Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 sẽ khác biệt
29/11/2022 | 14:59Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 4-12, tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Đây là sự kiện nhằm quảng bá du lịch, văn hóa áo dài truyền thống của Việt Nam nói chung và áo dài Hà Nội nói riêng; đồng thời để kích cầu du lịch, thu hút nhiều du khách đặc biệt là khách quốc tế đến Hà Nội.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, người góp phần xây dựng các ý tưởng cho lễ hội.
- Đây là lần thứ hai Hà Nội tổ chức Lễ hội áo dài du lịch để quảng bá, kích cầu du lịch cho Thủ đô (lần thứ nhất vào năm 2016 tại Hoàng thành Thăng Long). Vậy, lần này có điểm gì nổi bất và khác hơn lần trước, thưa ông?
- Khác nhiều chứ, đầu tiên là về không gian, quy mô tổ chức sự kiện. Vào lần đầu tiên, Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội chỉ diễn ra 1 tối tại Hoàng thành Thăng Long, chủ yếu mang tính quảng bá vẻ đẹp áo dài Hà Nội. Lần này, lễ hội diễn ra trong 3 ngày với rất nhiều hoạt động chính thức và bên lề hấp dẫn xoay quanh câu chuyện áo dài Việt Nam nói chung và áo dài Hà Nội nói riêng. Câu chuyện đó sẽ giúp công chúng thấy được vẻ đẹp của áo dài 3 miền Bắc - Trung - Nam một cách rõ ràng hơn. Lễ hội có sự tham gia của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng của 3 miền, như: Nghệ nhân áo dài Lan Hương; nhà thiết kế Xuân Thu, Viết Bảo, Năm Tuyền, Quang Hòa, Hà Duy, Chula Fahion House, Cao Minh Tiến và nhiều thương hiệu áo dài: Hương Queen, OZ Design House, áo dài thêu tay Tulip, Kiên Anh…
Không gian tổ chức tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng rất rộng để người dân, du khách thỏa sức tham gia, trải nghiệm, sống trong không khí lễ hội. Tại lễ hội sẽ có 50 gian hàng của các nhà thiết kế nổi tiếng trong nước, các làng nghề truyền thống Hà Nội, các đơn vị kinh doanh du lịch… Vì thế, tôi tin chắc sự trở lại lần này, không chỉ là để quảng bá vẻ đẹp của văn hóa áo dài, mà còn đánh dấu một thương hiệu du lịch của Thủ đô.
- Yếu tố du lịch được thể hiện trong lễ hội áo dài này ra sao?
- Tất cả các đơn vị, nhà thiết kế thời trang tham gia sự kiện lần này đều là những đại sứ cho thương hiệu của mình, góp phần quảng bá cho du lịch Hà Nội. Chúng tôi trao quyền sáng tạo cho tất cả các đơn vị và nhà thiết kế. Mỗi gian hàng sẽ kể câu chuyện khác nhau về mình, ở đó có thể là câu chuyện sáng tạo áo dài, câu chuyện cách tân, cũng có thể là câu chuyện quà tặng cho du khách.
Các gian hàng sẽ có ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo riêng để người dân và du khách được thoải mái chụp ảnh, mua sắm hoặc có thể thuê áo dài ngay tại chỗ để tham gia lễ hội. Chúng tôi khuyến khích người dân khi tham dự sự kiện này, nên mặc áo dài để cùng tận hưởng không gian truyền thống tuyệt vời, tôn vinh tà áo dài Việt Nam, làm đẹp thêm cho sự kiện của Thủ đô…
- Vậy, điểm nhấn của Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 là gì, thưa ông?
- Có rất nhiều hoạt động, sự kiện sẽ diễn ra đồng thời và trải dài trong 3 ngày cuối tuần, nên người dân và du khách có thể thoải mái trải nghiệm và tận hưởng không khí lễ hội áo dài. Có 5 không gian và tiểu cảnh được xây dựng theo 5 chủ đề: Áo dài xưa và nay trong văn hóa của người Việt Nam; áo dài với bạn bè và du khách quốc tế; áo dài trong các hoạt động du lịch, các đơn vị cung cấp nguyên liệu sản xuất áo dài; áo dài truyền thống và những sáng tạo hiện đại; các thương hiệu và nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Việt Nam. Tại các không gian này, chúng tôi cũng thiết kế nhiều tiểu cảnh, góc check-in ấn tượng cho du khách chụp ảnh.
Ngoài ra, lễ hội sẽ có hoạt động diễu hành, biểu diễn áo dài của hơn 1.000 người trên phố đi bộ. Đây là hoạt động có tính lôi cuốn và thu hút người dân. Người dân và du khách sẽ được xem các bài đồng diễn múa nón, múa quạt cùng áo dài.
- Nhiều địa phương đã tổ chức thành công các festival áo dài và trở thành thương hiệu du lịch được đông đảo người dân và du khách biết đến. Với vai trò là tổng đạo diễn sự kiện này, ông sẽ mang đến sự khác biệt cho Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội, tạo nên thương hiệu riêng có của Thủ đô như thế nào?
- Lễ hội áo dài Huế cho người xem cảm nhận về những giá trị truyền thống, thấm đẫm tinh thần di sản, đó là việc khôi phục lại áo dài ngũ thân và việc định hình áo dài ngũ thân trong đời sống hiện đại. Đây là việc làm quý, có tính chất bảo tồn di sản, hồi sinh giá trị văn hóa đã lãng quên.
Tại lễ hội của Hà Nội , ngoài câu chuyện áo dài truyền thống, chúng tôi còn mở rộng biên độ về câu chuyện sáng tạo áo dài. Đó không chỉ là câu chuyện áo dài ngũ thân, áo dài cô ba Sài Gòn, áo dài tứ thân của miền Bắc, mà còn là câu chuyện của tư duy mới, sáng tạo mới. Chúng tôi muốn khán giả nhìn nhận sự vận hành, phát triển của áo dài Hà Nội trong sự phát triển chung của áo dài Việt Nam.
Ngoài ra, tại lễ hội lần này cũng tôn trọng yếu tố sáng tạo, yếu tố mới cho những người trẻ, thậm chí là những sinh viên đang theo học thiết kế. Ban tổ chức sẽ có những giải thưởng cho các nhà thiết kế, sáng tạo mới cho áo dài, đó là yếu tố mới.
- Theo ông, Lễ hội áo dài du lịch 2022 sẽ thu hút bao nhiêu du khách?
- Chúng tôi hy vọng lễ hội lần này sẽ có đông đảo người dân và du khách tham dự, dự kiến thu hút từ 12.000 đến 15.000 người mỗi ngày. Điều quan trọng, lễ hội năm nay như viên gạch đầu tiên để tạo dựng nên thương hiệu cho sản phẩm văn hóa, du lịch của Hà Nội, để những năm sau đó, tiếp tục tập hợp được nhiều đơn vị, nhà thiết kế uy tín tham gia.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Hà Nội mới