Liên hợp quốc đưa "sức mạnh của thể thao" vào Hiệp ước vì tương lai
25/09/2024 | 09:25Hiệp ước vì tương lai đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các nhà lãnh đạo thế giới vì đã công nhận vai trò quan trọng của thể thao trong Hiệp ước mới được tất cả 193 quốc gia thành viên ký kết thông qua.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Thomas Bach đã đánh giá cao về việc thông qua Hiệp ước vì tương lai. Đặc biệt, Chủ tịch Thomas Bach cảm ơn Liên hợp quốc đã công nhận vai trò của thể thao như một động lực quan trọng để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Chủ tịch Thomas Bach chỉ ra rằng: Thế vận hội Olympic ở Paris 2024 là một ví dụ điển hình về cách Ủy ban Olympic quốc tế đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững thông qua thể thao. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục và tăng cường đóng góp của thể thao trong khuôn khổ Hiệp ước vì Tương lai, vì thỏa thuận này phản ánh hoàn hảo phương châm Olympic của chúng tôi: Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn, Cùng nhau”, Chủ tịch Thomas Bach nhấn mạnh.
Thể thao đóng vai trò quan trọng trong Hiệp ước, đặc biệt là trong Hành động 11, nơi các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bảo vệ và thúc đẩy văn hóa và thể thao như những thành phần không thể thiếu của phát triển bền vững”. Tài liệu nhấn mạnh cách các lĩnh vực này thúc đẩy bản sắc và sự gắn kết xã hội trong cộng đồng, thừa nhận sự đóng góp đối với sức khỏe và hạnh phúc của cá nhân.
Ngoài ra, Hiệp ước cam kết đảm bảo rằng văn hóa và thể thao đóng vai trò thiết yếu trong mục tiêu phát triển hiệu quả, toàn diện, công bằng và bền vững. Các Quốc gia thành viên đã cam kết đưa văn hóa vào nhiều chính sách và chiến lược khác nhau đồng thời đảm bảo đầu tư công đầy đủ để bảo vệ và thúc đẩy các lĩnh vực này.
Trong Tuyên bố về các Thế hệ Tương lai, một phần của Hiệp ước, thể thao một lần nữa được nhấn mạnh, với các Quốc gia thành viên cam kết “đầu tư vào nền giáo dục chất lượng dễ tiếp cận, an toàn, toàn diện và công bằng cho tất cả mọi người, bao gồm giáo dục thể chất và thể thao”. Cam kết này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời và chuyển giao kiến thức giữa các thế hệ, rất quan trọng để phát triển các thế hệ tương lai.
Việc đưa thể thao vào Hiệp ước là một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác đang diễn ra của Ủy ban Olympic quóc tế với Liên hợp quốc, nơi Ủy ban Olympic quóc tế giữ vị thế là Quan sát viên thường trực. Sự hợp tác này đã trở nên quan trọng kể từ năm 2015, khi Liên hợp quốc chính thức công nhận thể thao là "động lực quan trọng" của phát triển bền vững, đưa thể thao vào Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Chủ tịch Thomas Bach đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình như một Mục tiêu Phát triển Bền vững cơ bản.
"Ủy ban Olympic quóc tế coi hòa bình là mục tiêu cơ bản nhất trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Đây là lý do tại sao chúng tôi rất vui và tự hào rằng, bất chấp mọi căng thẳng địa chính trị, chúng tôi đã có thể tập hợp các VĐV từ các vùng lãnh thổ của tất cả 206 Ủy ban Olympic quốc gia và Đội tuyển Olympic người tị nạn của Ủy ban Olympic quóc tế (tại Paris)", Chủ tịch Thomas Bach tuyên bố.
Viện dẫn về những thành tựu của Thế vận hội Olympic và Paralympic tại Paris, Chủ tịch Thomas Bach cho biết, “Trước Thế vận hội Olympic, các VĐV đã cùng nhau kêu gọi mạnh mẽ vì hòa bình. Trong Thế vận hội Olympic, họ đã thi đấu quyết liệt với nhau nhưng họ sống hòa bình cùng nhau dưới một mái nhà tại Làng Olympic. Họ chia sẻ những bữa ăn, trải nghiệm và cảm xúc của mình. Họ tôn trọng nhau, không có bất kỳ sự cố hay phân biệt đối xử nào, ngay cả khi đất nước của họ đang có chiến tranh.” Câu chuyện mạnh mẽ này minh họa cho cách tinh thần chung sống hòa bình của Olympic có thể đóng vai trò là hình mẫu cho sự hòa hợp toàn cầu.
Những phát biểu của Chủ tịch Thomas Bach không chỉ củng cố cam kết của Ủy ban Olympic quốc tế đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững mà còn làm nổi bật tiềm năng chuyển đổi của thể thao trong việc thúc đẩy sự thống nhất và hòa bình trong một thế giới chia rẽ. Việc công nhận thể thao là một yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững đóng vai trò là một dấu hiệu đáng khích lệ cho sự hợp tác quốc tế trong tương lai và phúc lợi cộng đồng.