Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Luật Thư viện được ban hành góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc

26/06/2019 | 08:43

Luật Thư viện nếu được thông qua sẽ phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của công dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Luật Thư viện được ban hành góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc

(Tổ Quốc)- Luật Thư viện nếu được thông qua sẽ phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của công dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Pháp lệnh Thư viện đã "làm tròn" sứ mệnh

Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của sự nghiệp thư viện Việt Nam.

Triển khai thi hành Pháp lệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật ; các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện trên địa bàn tạo khuôn khổ pháp lý, khẳng định vị thế của thư viện, góp phần nâng cao dân trí và có nhiều tác động tích cực đối với việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Và sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận, mạng lưới thư viện công lập phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở.

Pháp lệnh cũng đã tạo ra sự chuyển biến lớn về nhận thức và quản lý, phát triển thư viện. Từ chỗ chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu dùng chung, đến nay thư viện đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền tảng văn hóa phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Luật Thư viện được ban hành góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc - Ảnh 1.

Một góc Thư viện Quốc gia trưng bày các nhạc cụ dân tộc và dành cho trẻ em. Ảnh: Bảo Trung

Đáng chú ý, hơn 10 năm gần đây, các thư viện đã từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện ở Việt Nam đã phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện hạn hẹp.

Theo tờ trình của Chính phủ, đối mặt với nhiều khó khăn lớn, các thư viện đang thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, chưa được quan tâm, tạo điều kiện để phát huy hết khả năng và sáng tạo trong công tác. Trước tình hình đó, việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, cải thiện đời sống của đội ngũ nhân lực thư viện, tạo sức hút của thư viện đối với người sử dụng là những vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay trong thời gian tới.

Pháp lệnh chưa điều chỉnh thư viện tư nhân

Mặc dù đã làm tròn sứ mệnh của mình nhưng Pháp lệnh Thư viện mới chỉ điều chỉnh hệ thống thư viện công lập, chưa điều chỉnh thư viện tư nhân, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Đồng thời, Pháp lệnh mới đề cập đến thư viện theo phương thức truyền thống - thư viện sách, báo in, mà chưa đề cập đến thư viện số, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin đang trở thành xu thế phát triển tất yếu; việc tạo lập và phát triển bộ sưu tập số, sử dụng phần mềm quản trị thư viện tích hợp, phần mềm mã nguồn mở đã được nhiều thư viện ở Việt Nam triển khai; việc hình thành các hệ thống siêu dữ liệu cho phép tra cứu, khai thác nguồn lực thông tin nhanh và chính xác mọi lúc, mọi nơi; việc liên thông giữa các thư viện để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng cũng chưa được quy định.

Luật Thư viện được ban hành góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc - Ảnh 2.

Thư viện Quốc gia có nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo để thu hút những bạn đọc nhỏ tuổi tới tìm hiểu. Ảnh: Bảo Trung

Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 02 quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Đến nay đã có hơn 100 thư viện tư nhân ra đời và hoạt động, góp phần cung cấp và phổ biến kiến thức ở cơ sở, căn cứ để điều chỉnh thư viện tư nhân là Nghị định, hạn chế về giá trị pháp lý, nên chưa khuyến khích được những người có kinh tế và vốn tài liệu thành lập thư viện để phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế các tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu thành lập thư viện để phục vụ nhu cầu học tập, làm việc của người nước ngoài tại Việt Nam và nhu cầu của người Việt Nam. Nhưng, căn cứ pháp lý để thành lập không có nên chưa tận dụng và khai thác được nguồn lực nước ngoài để phát triển sự nghiệp thư viện.

Lĩnh vực thư viện đang có dấu hiệu chậm phát triển hơn so với các lĩnh vực văn hóa khác

Ngoài ra, Pháp lệnh đã quy định một số chính sách, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể nên việc triển khai trong thực tế gặp nhiều khó khăn. Ví dụ: Thư viện là đơn vị hoạt động sự nghiệp, ngân sách nhà nước cấp cho thư viện còn thiếu. Lượng sách xuất bản và nhập khẩu hàng năm tăng nhưng số lượng sách được mua bổ sung cho thư viện chưa tương xứng. Vì thế khả năng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu của người sử dụng chưa đạt kết quả tốt; Quy định chính sách "ưu tiên giải quyết đất xây dựng thư viện" không khả thi trên thực tế, không chỉ đối với thư viện tư nhân mà còn với các thư viện công lập (nhiều thư viện công lập ở vị trí đẹp đã bị di dời, chuyển đến nơi xa trung tâm khó tiếp cận)...

Thêm vào đó, việc Quốc hội ban hành Hiến pháp mới năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng đã tạo hành lang pháp lý phục vụ cho việc quản lý và phát triển trong từng lĩnh vực. Các lĩnh vực điện ảnh, di sản văn hoá, sở hữu trí tuệ, báo chí, xuất bản đã có luật điều chỉnh; lĩnh vực thư viện - một bộ phận không thể thiếu của lĩnh vực văn hóa - rất cần được quan tâm, đầu tư phát triển, nhưng vẫn áp dụng quy định tại Pháp lệnh được ban hành từ năm 2000 đã phát sinh nhiều bất cập, làm cho việc thực hiện mục tiêu phát triển của thư viện gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực thư viện đang có dấu hiệu chậm phát triển hơn so với các lĩnh vực văn hóa khác.

Luật Thư viện được ban hành góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc - Ảnh 3.

Các em nhỏ thích thú khám phá thư viện. Ảnh: Bảo Trung

Nhiều đạo luật quan trọng cũng được Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung: Luật Sở hữu trí tuệ (2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Di sản văn hóa (2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Xuất bản (2012), Luật Giáo dục đại học (2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Khoa học và công nghệ (2013), Luật Ngân sách nhà nước (2015), Luật Tiếp cận thông tin (2016) , Luật Báo chí (2016), Luật Quản lý và sử dụng tài sản công (2017), Luật An ninh mạng (2018)... và các quy định về tự chủ của đơn vị sự nghiệp .

Các văn bản pháp lý này đã tác động không nhỏ đến hoạt động thư viện và quản lý nhà nước về thư viện, dẫn tới việc không đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật và hạn chế hiệu lực thi hành của Pháp lệnh. Một số điểm về thẩm quyền, thủ tục hành chính quy định trong Pháp lệnh không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính hiện nay ; việc thực hiện quy định các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong quản lý nhà nước về thư viện chưa thực sự hiệu quả…

Để khắc phục những bất cập trên, điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh và hoàn thiện thế chế, tăng cường pháp chế về thư viện, việc xây dựng dự án Luật Thư viện là hết sức cần thiết.

Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện; tạo hành lang pháp lý nâng cao năng lực, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của công dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Trích tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thư viện tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV


Luật Thư viện được ban hành cũng sẽ mở rộng và khuyến khích xã hội hóa, góp phần làm tăng số lượng thư viện, nâng cao chất lượng phục vụ; tạo được sự kết nối, liên thông đồng bộ giữa các thư viện, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, thu hút số lượng người đến với thư viện nhiều hơn, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Trích tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thư viện tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Thái Linh


Thái Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×