên cứu từng chi tiết rất đơn giản trong cuộc sống lao động của người Mông để đưa vào thành tác phẩm nghệ thuật. Mình nghĩ rằng đấy là quá trình lao động nghệ thuật rất khó khăn và vất vả. Ranh giới giữa cảm nhận của cái chuẩn và không chuẩn, có giá trị và không có giá trị rất mong manh nhưng chính vì thế mới khẳng định được tài năng của nghệ sĩ, khẳng định được tư duy và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

Sắp tới, “Mỵ” sẽ công diễn tại  Nhà hát Lớn phục vụ công chúng trong nước và quốc tế. Nguồn: NVCC

Sắp tới, “Mỵ” sẽ công diễn tại  Nhà hát Lớn phục vụ công chúng trong nước và quốc tế, sau “Mỵ” chị có dự định tiếp tục xây dựng kịch bản và dàn dựng các chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc khác với ý tưởng và cách thức tương tự?

Mình rất tâm huyết với đề án này, vì với mình nghệ thuật đã ngấm vào huyết quản. Mình luôn nghĩ rằng Hà Nội có Nhà hát Lớn đẹp như vậy, đó không chỉ là một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử mà còn là bảo tàng sống với những tác phẩm nghệ thuật. Mình rất khát khao các tác phẩm nghệ thuật có giá trị văn hóa được biểu diễn ngay tại đây giữa trung tâm thành phố.

Bây giờ vẫn là những bước đi đầu tiên, chưa thể có thành công ngay lập tức, nhưng mong rằng có những thế hệ sau, những nghệ sĩ của mình cũng tâm huyết như vậy, cũng cống hiến sự sáng tạo, cống hiến sức lao động để lại những tác phẩm đẹp, những tác phẩm để tôn vinh thế hệ đi trước, thế hệ đi sau và thế hệ đương đại có cống hiến cho ngành nghệ thuật nước nhà.

Đề án mình xây dựng trong 2 năm 2018 – 2019 sẽ sáng tác 02 tác phẩm nhạc kịch theo tác phẩm văn học của Việt Nam đó là “Vợ chồng A Phủ” và “Kiều”. Nếu dự án tốt và thu hút được nhiều tour du lịch và sự hưởng ứng của khán giả thì Tuyết Minh và ê kip sẽ tiếp tục sáng tác các tác phẩm ở thể loại dân gian đương đại .

Chân thành cảm ơn sự chia sẻ của Tuyết Minh./. 

Thực hiện phỏng vấn Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×