Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Tạo điều kiện để nghệ nhân bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
28/10/2023 | 19:13Tại Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VHTTDL đề xuất bổ sung các quy định tạo điều kiện để nghệ nhân, người thực hành có thể đóng góp hơn nữa vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng.
Cụ thể, Chương III Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các loại hình di sản văn hoá phi vật thể; kiểm kê, ghi danh, truyền dạy; các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể, chính sách của Nhà nước đối với việc nghiên cứu, sưu tầm và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể. Quy định thực hiện chế độ báo cáo kiểm kê hàng năm; công bố Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể.
Quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO không thực hiện đúng Chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO và quy định đưa ra khỏi Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể.
Bộ VHTTDL đề xuất bổ sung quy định liên quan đến loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Quy định cụ thể về bảo vệ, phát huy di sản thuộc loại hình Ngữ văn dân gian, Tri thức dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng và Nghệ thuật trình diễn dân gian; chính sách khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng.
Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung các quy định tạo điều kiện để nghệ nhân, người thực hành có thể đóng góp hơn nữa vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng thông qua các hoạt động như: tôn vinh, hỗ trợ kinh phí thực hành, mở lớp truyền dạy,… hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhóm, câu lạc bộ, cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hoá phi vật thể, Dự thảo nêu rõ, nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ bao gồm: Tôn vinh trong và ngoài cộng đồng; Hỗ trợ tài chính, vật chất, không gian thực hành; Hỗ trợ, tạo điều kiện thực hành, truyền dạy, giao lưu, trình diễn, giới thiệu; Hỗ trợ thành lập, tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm; Hỗ trợ củng cố, hoàn thiện các tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết, bí quyết về di sản nhằm giúp cho nghệ nhân, cộng đồng có điều kiện tốt hơn trong việc thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tình hình của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành chế độ đãi ngộ quy định trên để thực hiện trên địa bàn.
Trường hợp nghệ nhân sau khi được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước mà sau đó có cơ sở xác định không đủ tiêu chuẩn thì Bộ trưởng Bộ VHTTDL trình Chủ tịch nước quyết định rút danh hiệu.
Đối với các nghệ nhân chưa đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu, Chính phủ quy định thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố có hình thức khen thưởng phù hợp.