Liên kết vùng - Chìa khóa phát triển du lịch bền vững
20/10/2022 | 15:06Tây Bắc là vùng giàu tiềm năng, có lợi thế phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch Tây Bắc vẫn phát triển mang tính chất đơn lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết trên phạm vi toàn vùng. Vì vậy, liên kết vùng trở thành giải pháp tối ưu để tạo các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo nhằm thu hút du khách và phát triển du lịch bền vững.
Chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang và Lai Châu được khởi xướng từ năm 2008 nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch trên vòng cung Tây Bắc, tạo điều kiện cho các địa phương hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc và giúp người dân xóa đói, giảm nghèo từ kinh tế du lịch. Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đặc trưng phát triển nhờ việc kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch, như: “Cội nguồn đất Tổ”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao” đã thu hút du khách đến tìm hiểu phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống, thưởng thức những món đặc sản dân tộc độc đáo, trải nghiệm khám phá hang động tại vùng cao Tây Bắc.
Triển khai mô hình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh trong vùng đã phối hợp, liên kết chặt chẽ; kiên trì thực hiện mục tiêu chung đã đề ra. Sự đồng thuận và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, đã giúp chỉ tiêu của ngành du lịch tiếp tục duy trì tăng trưởng hợp lý và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Lượng du khách đến các tỉnh trong khu vực đã tăng đáng kể qua các năm, chất lượng tour du lịch có những bước đột phá tại từng địa phương. Các cơ sở lưu trú tại gia ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn 8 tỉnh cũng tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Đặc biệt, chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã cung cấp những sản phẩm du lịch độc đáo, mới mẻ với những chương trình du lịch hấp dẫn, như: Những nẻo đường Tây Bắc; Tây Bắc mùa hoa nở; Chương trình du lịch vòng cung Tây Bắc đã được các hãng lữ hành uy tín (Vietravel, Vietran Tour, Hanoi Redtours, Saigontourist...) thiết kế và đưa vào khai thác với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, giúp du khách cảm nhận được cuộc sống bình yên, nguyên sơ và đầy sức sống.
Tháng 8/2022, nhóm Hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổ thường trực, tổ giúp việc bàn giải pháp khai thác tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết. Trên cơ sở đó hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch. Trong 6 tháng qua, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh đã đón 20 triệu lượt du khách, riêng khách du lịch đến từ các địa phương trong nhóm hợp tác đạt khoảng 10 triệu lượt. Số lượng doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh đến khảo sát và liên kết với doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch tại khu vực Tây Bắc mở rộng ngày càng tăng, lượng khách từ đây đến tham quan du lịch tại các tỉnh Tây Bắc mở rộng tăng mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước. Tại tỉnh Điện Biên, các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh được triển khai với 5 nội dung trong trao đổi thông tin quản lý Nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch và các sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật của các tỉnh, thành phố năm 2022; đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến kêu gọi đầu tư du lịch; tổ chức Hội chợ Du lịch vùng Tây Bắc năm 2022.
Để thực hiện được các mục tiêu đó, tỉnh Điện Biên đã cụ thể hóa các hoạt động phù hợp đặc điểm, tình hình phát triển du lịch của tỉnh. Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Ngay từ năm 2010, Điện Biên đã nằm trong nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc liên kết mở rộng, đến năm 2020 tiếp tục liên kết với TP. Hồ Chí Minh. Đây là một nội dung chúng tôi cho rằng hết sức quan trọng. Việc liên kết phát triển du lịch nhằm giải quyết được nhiều mục tiêu: Tuyên truyền, quảng bá các tài nguyên, sản phẩm du lịch của các địa phương với nhau; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có cơ hội gặp gỡ kết nối đưa du khách từ địa phương này tới địa phương khác; tổ chức được các đoàn khảo sát để xây dựng các sản phẩm, du lịch phù hợp; hợp tác để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.