Lịch sử và văn hóa Việt Nam có một sức cuốn hút đặc biệt!
05/09/2022 | 09:48Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc những câu chuyện sinh động và thực tế về cách mà cán bộ ngành văn hoá thực hiện công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Trong một sự hào hứng đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL Trần Nhất Hoàng chia sẻ hàng chục câu chuyện quảng bá mới mẻ và thú vị từ World EXPO (Triển lãm thế giới) tại Dubai - sự kiện lớn nhất toàn cầu bên cạnh Olympic và World Cup. Theo ông, EXPO hội tụ và phản ánh chính xác nhất về thời đại mà chúng ta đang sống, và gợi mở điều chúng ta cần lưu tâm, đó là sự kết nối, là ý tưởng, sáng tạo, là sẵn sàng thay đổi để thích nghi với sự phát triển ở tốc độ nhanh và chưa từng thấy trước đây. Với ông, EXPO còn là cơ hội truyền thông quốc gia quý giá.
"Còn nhớ khi hãng truyền hình Mỹ CNN đến các nhà triển lãm tại EXPO để tìm hiểu và chọn sản phẩm đưa vào chuyên mục "Đối mới sáng tạo", chúng tôi đã thư từ giới thiệu những câu chuyện tiêu biểu của ta như: Việt Nam tự phát triển mạng 5G, vệ tinh "Make in Việt Nam", mô hình kinh tế tuần hoàn, gạo ST25, giầy thể thao làm từ bã cà phê .v.v… Tuy nhiên, ngày đón đoàn chính thức ghé thăm, chúng tôi bàn với nhau phải thêm một câu chuyện tầm vóc hơn, hấp dẫn hơn, vừa chân thực vừa đủ thuyết phục để Việt Nam phải được lựa chọn vào phóng sự của CNN (trong số hàng trăm Nhà triển lãm), đây là cơ hội truyền thông không thể bỏ lỡ. Và chúng tôi đã chọn một sức mạnh độc đáo của Việt Nam – đó chính là Văn hoá: bố trí nghệ sỹ mặc áo dài đón bạn bằng đàn T’rưng và nói thêm về quan niệm độc đáo của người Việt với cây tre, với rối nước, với cồng chiêng…, rồi mời bạn thưởng thức phở Việt Nam, uống cà phê Việt Nam… Chúng tôi muốn bạn có thêm thời gian trải nghiệm và "ngấm" văn hóa Việt, họ sẽ cảm nhận thấy cả sự hiếu khách của người Việt và sức hấp dẫn của Việt Nam"- Ông Trần Nhất Hoàng kể lại.
Và kết quả là, chúng ta đã có một phóng sự trong chuyên mục "Đổi mới sáng tạo" trên CNN – điều chưa từng có trước đây. Nhưng điều đáng nói nữa là, khác với phóng sự về sản phẩm các quốc gia kỹ nghệ cao, người dẫn chuyện bắt đầu câu chuyện Việt Nam từ văn hoá, từ âm nhạc, từ món cà phê… và đi vào câu chuyện sản phẩm của Việt Nam làm từ bã cà phê một cách rất tự nhiên. Các phóng viên sau đó đã chia sẻ, quả nhiên sức hấp dẫn văn hóa và thương hiệu Việt Nam đã thôi thúc họ muốn nói về Việt Nam trong lần đó.
"Tôi luôn tin rằng bề dày lịch sử, tinh thần Việt Nam và những nét rất riêng của văn hóa Việt Nam có một sức cuốn hút đặc biệt"- Ông Trần Nhất Hoàng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc bắt đầu từ câu chuyện cụ thể và thực tế về cách một cán bộ đối ngoại ngành văn hóa thực hiện trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Là một bộ đa ngành, Bộ VHTTDL đang gắn kết sức mạnh tổng hợp văn hoá, thể thao và du lịch trong quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường quan hệ quốc tế và thông tin đối ngoại. Trong đó sức mạnh của văn hoá, nét đẹp con người, thiên nhiên Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường "sức mạnh mềm" của quốc gia. Từ xa xưa, văn hóa đã khẳng định vị trí then chốt, quyết định đối với sự hưng thịnh hoặc suy vong của một quốc gia. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, quốc gia không giữ được bản sắc văn hóa thì không những bị "hoà tan" mà còn có nguy cơ mất nước vì "mất văn hóa là mất tất cả"; Trong hội nhập quốc tế, văn hóa là cầu nối, là nâng cao hiểu biết, góp phần hòa giải các xung đột, mâu thuẫn.
Công tác ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại và quảng bá quốc gia ở phạm vi quốc tế luôn là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Theo ông Trần Nhất Hoàng, ngay trong thời kỳ chiến tranh, bên cạnh tiến hành đấu tranh vũ trang, ta luôn luôn coi trọng sức mạnh của đấu tranh ngoại giao, sử dụng sức mạnh văn hoá, tính nhân văn và chính nghĩa của Việt Nam để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và Chính phủ các nước tiến bộ trên thế giới. Vì thế, trong những năm 1960 – 1975 của thế kỷ XX hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên thế giới là hết sức ấn tượng. Ở mọi nơi, cái tên "Việt Nam" khiến người ta liên tưởng đến biểu tượng của khí phách anh hùng và là lương tri của thời đại. Trong một thời kỳ dài gian khó của đất nước nhưng chúng ta đã xây dựng được một thương hiệu quốc gia tươi đẹp.
"Sau Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, vì phải tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước và phát triển kinh tế, nên công tác ngoại giao văn hóa ít được chú trọng như trước. Hệ lụy của nó là một bộ phận nhân dân thế giới, đặc biệt là giới trẻ hiểu biết rất ít Việt Nam"– Ông Trần Nhất Hoàng chia sẻ.
Điều đáng mừng là khoảng hơn chục năm trở lại đây, công tác ngoại giao văn hoá, quảng bá quốc gia đã được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ và đã tạo ra những bước chuyển biến mang tính đột phá. Thời đại cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ lên mọi khía cạnh của cuộc sống, sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ như đường truyền tốc độ cao, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, cung ứng theo yêu cầu v.v... đang và sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao trong mọi lĩnh vực mà hội nhập văn hóa không thể nằm ngoài, nếu không muốn nói là ở tuyến đầu.
Nói đến ngoại giao văn hóa phải nhắc đến một cột mốc quan trọng vào năm 2009 khi Chính phủ chọn là Năm Ngoại giao Văn hóa, mở ra một thời kỳ mới trong chủ trương về ngoại giao văn hoá, coi văn hóa là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, bên cạnh hai trụ cột ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Kể từ đó, các hoạt động hợp tác và quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài được tăng cường và thu được những thành tựu nhất định. Nhiều chương trình văn hóa vinh dự được đóng góp trong những chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các nước bạn, văn hóa giúp truyền đi thông điệp về một quốc gia hòa bình, thịnh vượng, tươi đẹp, thân thiện trong con mắt bạn bè quốc tế. Hình ảnh và sự liên tưởng về Việt Nam được nhận diện qua nét đẹp văn hóa, con người, du lịch, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn .v.v… là một nhận thức ngày càng phổ biến trong bạn bè quốc tế qua các lễ hội văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, những Tuần/Ngày và rất nhiều sự kiện văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Sau hàng chục năm bền bỉ, có những lễ hội nay đã trở thành thường niên có quy mô lớn như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản có sức hút gần 300 ngàn khách; Lễ hội Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc đã góp phần vào làn sóng đầu tư và du lịch của người Hàn Quốc tại Việt Nam.
Quá trình hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có văn hoá, đã đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới. Có thể điểm một loạt các sự kiện quốc tế lớn tiêu biểu được tổ chức tại Việt Nam như Năm APEC (2017); Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (2018); Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên (2019); Đại lễ Phật đản Vesak (2019), Năm Chủ tịch ASEAN 2020, SEA Games 31 (2022) v.v… trong những sự kiện đó, dấu ấn văn hóa Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và nhận thức của thế giới về một Việt Nam bên cạnh sự năng động trong phát triển kinh tế, xã hội, là một Việt Nam có lịch sử văn hiến lâu đời, văn hóa đậm đà bản sắc, có nhiều di sản thiên nhiên thế giới, cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng, con người hiền hoà, thân thiện, một điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại châu Á.
Trong nước, các tỉnh, thành phố cả nước hình thành nhận thức phổ biến về tầm quan trọng của xây dựng và quảng bá thương hiệu địa phương thông qua văn hoá, du lịch. Ngày càng nhiều các Lễ hội do các tỉnh/thành phố tổ chức có uy tín cao như: Festival Huế, Lễ hội Hoa Đà Lạt, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng...
Nếu nói văn hóa là "quyền lực mềm" của một quốc gia, thì du lịch đóng vai trò quan trọng để đẩy mạnh và phát huy quyền lực ấy một cách hữu hiệu. Trường hợp Hội An, Mỹ Sơn của Quảng Nam, sau khi được công nhận 02 di sản thế giới thì lượng khách đến trong 01 năm ngay sau khi được công nhận đã tăng khoảng 4 lần, giai đoạn 10 năm tiếp theo (2002-2012) lượng khách quốc tế tăng khoảng 14 lần, khách nội địa tăng khoảng 50 lần, tổng thu từ khách du lịch tăng khoảng 35 lần. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) sau khi được UNESCO ghi danh là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014, Ninh Bình thu hút lượng khách tăng gần 10 lần sau 5 năm và trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế khi nhắc đến Việt Nam. Cảnh đẹp Ninh Bình là phim trường của nhiều bộ phim Hollywood nổi tiếng như: "Pan và vùng đất Neverland", "Người Mỹ trầm lặng", "Kong: Skull Island"… Có thể nói, thế giới đã thêm hiểu, thêm yêu Việt Nam qua những địa danh.
Quảng bá du lịch và thương hiệu quốc gia là một quá trình lâu dài mà hiệu quả đến từ sự tích lũy của cả quá trình ấy. Ngành du lịch đã có những đóng góp quan trọng cho "sức mạnh mềm Việt Nam", mức tăng trưởng ấn tượng của du lịch Việt Nam đưa nước ta trở thành quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tăng trưởng du lịch. Trong ba năm liên tiếp, 2019-2021, Việt Nam được tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn danh hiệu là "Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á". World Golf Awards trao tặng: Điểm đến Golf tốt nhất châu Á (2017-2019), Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (2019). Những danh hiệu đã đưa Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Những kỳ tích của thể thao Việt Nam lại mang lại những phong vị hoàn toàn khác. Thành tích thể thao trong những năm qua trên các đấu trường lớn thế giới và khu vực đã đem lại trọng lượng đáng kể cho "sức mạnh mềm" Việt Nam.
Ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế
Thể thao có khả năng gắn kết sức mạnh và sự đồng cảm lạ thường của cả dân tộc, có thể điểm ra thành tích bóng đá Việt Nam tại giải vô địch U23 Châu Á, AFF Cup, Vòng loại World Cup và gần đây nhất là vị thế thể thao Việt Nam tại SEA Games 31… đã tạo những hiệu ứng lan tỏa niềm tự hào chưa từng có.
Ở khía cạnh truyền thông, các điểm đến nổi bật trong nước liên tục được xếp hạng trong Top những điểm đến hàng đầu thế giới tại hầu hết các trang tin, tạp chí và trang chuyên ngành quốc tế lớn như National Geographic, Code Nast Traveler, Travel and Leisure… Đều đặn hàng năm chúng ta đón các đoàn làm phim, các hãng truyền hình quốc tế vào Việt Nam làm phim, đưa tin, quảng bá, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam lên sóng các kênh truyền thông hàng đầu thế giới như NHK (Nhật Bản), ARD (Đức), KBS (Hàn Quốc), CCTV (Trung Quốc); Những chiến dịch quảng cáo du lịch Việt Nam trên CNN.... Truyền thông quốc tế liên tục điểm tên Việt Nam gắn với những thành tích cá nhân của các VĐV thể thao, các nghệ sỹ âm nhạc, các nhiếp ảnh gia đạt giải cao quốc tế v.v… Những sàn đấu giá quốc tế uy tín cũng ghi nhận các tác phẩm tranh của nghệ sỹ Việt Nam dần có giá trị cao, một số tranh đã được bán với giá kỷ lục.
Quay lại câu chuyện các quốc gia đua sắc ở EXPO, câu chuyện về khả năng hội nhập và thích nghi dễ dàng của văn hóa Việt, nhắc nhở thêm một câu chuyện về tính chủ động. Xin mượn ý một câu nói của một nhà cách tân nổi tiếng của Nhật Bản: "Mỗi người tự chủ, độc lập, thì đất nước sẽ tự chủ, độc lập", chúng tôi tâm niệm, ở sân chơi lớn, mỗi người Việt Nam chủ động, quốc gia Việt Nam sẽ ở thế chủ động". Ở sân chơi lớn, "chủ động" quan trọng hơn "sự thích ứng nhanh", chỉ có "chủ động" chứ không phải "thích ứng nhanh", ta mới làm chủ cuộc chơi. Vị thế quốc gia những năm qua đã thôi thúc và tạo cảm hứng lớn lao cho những người làm công tác quảng bá quốc tế. Đó là cảm hứng về sự "chủ động" dẫn dắt cuộc chơi quốc tế. Lần đầu tiên, Nhà Triển lãm Việt Nam tại 1 kỳ EXPO đã khởi xướng và dẫn dắt những cuộc giao lưu chưa từng có tiền lệ tại các kỳ EXPO trước đây. Chúng ta khởi xướng chương trình diễu hành tôn vinh phụ nữ ASEAN nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Kết nối các quốc gia có Kỳ quan Thiên nhiên Mới cùng biểu diễn trong một đêm đầy sắc màu tại EXPO 2020 Dubai; Bằng văn hoá, ta chủ động liên kết với các quốc gia có vị thế tại khu vực để góp tiếng nói tốt hơn cho Việt Nam, "một đêm diễn chung với Ả-Rập Xê-Út tại sân khấu lớn của họ có giá trị bằng hàng trăm cuộc biểu diễn nhỏ". Cùng trong góc nhìn này, ở bình diện vị thế và vai trò quốc tế, Việt Nam là quốc gia thành viên chủ động, tích cực tại nhiều diễn đàn, cơ chế quan trọng về văn hóa-nghệ thuật như UNESCO, ASEAN, IFACCA (Liên đoàn quốc tế các hội đồng nghệ thuật và cơ quan văn hóa)… Văn hóa Việt Nam đang góp tiếng nói và vai trò năng động tại các diễn đàn lớn thế giới như UNESCO, UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp quốc), WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ), BIE (Tổ chức Triển lãm thế giới), IGF (Quỹ Văn hóa dân gian thế giới). Năm 2019, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tín nhiệm bầu là thành viên Ban Điều hành IFACCA. Tháng 7/2022 vừa qua, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong Ủy ban bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Tất cả đã mở ra một thời kỳ mới chưa từng có cho văn hoá, thể thao và du lịch; cho thương hiệu và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên phạm vi quốc tế.
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế
Giao lưu, hội nhập và quảng bá văn hóa mang tính hai chiều, bên cạnh việc chúng ta đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, ta còn chủ động tích cực tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam, giúp nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật cho công chúng Việt Nam, và chia sẻ những giá trị tiến bộ của nhân loại. Hàng năm chúng ta đón và tổ chức biểu diễn miễn phí các chương trình tinh hoa của các quốc gia bạn bè tại Việt Nam. Ta cũng tạo điều kiện tốt nhất để các chương trình biểu diễn mang tính kinh điển, của nghệ sỹ hàng đầu thế giới trình diễn tại Việt Nam đã trở nên phổ biến. Trong đó có nhiều hoạt động lớn, có quy mô đã trở thành sự kiện thường niên được công chúng mong đợi như: Liên hoan Phim Châu Âu, Liên hoan Âm nhạc Châu Âu, Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu, Ngày Quốc tế Yoga (Ấn Độ), Lễ hội Hoa anh đào (Nhật Bản), Hòa nhạc Toyota… Năm 2020, một chương trình văn hóa Hoa Kỳ - Việt mang tên "Lễ hội cầu nối" thu hút hàng chục ngàn khán giả tại chỗ, quyên góp hàng trăm triệu giúp đồng bào miền Trung khắc thiên tai và truyền đi thông điệp nhân ái đến hàng triệu con người.
Văn hóa là một trong những lĩnh vực được giao lưu, hội nhập quốc tế từ rất sớm. Vậy những điều gì từ góc độ văn hóa đã làm nên một Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới và điều đó tác động như thế nào tới việc quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới?
Trả lời cho câu hỏi này, theo ông Trần Nhất Hoàng, thực tế chứng minh, những quốc gia tạo dựng được thương hiệu riêng hay tạo ra sự liên tưởng tươi đẹp khi người ta nghĩ đến sẽ là những quốc gia có thu hút đầu tư, du lịch mạnh. "Thương hiệu quốc gia" được hiểu là hình ảnh mà đa số nghĩ đến khi nhắc đến quốc gia đó.
"Sự liên tưởng đó có thể là một danh thắng thiên nhiên, một lễ hội, một phong tục, tập quán, một sản phẩm, thậm chí là một món ăn, ở nhiều quốc gia là những nhân vật, thậm chí là một chính khách… Ở khía cạnh này, chúng ta đang được thừa hưởng một di sản lớn, đó là nhận thức của bạn bè quốc tế về truyền thống yêu nước và lòng dũng cảm của dân tộc. Đó là hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu- "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, là tình cảm và sự ủng hộ tự nhiên của quốc tế với Việt Nam… Không quá khi nói phần lớn những liên tưởng tốt đẹp trên đều liên quan đến văn hoá, con người"- Ông Trần Nhất Hoàng nhận định.
Chúng ta được thừa hưởng một thương hiệu quốc gia đáng tự hào từ thế hệ cha chú được gây dựng bằng niềm tự hào và cả xương máu. Ngày nay, những thành tựu vượt bậc của đất nước và trong công tác đối ngoại đã góp phần làm cho ngày càng nhiều người dân trên thế giới biết đến Việt Nam như một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, chính trị ổn định, với lực lượng lao động trẻ, thì bên cạnh đó nhận diện tươi đẹp về một Việt Nam ngày nay phổ biến đến từ văn hoá, du lịch, đó là điểm đến hấp dẫn, người dân thân thiện, mến khách, ẩm thực phong phú, bãi biển đẹp…
Hơn một năm qua, sức mạnh mềm Việt Nam một lần nữa được vun đắp qua việc ta thành công khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, sự chủ động lại được phát huy bằng việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm và khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế là điểm sáng được truyền thông quốc tế ghi nhận và lan tỏa mạnh mẽ.
Ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế
Theo ông Trần Nhất Hoàng, tuy nhiên, thực trạng trình độ phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện nay và dự báo trong một số năm tới, tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và sáng tạo cao sẽ vẫn còn hạn chế. Do vậy, để có một liên tưởng đến quốc gia qua những sản phẩm công nghệ và trí tuệ cao như Samsung của Hàn Quốc, hay tạo dựng những làn sóng mến mộ như K-Pop hoặc phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc… hiện đang là bài toán khó đối với Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, hình ảnh và thương hiệu Việt Nam trong thời gian tới chủ yếu sẽ là những giá trị dựa trên văn hóa truyền thống, con người thân thiện, phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng, là tính đa dạng và hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam; Việt Nam là đất nước ổn định với những chính sách cởi mở, thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến an toàn, thân thiện, lực lượng lao động trẻ, năng động, có khả năng tiếp thu nhanh công nghệ, kỹ thuật cao.
Quay trở lại câu chuyện từ triển lãm EXPO 2020 Dubai, ông Trần Nhất Hoàng cho rằng, khi đứng cùng bạn bè quốc tế, Việt Nam còn thuận lợi cho một hình ảnh "Điểm hội tụ, điểm kết nối của Châu Á" khi xét khía cạnh điều kiện tự nhiên, địa lý và lịch sử, Việt Nam là điểm kết nối Nam Á với Đông Bắc Á. Địa lý trải dài giáp biển với đường bờ biển 3.260 km, Việt Nam từ xưa đã là điểm trung chuyển kết nối giao thương; ở khía cạnh văn hoá, Việt Nam là sự giao thoa Đông – Tây, là sự hòa quyện của nhiều yếu tố văn hoá: văn hóa bản địa, văn hóa phương Tây, văn hóa Trung Hoa và ảnh hưởng Phật giáo từ Ấn Độ.
Xét khía cạnh kinh tế, đầu tư, thương mại, Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 220 nước và đối tác với kim ngạch thương mại hơn 420 tỷ USD năm 2019; thu hút hơn 325 tỷ USD vốn FDI đăng ký từ 127 quốc gia, đối tác. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở khía cạnh điểm đến du lịch, Việt Nam nổi lên là điểm đến hàng đầu của Châu Á, là quốc gia có mức tăng trưởng du lịch cao hàng đầu thế giới.
Ở khía cạnh vai trò quốc tế, Việt Nam trở thành tâm điểm của thế giới trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020; là "quốc gia kết nối hòa bình" khi làm nước chủ nhà cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2019; Là nơi gặp gỡ, kết nối của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018; Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017… Như vậy, ở mọi bình diện, Việt Nam thực sự là một "điểm hội tụ", của văn hoá, của cơ hội hợp tác, đầu tư, thương mại, du lịch…
Trong chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, từ vị trí địa lý, lịch sử giao thương và giao lưu văn hoá, lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước cho đến vị thế của đất nước ngày hôm nay, Việt Nam quả là nơi kết nối, hội tụ của nhiều nền văn hóa đa dạng, một trong những điểm trung chuyển của giao thương quốc tế; đất nước và con người Việt Nam có sức sống mạnh mẽ, bao dung, cởi mở để hội nhập và phát triển. Sức mạnh văn hoá, tiềm năng đất nước và những chính sách thời kỳ mới của đất nước đang là nền tảng, tạo đà cho sự thành công của một thời kỳ mới, làm giá đỡ và bệ phóng cho sự cất cánh của dân tộc, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.