Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi và sự tác động của nó

27/05/2009 | 07:00

Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, bài viết này sẽ đề cập khái quát về hệ thống pháp luật hiện hành, hoạt động thực thi, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung, quan điểm của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và cuối cùng là sự tác động của các điều khoản sửa đổi trong thực tiễn thi hành sau khi được Quốc hội thông qua.

Luật Sở hữu trí tuệ và việc sửa đổi bổ sung:

Việc Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã đánh dấu bước phát triển mới, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và hội nhập quốc tế. Để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị, 5 Nghị định; các Bộ, ngành liên quan đã ban hành 4 Thông tư và 4 Quyết định.

Hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành đã tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo kết tinh tại các tài sản trí tuệ. Các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đã đi vào cuộc sống và phát huy vai trò của nó. Hoạt động thực thi của các cơ quan có thẩm quyền, hoạt động tự bảo vệ quyền của các chủ thể đã có bước tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra đối với hầu hết các đối tượng được bảo hộ, từ quyền tác giả, quyền liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Nạn sao chép tác phẩm, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa đã gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà đầu tư. Hầu hết các bản ghi âm, ghi hình, chương trình máy tính có giá trị bị sao chép lậu, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng bị làm giả, làm nhái. Môi trường kỹ thuật số nói chung, mạng thông tin điện tử nói riêng đã bị khai thác với động cơ vụ lợi, xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả đối với các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Một số vụ việc đã được các tổ chức quốc tế, các quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu các cơ quan nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý.

Nguyên nhân của tình trạng này là nhận thức, hiểu biết trong công chúng, người có quyền và nghĩa vụ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật không nghiêm. Mặt khác, bản thân Luật sở hữu trí tuệ cũng còn một số tồn tại thể hiện tại một số điều, khoản chưa tương thích với pháp luật quốc tế và bộc lộ những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thực thi trong những năm qua.

Để giải quyết các tồn tại, bất cập trên về pháp luật và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cần thiết phải thể chế hóa Nghị quyết số 71/2006/NQ-QH11 của Quốc hội về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam, đồng thời sửa đổi một số điều khoản khác hiện đang chưa tương thích với luật pháp quốc tế, một số điều khoản chưa phù hợp gây khó khăn cho hoạt động thực thi, cũng như những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện. Việc sửa đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hội nhập, khắc phục các tồn tại bất cập, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức Việt Nam bình đẳng với công dân và pháp nhân của các quốc gia, nhằm thúc đẩy các hoạt động thực thi tại Việt Nam và hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi đồng thời sẽ góp phần quan trọng phát huy năng lực sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển thị trường công nghệ, từ đó nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả thực thi, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Năm quan điểm xây dựng, trình và phê duyệt Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 tiếp tục được quán triệt để triển khai thực hiện Dự án Luật, bao gồm: thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, quy phạm hóa nội dung Nghị quyết số 71/2006/QH11 của Quốc hội;  bảo vệ lợi ích quốc gia; bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ; kế thừa các giá trị pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, tiếp thu các chuẩn mực quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ. Từ các quan điểm này, 3 hướng chính cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ gồm: sửa đổi một số điều, khoản có nội dung chưa tương thích với các điều ước quốc tế đa phương, các điều, khoản khác phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập; sửa đổi một số điều, khoản đang nảy sinh các vướng mắc trong thực thi; chỉnh sửa về kỹ thuật văn bản và các từ ngữ phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo đó, có 35 Điều được sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 48 ngày 9/4/2009, với 4 nhóm vấn đề gồm: sửa đổi, bổ sung đối với các điều, khoản liên quan tới nội dung quyền tác giả, quyền liên quan và quyền đối với giống cây trồng, thuộc Phần thứ hai và Phần thứ tư Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung đối với các điều, khoản liên quan tới trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, thuộc Phần thứ ba và Phần thứ sáu Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung đối với các điều, khoản liên quan tới chính sách về sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thuộc Phần thứ nhất và Phần thứ năm Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung đối với các điều, khoản liên quan tới kỹ thuật văn bản và thay đổi từ ngữ phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.

Tác động của việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ:

Với việc sửa đổi như đã nêu trên, nếu được Quốc hội thông qua thì sự tác động tích cực của nó sẽ thể hiện trên các khía cạnh chính sau:

Thứ nhất: tạo ra sự phù hợp hơn của Luật Sở hữu trí tuệ với các chuẩn mực quốc tế, các cam kết của Việt Nam khi tham gia WTO

Các Điều, khoản được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các Điều ước quốc tế đa phương, các cam kết của Việt Nam khi tham gia WTO sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việc sửa đổi này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế với các chuẩn mực chung, phù hợp.

Khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư vào Việt Nam với cơ chế pháp luật rõ ràng, mang tính quốc tế.

Hạn chế tối đa tranh chấp về việc hiểu và thi hành Luật Sở hữu trí tuệ trong các quan hệ quốc tế. Loại trừ các ý kiến của các quốc gia tại các diễn đàn quốc tế liên quan về những tồn tại của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Thứ hai: lợi ích quốc gia được bảo vệ trong quá trình hội nhập; tạo ra sự bình đẳng về lợi ích giữa công dân, pháp nhân Việt Nam với công dân, pháp nhân nước ngoài

Các sửa đổi, bổ sung sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân Việt Nam, đảm bảo sự hài hoà về lợi ích giữa các chủ thể quyền trong và ngoài nước, khắc phục các hạn chế trong các cam kết quốc tế, tạo vị thế và thuận lợi cho các chủ thể quyền trong các giao dịch quốc tế liên quan.

Việc sửa để kéo dài thời hạn bảo hộ tới 75 năm đối với loại hình tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh; bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, để cân bằng lợi ích giữa các loại hình, phù hợp với xu thế chung trên thế giới, vì tuổi thọ bình quân của con người đã được nâng lên (người Việt Nam có tuổi thọ bình quân là 73 tuổi); đồng thời khắc phục sự đối xử bất bình đẳng về thời hạn bảo hộ đã cam kết tại BTA. Sửa đổi này cũng nhằm để công dân, pháp nhân Việt Nam được hưởng các lợi ích như công dân, pháp nhân các nước thành viên WTO khi Việt Nam thực hiện nguyên tắc đối xử tối huệ quốc của Hiệp định Trips.

Việc bổ sung quy định về sáng chế mật để có thể bảo vệ được bí mật quốc phòng, bí mật quốc gia; quy định về chỉ dẫn địa lý đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận sẽ bảo vệ được tài sản quốc gia trong hoạt động thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việc này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba: công dân, doanh nghiệp được tiếp cận các quy định rõ ràng và cụ thể hơn về trình tự, thủ tục xác lập quyền

Các sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện cho công dân, doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục rõ ràng, minh bạch trong việc tiến hành xác lập quyền, phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính. Giảm các chi phí về tài chính cũng như thời gian vật chất liên quan đến việc lập hồ sơ, thủ tục nộp đơn, xin cấp văn bằng bảo hộ. Khuyến khích các chủ sở hữu nộp đơn đăng ký xác lập quyền để được bảo hộ. Ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà có thể xảy ra tại các cơ quan có thẩm quyền.

Quy định rõ ràng về điều kiện tham gia kinh doanh dịch vụ sở hữu trí tuệ để các tổ chức nước ngoài có thể thực hiện dịch vụ này tại Việt Nam. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thực hiện các dịch vụ về sở hữu công nghiệp, bình đẳng. Theo đó, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ các dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp có cạnh tranh lành mạnh.

Thứ tư: các cơ quan quản lý, thực thi về sở hữu trí tuệ được hưởng các chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các hoạt động thực thi có hiệu quả

Bổ sung quy định chính sách về tài chính, nhằm bảo đảm các điều kiện vật chất phù hợp với đặc thù của lĩnh vực sở hữu trí tuệ, để hỗ trợ các cơ quan quản lý, thực thi về sở hữu trí tuệ còn non trẻ, đang gặp nhiều khó khăn trong cơ chế chung hiện nay, góp phần thúc đẩy các hoạt động thực thi đạt hiệu quả.

Theo đó, các bộ, ngành có thẩm quyền quan tâm xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính, cũng như các điều kiện vật chất khác, để các cơ quan quản lý, thực thi sở hữu trí tuệ hoàn thành nhiệm vụ theo quy định pháp luật.

Việc các bộ, ngành liên quan thành lập các tổ chức sự nghiệp để tham gia hoạt động giám định sẽ khắc phục tình trạng bất cập về chuyên môn sở hữu trí tuệ trong lực lượng thực thi thuộc bộ máy nhà nước, các tổ chức hỗ trợ thực thi như tổ chức tư vấn, dịch vụ sở hữu trí tuệ, tổ chức đại diện tập thể. Chủ trương này còn nhằm tận dụng năng lực chuyên môn của đội ngũ chuyên gia trong các cơ quan nhà nước, nhằm hỗ trợ hoạt động của các cơ quan thực thi trong điều kiện các cơ quan này chưa đủ năng lực chuyên môn về sở hữu trí tuệ.

Thứ năm: nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho công chúng, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này tạo ra dư luận xã hội quan tâm hơn nữa tới vấn đề sở hữu trí tuệ còn mới mẻ và rất phức tạp tại Việt Nam. Đây cũng là dịp củng cố, tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng. Các văn nghệ sỹ, trí thức phấn khởi, yên tâm hơn trong các hoạt động sáng tạo để có được các sản phẩm có giá trị tư tưởng, văn học, nghệ thuật và khoa học phục vụ công chúng, vì có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật được trang bị thêm kiến thức mới, đầy đủ, cụ thể hơn để có thể thực thi pháp luật có hiệu quả. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuận lợi hơn trong việc áp dụng khung hình phạt phù hợp với thẩm quyền. Cơ quan hải quan có điều kiện chủ động hơn trong việc xử lý hàng hoá xuất, nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại cửa khẩu biên giới.

Tóm lại, các sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được hệ thống pháp luật hoàn thiện, hiện đại, phù hợp với thực tiễn; tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, thực thi, các cơ quan hỗ trợ thực thi, góp phần tạo ra chuyển biến tích cực, có hiệu quả của hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia và hội nhập quốc tế./.

                                                                                         TS. Vũ Mạnh Chu

                                                                         Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả

                                                                        (Thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật)

(theo website Cục BQTG)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×