Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V: Câu chuyện của sáng tạo

30/10/2018 | 14:05

Buổi gặp gỡ và chia sẻ với báo giới của các nghệ sĩ điện ảnh quốc tế có phim tham dự LHP quốc tế Hà Nội lần thứ V (Haniff) đã đem đến những câu chuyện làm phim mà ở đó sự dũng cảm, sáng tạo, dám xông vào những lãnh địa khó nhằn nhất mới làm nên tác phẩm xuất sắc.

Làm 1 bộ phim chỉ 10 ngày

Đạo diễn David Wenham (Australia) của phim “Ellipsis” tâm sự: Lúc đầu, tôi định làm một phim khác nhưng vì kinh phí không đủ nên chuyển sang làm dự án mới mang tính thử nghiệm hơn. Bộ phim “Ellipsis” hoàn tất chỉ trong 10 ngày từ viết kịch bản, casting diễn viên đến quay phim. Trong 3 ngày đầu, tôi chỉ nói chuyện với 2 diễn viên, nói sơ qua về ý tưởng phim, rồi cùng họ phát triển tính cách nhân vật. 7 ngày sau dành cho quay phim trên thực địa, ở các con phố, siêu thị, bảo tàng... Diễn viên diễn thường không giống đời thực, như nói chậm hơn hay cử chỉ quá đi, còn tôi muốn diễn viên trải nghiệm tình huống thật ngoài đời, gặp những con người thật, diễn mà như không diễn. Tôi trao quyền tuyệt đối cho diễn viên, cho họ chủ động sáng tạo. Và họ cũng giống như hai nhân vật trong phim: Hai người xa lạ gặp nhau, có cảm tình rồi chia tay. Sau bộ phim, hai diễn viên bảo đó là trải nghiệm thú vị nhất trong đời diễn viên của họ.

Đạo diễn Robby Ertanto và nữ diễn viên Maudy Koesnaedi (Indonesia). Ảnh: V.V

Còn tên phim “Ellipsis” tiếng Anh là “dấu 3 chấm”, vì lúc đầu chúng tôi không biết đặt tên phim là gì nhưng dấu 3 chấm mang hàm ý một điều gì đó kết thúc, nghĩ lại và sau đó tiếp tục một điều mới. Tôi từng là một diễn viên và kinh nghiệm là lợi thế lớn vì tôi đã làm việc với trên 50 đạo diễn khác nhau, xem nhiều phim của họ để tìm ra tiếng nói riêng của mình. Tôi nghĩ công việc đạo diễn sáng tạo hơn diễn viên vì đạo diễn có cơ hội tương tác với quay phim, mỹ thuật…

Tình yêu của nữ tu với mục sư

Thật thú vị khi được xem bộ phim “Muối đang rời xa biển” “(Salt is leaving the sea, Indonesia) - một phim làm hay, sáng tạo với cách kể rất đương đại, cảnh quay mang chiều sâu của tâm trạng, và hơn thế đề tài của phim rất đặc biệt: Tình yêu của nữ tu và cha (mục sư).

So với các phim Việt Nam, “Muối đang rời xa biển” rất tự nhiên, chân thật và chuyện tình của nữ tu và mục sư như tiếng gọi của số phận mà Chúa không phán xét. Lời thoại cũng là một thế mạnh của phim, ngôn ngữ ẩn dụ, nhiều ý tứ. Câu nói đau đớn của vị mục sư “Chúa khuyến khích mỗi người chọn con đường riêng của mình mà họ cảm thấy hạnh phúc” ở cuối phim, thực sự làm tất cả người xem xúc động.

Đạo diễn Robby Ertanto (Indonesia) còn rất trẻ, anh cho biết: Trước đó, phim đã dự LHP Nam Phi, bây giờ là Haniff và sau đó là LHP Hồng Kông. Tháng 12 này mới chiếu thương mại tại Indonesia nhưng khi đưa trailer và poster phim lên mạng xã hội, khán giả rất thích đề tài này vì nó mới lạ. Phần lớn người dân Indonesia theo đạo Hồi và họ rất tò mò về chuyện tình yêu trong nhà thờ. Bộ phim này lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn về khâu kiểm duyệt, vì đề tài nhạy cảm.

Nữ diễn viên chính Maudy Koesnaedi, một diễn viên phim truyền hình khá nổi tiếng, hào hứng vì đây là dự án phim truyện đầu tiên. Khi chuẩn bị, chị đã thảo luận với đạo diễn nhiều lần rồi đến thăm một nơi ở của các nữ tu, hỏi họ liệu có câu chuyện tình yêu với cha xứ. Và họ trả lời có chuyện đó. Các nữ tu đồng ý đưa câu chuyện lên phim. Và các cảnh quay phim đều được thực hiện tại nhà thờ, các nữ tu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm với diễn viên Maudy từ nghi thức cầu nguyện, cho đến các sinh hoạt hằng ngày. Maudu đặc biệt thích vai diễn nữ tu này, vì nhân vật phụ nữ khác hẳn so với các phim thông thường tại Indonesia, các vai phụ nữ chỉ là vai người mẹ, người vợ.

Hãy bước ra khỏi thế giới ảo

Đạo diễn trẻ Lee Kyungsub (Hàn Quốc) mang phim “Sinh viên A - Studen A” dự thi Haniff 2018. Một chuyện phim về một nữ sinh trải qua tuổi dậy thì, sống khép kín, xa lánh bạn bè, chìm đắm trong thế giới game. Cô phải dần dần học cách biểu lộ cảm xúc, gần gũi hơn với thế giới xung quanh. Nó như một tự truyện viết về cuộc đời mình của cô gái.

Cảm hứng của Lee làm phim dựa theo một câu truyện tranh trên mạng, dù anh biết nó thực sự rất khó làm. Trong phim không có một nhân vật nào là người lớn, đều là các nữ sinh và có sự tham gia của một diễn viên “nhí”. “Sinh viên A” đã công chiếu cho các bạn trẻ và họ rất đồng cảm với nhân vật. Thông điệp của phim là việc đừng quá đam mê vào thế giới ảo, kết bạn ngoài đời không hề khó như bạn nghĩ, hãy tiến ra thế giới thực và mở lòng mình...

Lee luôn thích tự thách thức chính mình với những đề tài khó và sắp tới anh muốn tự mình viết kịch bản để làm phim.

Vượt qua kiểm duyệt làm phim về trẻ bị bạo hành

Đạo diễn Seyedrouhollah Hejazi (Iran) của phim “The Dark Room”, trong phim chỉ có 3 nhân vật trong phòng tối, với ngôn ngữ ẩn dụ để kết nối câu chuyện của cá nhân và xã hội. Anh tâm sự: Chủ đề bạo hành trẻ em là khó qua được kiểm duyệt của Iran, ngay một số nước cũng từ chối nói về nó trên màn ảnh. Khi làm, phải tính làm sao để qua được kiểm duyệt. Bản thân tôi có con và hiện nay sống trong xã hội khó mà tin tưởng người khác.

Tôi tưởng tượng rằng một đứa trẻ bị bạo hành, bố mẹ nó sẽ phản ứng như thế nào? Trong đầu tôi, hiện lên hình ảnh một đứa trẻ 5 tuổi đứng trên ban công muốn tự tử, nó không biết gì về cái chết, chứng tỏ đứa trẻ chịu áp lực rất lớn.

Tôi không trực tiếp nói về nạn bạo hành, vì như thế phim sẽ không được duyệt, mà tôi tập trung thông qua nhân vật người bố và người mẹ liên tục hỏi đứa bé chuyện gì đã xảy ra. Với tôi, bạo hành tinh thần lớn hơn thể xác rất nhiều. Cách kể để phim qua được kiểm duyệt là hết sức quan trọng.

Theo laodong.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×