Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Luật TDTT sửa đổi: Mở rộng hành lang pháp lý xã hội hóa

31/07/2018 | 08:59

Trong Luật Thể dục thể thao (TDTT) sửa đổi, bổ sung mới được thông qua vào tháng 6 vừa qua, công tác xã hội hóa đã được chú trọng, mở rộng hơn.

Mở rộng hành lang pháp lý

Xã hội hóa là một trong những chủ trương, đường lối chính sách đúng đắn, phù hợp với nhu cầu tất yếu, khách quan của sự phát triển của Đảng và Nhà nước. Công tác xã hội hóa nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho con người, cho cộng đồng với mục đích "giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa".

Kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/CP ngày 21-08-1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19-08-1999 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao đi vào đời sống xã hội, đến nay đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là trong ngành thể dục thể thao.

 

Mở rộng hành lang pháp lý với công tác xã hội hóa. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

 

Có thể thấy rõ, xã hội hóa đã dần trở thành một trong những giải pháp quan trọng để phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao nước nhà. Xã hội hóa đã từng bước khắc phục cơ chế Nhà nước bao cấp toàn phần và dần tạo điều kiện rộng rãi để huy động các nguồn lực từ xã hội, các thành phần kinh tế...

Đến năm 2006, Luật TDTT đã được thông qua tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao năng lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT. Trong đó, vai trò tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp về TDTT ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, tới nay, Luật đã bộc lộ một số bất cập đối với chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa hoạt động thể thao.

Nhận biết được tầm quan trọng của công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, trong Luật TDTT sửa đổi, bổ sung mới được thông qua vào tháng 6 vừa qua, Đảng, Nhà nước và Bộ VHTTDL đã chú trọng sửa đổi, điều chỉnh một số điều quy định công tác xã hội hóa để tạo một hành lang pháp lý vững chắc hơn.

Cụ thể, khoản 2 tại điều 31 về “Phát triển thể thao thành tích cao” nêu rõ, Nhà nước có chính sách phát triển thể thao thành tích cao, đầu tư tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao, tham gia các giải thể thao quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao; có chính sách đặc thù cho vận động viên nữ, huấn luyện viên nữ trong quá trình tập luyện, thi đấu.

Bên cạnh đó, ở điều 49 quy định về “Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp” cũng được sửa đổi, bổ sung thêm bao gồm: Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp là doanh nghiệp thực hiện đào tạo, huấn luyện vận động viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp, là thành viên của liên đoàn thể thao quốc gia và phải tuân thủ các quy định của liên đoàn thể thao quốc gia và liên đoàn thể thao quốc tế khi tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp do liên đoàn thể thao quốc gia hoặc liên đoàn thể thao quốc tế tổ chức.

Có thể thấy, Luật TDTT sửa đổi, bổ sung 2018 đã mở rộng, củng cố hành lang pháp lý giúp cho các nguồn lực từ xã hội, các thành phần kinh tế... có điều kiện rõ rệt hơn để tham gia đầu tư, hỗ trợ cho thể thao thành tích cao không chỉ thông qua việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, mà còn trở thành cơ sở đào tạo.

Siết chặt quy định quản lý

Tuy nhiên, việc mở rộng hành lang pháp lý đối với công tác xã hội hóa cũng không thể thiếu đi những quy định đi kèm. Luật TDTT sửa đổi, bổ sung 2018 cũng quy định rõ về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp ở điều 55.

Cụ thể, điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp bao gồm: Có đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động; Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động thể thao.

 

Luật TDTT sửa đổi cũng siết chặt quy định điều kiện kinh doanh. Ảnh minh họa : Nam Nguyễn

 

Đối với hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao, Luật TDTT sửa đổi cũng quy định cặn kẽ ở điều 56 với hai khoản gồm hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp và hộ kinh doanh và các tổ chức khác muốn kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện theo quy định của Chính phủ.

Với việc sửa đổi, bổ sung một số điều về xã hội hóa trong Luật TDTT 2018, công tác xã hội hóa ngành thể dục thể thao trong thời gian tới chắc chắn sẽ có được nhiều bước phát triển lớn, đặc biệt là trong thời điểm Việt Nam sẽ là nước chủ nhà cho SEA Games 31 vào năm 2021 tới đây. Việc chuẩn bị cho cơ sở vật chất, công tác huấn luyện là cực kỳ quan trọng, cần có sự chung sức của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đăng Huy

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×