Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lễ Hội Đền Trần 2013: Kiểm soát, rút kinh nghiệm từng ngày

25/02/2013 | 10:25

Đêm 14, sáng ngày 15 tháng Giêng năm Quý Tỵ, những ngả đường đổ về khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định) trở nên đông đúc.

Hàng vạn khách hành hương từ mọi nẻo đã đổ về đây tham dự lễ hội khiến khuôn viên hẹp của ngôi đền trở nên chật chội. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là dù đông, dù chật nhưng lễ Khai ấn và Phát ấn của năm thứ hai thực hiện theo Đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội đền Trần do Viện Văn hoá-Nghệ thuật VN, Sở VHTTDL Nam Định xây dựng dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định đã khiến người đi lễ hài lòng.

Về dự lễ Khai ấn năm nay có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an- Đại tướng Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đại tướng, Bộ trưởng Bộ CA Trần Đại Quang dự lễ khai ấn đêm 14 tháng Giêng

Siết chặt công tác tổ chức

Không còn cảm giác hồi hộp, căng thẳng như năm đầu tiên thực hiện đề án với giải pháp chủ chốt “không phát sau khi khai ấn”, thay vào đó là quyết tâm triển khai tốt công tác tổ chức, đảm bảo an ninh, trật tự và văn minh lễ hội trong đêm khai ấn, BTC lễ hội đền Trần năm nay đã liên tục bám sát mọi hoạt động, diễn biến của lễ hội để kịp thời chấn chỉnh những vấn đề, bất cập nảy sinh...”, trước giờ khai ấn, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nam Định, Trưởng BTC lễ hội khai ấn đền Trần trao đổi cùng phóng viên Báo Văn Hóa.

Trùng ngày nghỉ, thời tiết đẹp nên dĩ nhiên lễ hội khai ấn đền Trần năm nay tiếp tục thu hút hàng vạn du khách hành hương. Ngay từ sáng tới chiều ngày 14 đã có rất đông du khách tìm về ngôi đền nổi tiếng thành Nam này. Những dòng người đông chật di chuyển trong trật tự, không hối hả, xô bồ, bởi lẽ “sáng mai mới phát ấn cơ mà”, ông Lê Thanh Định (Hà Nội) nói. Gia đình ông hôm nay xuống sớm để có riêng một buổi chiều thanh thản dâng lễ đầu năm. Rất nhiều khách hành hương khác cũng vậy, thông tin “bắt đầu phát ấn từ sáng ngày 15 tháng Giêng” được BTC và nhà đền thông báo từ sớm đã khiến cho khoảng thời gian trước giờ khai ấn ở đền Trần diễn ra khá thanh bình.

Một điểm phát ấn tại đền Cố Trạch

Năm nay, tỉnh Nam Định tiếp tục huy động trên 2.100 người thuộc lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ, dân phòng nhằm giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho lễ khai ấn. Bà Cao Thị Tính cho biết, lực lượng này được chia thành nhiều “chốt”. Rút kinh nghiệm từ mùa lễ hội trước, năm nay, công tác tổ chức được siết chặt, chỉ phát hành 1.000 thẻ tham dự lễ hội và số lượng người được vào trong khu vực sân hành lễ tại thời điểm khai ấn chỉ là 100 (so với năm trước là trên 2.000 thẻ và 300 người được vào sân hành lễ- PV). “Lượng người được vào khu vực hành lễ ít hơn, đội ngũ làm công tác an ninh được tăng cường, vấn đề đảm bảo trật tự cho lễ khai ấn ngay từ đầu đã được quyết tâm đặt ra là một trong những chuyển biến tích cực tại lễ hội đền Trần năm nay...”, bà Tính cho biết.

Quả vậy, trước giờ khai ấn, lượng người đổ về khu vực đền Trần ngày càng đông nhưng vẫn đảm bảo an toàn, trật tự, đặc biệt trong khu vực chính diễn ra các nghi lễ dâng hương và khai ấn. Chánh Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Nam Định Trần Văn Quang khẳng định, lực lượng thanh tra cùng các ban, ngành chức năng liên tục giám sát tại các thời điểm nhạy cảm này.

Trưởng công an phường Lộc Vượng, ông Trần Công Phúc cũng cho hay, dù lượng khách từ mọi ngả đổ về đền Trần trước, trong và sau thời điểm diễn ra lễ khai ấn đông vượt trội so với năm ngoái nhưng cơ bản các vấn đề về an ninh trật tự, chống ùn tắc... đã được đảm bảo tối đa. Bên cạnh đó, các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng được chuẩn bị chu đáo.


Hàng vạn người dân tham gia lễ hội sáng 24.2 (15 tháng Giêng)

Chờ ấn lộc, xin niềm vui

Từ nhiều ngày trước lễ khai ấn, BTC lễ hội thường xuyên phát trên loa về các chương trình hoạt động chính của lễ hội đền Trần với điểm nhấn là thời điểm khai ấn và bắt đầu phát ấn.

Kể từ sau 21h tối 14 tháng Giêng, mặc dù không được vào khu vực chính nhưng hàng vạn du khách thập phương vẫn đứng từ xa để theo dõi các nghi lễ dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn. Các lối chính dẫn vào khu vực đền trong thời điểm này được kiểm soát bởi những hàng rào an ninh nhằm hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy khi lượng người đổ về mỗi lúc một đông.

Ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Lịch sử văn hóa đền Trần- Chùa Tháp cho hay, tiếp tục quán triệt tinh thần của đề án, BTC lễ hội đã liên tục tuyên truyền tới nhân dân và du khách thập phương về thời điểm phát ấn cũng như các điểm cần lưu ý khi thực hiện các nghi lễ tâm linh, xin lộc ấn đầu năm. Nhờ vậy nên dù rất đông nhưng tình trạng chen lấn, xô đẩy trong đêm khai ấn đã được hạn chế đáng kể.


 Xếp hàng chờ nhận ấn (ảnh chụp 6h30’ sáng 24.2.2013)
Cụ Trần Huy Chiến, tổ trưởng tổ Từ đền cho biết, mặc dù thông báo bắt đầu phát ấn từ 7h sáng ngày rằm nhưng do lượng du khách tập trung trong khuôn viên đền từ sáng sớm khá đông, công tác chuẩn bị phát ấn cũng đã sẵn sàng nên BTC lễ hội và nhà đền đã quyết định đẩy giờ phát ấn sớm hơn.

Theo quan sát của PV Văn Hóa, chưa tới 6h sáng ngày 15 tháng Giêng, người dân đã xếp thành những dãy hàng dài phía trước nhà Giải Vũ các đền Thiên Trường, Cố Trạch và phía trước nhà trưng bày truyền thống đền Trùng Hoa. Là một trong số những người đầu tiên được nhận ấn lộc, ông Đỗ Ngọc Huỳnh (Tam Nông, Phú Thọ) chia sẻ, năm nào gia đình ông cũng về lễ đền Trần và xin ấn lộc. So với nhiều mùa lễ hội trước thì mùa năm ngoái và năm nay, sự thay đổi cách thức và thời điểm phát ấn đã mang lại cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. “Không còn phải giẫm đạp, tranh cướp vì sợ ấn được phát hết ngay sau nghi lễ khai ấn như trước nữa...”, ông Huỳnh nói.

Còn với gia đình ông Đỗ Tiến Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) thì xin lộc ấn cũng chính là để xin niềm vui, cầu một năm mới may mắn, an lành. Ông chia sẻ, sắp hàng nhận ấn là một giải pháp rất hiệu quả để những khách hành hương như gia đình ông cảm nhận được sự an toàn, thư thái khi xin lộc ấn cầu may.

Tích cực tuyên truyền nếp sống văn minh với người tham gia lễ hội

Khi đi kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Hà Nam và Ninh Bình trong các ngày 20, 21.2 mới đây, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã đề nghị các cơ quan truyền thông và các địa phương phải tích cực tuyên truyền về nếp sống văn minh trong lễ hội. Tại lễ phát ấn Đền Trần Nam Định sáng 24.2 (15 tháng Giêng) cũng xảy ra những hình ảnh gây phản cảm như bên cạnh số đông du khách xếp hàng chờ đến lượt nhận ấn thì có những người lại tìm cách vượt rào, chen lấn buộc cảnh sát cơ động phải can thiệp (ảnh trên) hoặc trèo lên cả đỉnh đồng trong khuôn viên di tích (ảnh dưới).

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu các lực lượng chức năng ngoài việc ngăn chặn cũng phải liên tục có tuyên truyền, nhắc nhở qua hệ thống truyền thanh của nhà đền

 Tiếp tục tuyên truyền về ý thức người tham dự lễ hội


Bên cạnh chuyển biến căn bản thì lễ hội đền Trần năm nay vẫn còn xảy ra những hiện tượng cần tiếp tục chấn chỉnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù BTC đã liên tục phát trên loa về những nội quy tham dự lễ hội của nhân dân và du khách thập phương nhưng tại một số thời điểm, vẫn còn những hiện tượng như ném tiền lên kiệu ấn; chen lấn khi sắp hàng nhận lễ...

Ông Nguyễn Xuân Hoạt chia sẻ, năm nay lượng ấn phát ra nhiều hơn, người về dự lễ và nhận ấn cũng đông hơn nhiều so với năm trước vì thế trong những thời điểm nhạy cảm, khi lượng người đổ về khuôn viên tương đối nhỏ hẹp thì những hiện tượng này cũng khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, cần nhắc tới một yếu tố rất quan trọng ở đây là vấn đề ý thức của người dân khi tham gia các hoạt động lễ hội. “Vì hoạt động phát ấn cũng như các chương trình hoạt động khác của lễ hội đền Trần còn tiếp tục diễn ra nên BTC lễ hội, BQL di tích cũng như nhà đền sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để tác động đến ý thức người dân và du khách, nhằm đảm bảo cho lễ hội đền Trần năm nay thực sự thêm nhiều chuyển biến...”, ông Hoạt khẳng định.

Cụ Trần Huy Chiến cũng trao đổi thêm, năm thứ hai thực hiện đề án, những vấn đề nảy sinh sẽ liên tục được kiểm soát để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời. “Không thể cầu toàn để có được ngay một “gương mặt” hoàn toàn mới của một lễ hội trọng điểm, thu hút hàng vạn du khách trong một quãng thời gian ngắn như lễ hội đền Trần. Những hiện tượng tiêu cực, bất cập sẽ được nhìn nhận, điều chỉnh và khắc phục thường xuyên, kịp thời...”, cụ Trần Huy Chiến nói.

Chấn chỉnh kịp thời những bất cập

Sáng 24.2 (tức ngày 15 tháng Giêng), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã kiểm tra công tác tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần, trọng tâm là các hoạt động khai ấn và phát ấn diễn ra trong đêm 14 và từ sáng ngày 15 tháng Giêng.

Tháp tùng Bộ trưởng có Chánh Thanh tra Bộ Vũ Xuân Thành và Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng. Nghe báo cáo nhanh của BTC lễ hội và nhà đền, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực của UBND TP Nam Định, nhà đền và các Sở, ngành chức năng trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội đền Trần năm nay.

Cụ Trần Huy Chiến, tổ trưởng tổ Từ đền báo cáo công tác phát ấn với Bộ trưởng

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kiểm tra trực tiếp khu vực diễn ra lễ hội trong khuôn viên di tích

Khẳng định năm thứ hai triển khai thực hiện đề án chưa thể mang lại những kết quả toàn diện, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện có những vấn đề nảy sinh cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung. “Cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề căn bản như đảm bảo an ninh, trật tự cho lễ hội; giữ gìn không gian, cảnh quan di tích trong những ngày cao điểm. Đặc biệt, cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân khi về tham dự lễ hội đền Trần, thời gian phát ấn có thể tính toán hợp lý để đáp ứng nhu cầu này...”, Bộ trưởng lưu ý.

Đồng thời, cần tập trung lực lượng nhằm giải quyết những hiện tượng như nạn đốt đồ mã, rải tiền lẻ, tiền giọt dầu không đúng nơi quy định. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu, BTC lễ hội và các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ xử lý những đối tượng gây rối trong các hoạt động của lễ hội; hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Riêng về vấn đề vệ sinh môi trường, huy động và duy trì thường xuyên lực lượng quét dọn, đảm bảo môi trường lễ hội sạch đẹp; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức. “Cần thường xuyên kiểm soát, rút kinh nghiệm hằng ngày, có vấn đề nảy sinh phải chấn chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo lễ hội đền Trần năm nay sẽ đảm bảo đúng các tiêu chí an toàn, trật tự...”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo.

 

 Theo Báo Văn hóa


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×