Luật định trách nhiệm của người tham gia lễ hội: Loại bỏ hành vi ứng xử xô bồ, thiếu văn hoá
17/09/2018 | 09:58Từ ngày 15.10, Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội chính thức có hiệu lực, tạo một hành lang pháp lý góp phần điều chỉnh toàn diện những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đây cũng là lần đầu tiên trong một văn bản quy phạm pháp luật đã đưa ra những quy định nhằm điều chỉnh ý thức và trách nhiệm của người tham gia lễ hội.
Những biến tướng, hành vi ứng xử thiếu văn hoá trong lễ hội từ đây cũng được kỳ vọng sẽ được loại bỏ, trả lại những giá trị thiêng liêng, trong sáng của lễ hội.
Dấu “trừ” với chen lấn, xô đẩy, tranh cướp
Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc ẩn chứa yếu tố bạo lực ở một số lễ hội trong nhiều năm qua đã khiến cho lĩnh vực vốn cần giữ gìn nét sinh hoạt văn hoá trang trọng lại trở nên xô bồ. Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) đã liên tục phải ban hành công văn nhắc nhở, chấn chỉnh đối với những lễ hội để xảy ra các hiện tượng bạo lực, biến tướng, tranh giành, xô cướp... Đơn cử, ở một số lễ hội điểm nóng, có sức thu hút hàng ngàn, hàng vạn lượt người cùng đổ về trong một thời gian ngắn như lễ hội đền Trần, chùa Hương, hội Phết Hiền Quan...
Điều đáng nói là, bên cạnh nguyên nhân khách quan, liên quan đến sự quá tải về hạ tầng cơ sở hay đội ngũ cán bộ quản lý thì những biến tướng, tiêu cực tại các lễ hội này còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là ý thức và ứng xử của người tham gia. Đến với chùa chiền, lễ hội để cầu an, cầu may nhưng không ít người lại mang theo tâm thế thô tục, sẵn sàng xô đẩy, chen lấn để tranh giành, cướp lộc.
Bên cạnh đó là xuất hiện hành vi ăn mặc phản cảm, nói năng thiếu văn hóa, xả rác thải bừa bãi cùng những biến tướng trục lợi, “hối lộ” thần thánh... vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Không chỉ đơn giản là những hạt sạn, các chủ thể tham gia lễ hội đã là nhân tố góp phần khiến cho nơi thiêng liêng nhất lại trở nên quá xô bồ, ồn ã.
“Nâng cao ý thức người tham gia lễ hội luôn là nội dung trọng tâm trong công tác quản lý và tổ chức ở lĩnh vực nhạy cảm này trong nhiều năm qua. Bộ VHTTDL đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, chuyên đề nhằm nâng cao văn hoá ứng xử của người tham gia lễ hội. Lần này, những quy định tại Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội đã thiết lập cơ sở pháp lý cần thiết, góp phần điều chỉnh và nâng cao ý thức của người dân. Những hành vi xấu xí, phản cảm trong lễ hội theo đó sẽ không còn có thể được nguỵ biện bởi bất cứ lý do gì. Để xảy ra tức là người tham gia lễ hội đã phạm luật...”, theo lãnh đạo Cục Văn hoá cơ sở.
Ứng xử có văn hoá trong lễ hội
Mục tiêu lớn nhất mà Nghị định hướng tới là tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần từ các lễ hội truyền thống. Nhưng thực tế trong thời gian qua, đáng chú ý lại là việc nhiều người dân đi lễ hội theo trào lưu mà không biết được nội hàm, giá trị thực của các lễ hội là gì, các di tích đền, chùa thờ cúng ai... Tâm lý thị trường, lối sống thực dụng cũng khiến nhiều người bất chấp các yếu tố tâm linh để “chèn” vào lễ hội những chiêu trò “buôn thần, bán thánh”, trục lợi, xem trọng vật chất nhằm đạt được các mục tiêu cá nhân.
Thực tế này khiến không ít người coi “lộc” cướp được ở đền, chùa, lễ hội như một dạng “chiến lợi phẩm” chứ không đơn thuần là sự may mắn. Cướp lộc ở chùa Hương, chen cướp lộc trên ban thờ ở đền Trần (Nam Định), cướp bông ở lễ hội Giằng Bông (Hoài Đức, Hà Nội) hay hình ảnh hàng ngàn thanh niên trai tráng lăn lê trong đất bùn để tranh cướp phết tại hội Phết Hiền Quan... là những hình ảnh phản cảm đã khiến các nhà quản lý đau đầu trong suốt mấy mùa lễ hội gần đây.
Các chuyên gia về văn hoá, lễ hội nhận định, giải pháp cần thực hiện quyết liệt chính là thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi cho phù hợp với tính chất và ý nghĩa của lễ hội. Ở góc độ này, Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội đã đưa ra những quy định về quyền của người tham gia lễ hội: Thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hoá, tâm linh, tín ngưỡng; thể hiện mong muốn điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương, đất nước; được giao lưu, sinh hoạt văn hoá và hưởng thụ những giá trị văn hoá tinh thần.
Xây dựng chuẩn mực ứng xử trong lễ hội, Nghị định quy định về trách nhiệm của người tham gia gồm: chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.
Bên cạnh đó, người đi lễ hội phải thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường. Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định trên còn phải tuân thủ các quy định khác như không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Hiệu lực thi hành từ ngày 15.10, Nghị định cũng quy định rõ về xử lý vi phạm. Theo đó, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Nghị định và các quy định của pháp luật khác có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định và các quy định của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo baovanhoa.vn