Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lấy di sản văn hóa làm động lực để phát triển thịnh vượng

03/02/2019 | 14:43

Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, Báo điện tử Chính phủ đã có bài phỏng vấn ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 để hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XV và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hôi giai đoạn 2016-2020.

Lấy di sản văn hóa làm động lực để phát triển thịnh vượng - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ. Ảnh: VGP/Thế Phong

Thưa ông, năm 2019 tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định mục tiêu phát triển kinh tế là “Chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu”, xin ông cho biết rõ hơn về mục tiêu này và các giải pháp thực hiện trong năm 2019 nhằm tạo sự đột phá cho kinh tế của tỉnh?

Ông Phan Ngọc Thọ: Việc xác định mục tiêu phát triển kinh tế bền vững được thực hiện xuyên suốt qua các thời kỳ của tỉnh Thừa Thiên-Huế, chúng tôi luôn lấy thế mạnh về cảnh quan môi trường sinh thái, di sản, văn hóa, con người Huế làm động lực cho tăng trưởng và phát triển toàn diện, do vậy việc chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu ngày càng được chú trọng thực hiện.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trung bình đạt 6,12%; trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chỉ chiếm 26,3% trong đóng góp vào GRDP; giai 2016-2018 tốc độ tăng GRDP trung bình đạt 7,3%; trong đó TFP tăng lên chiếm 57,5% trong đóng góp vào GRDP của tỉnh. Đặc biệt hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ngày càng tốt hơn (chỉ số ICOR giảm từ 6,71 giai đoạn 2011-2015 xuống còn 5,9 giai đoạn 2016-2018).

Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức. Chất lượng tăng trưởng còn chậm; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng suất lao động, sức cạnh tranh thấp. Sản xuất công nghiệp chưa ổn định, còn phụ thuộc vào một vài ngành sản xuất, năng lực tăng thêm thiếu tính đột phá…

Do vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XV và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã xác định mục tiêu năm 2019: “Chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu; phát triển du lịch - dịch vụ; công nghệ thông tin (CNTT) và nâng cao năng suất lao động. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống".

Đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chỉ đạo sâu sát, điều hành quyết liệt, đồng bộ, kiên trì các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong năm 2019, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý, giải quyết những hạn chế, bất cập của ngành, lĩnh vực phụ trách. Đổi mới tư duy, chuyển mạnh cơ chế "xin – cho" sang phục vụ trong điều hành, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, phục vụ.

Tiếp tục chỉ đạo, rà soát đánh giá thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020; đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tăng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động.

Đẩy mạnh 4 chương trình trọng điểm: Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật; chương trình phát triển du lịch - dịch vụ; chương trình cải cách hành chính gắn phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh và chương trình trọng điểm di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Huế nhằm sớm có hệ thống kinh thành Huế được bảo tồn nguyên vẹn góp phần thúc đẩy phát triển đô thị di sản Huế.

Tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Phát triển ngành CNTT trở thành ngành kinh tế của tỉnh như chú trọng phát triển các hạ tầng khu CNTT tập trung, nghiên cứu tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (TPHCM), thúc đẩy hợp tác với các trung tâm phần mềm của Việt Nam, quốc tế và thúc đẩy các dự án CNTT, công nghệ thực tế ảo trên địa bàn.

Tập trung kêu gọi đầu tư các dự án du lịch nghĩ dưỡng, vui chơi giải trí tại trung tâm TP. Huế, vùng ven biển, đầm phá, khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, Vườn quốc gia Bạch Mã nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng phục vụ, xứng tầm là Trung tâm du lịch của Việt Nam.

Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp có sử dụng công nghệ cao, sạch nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường sống và di sản. Xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng mặt trời, công nghệ sinh học, dược phẩm, chế biến thực phẩm; các dự án chế biến sâu từ nguyên liệu cát như sản xuất thủy tinh pha lê, kính cường lực, chế biến thủy sản, công nghiệp phụ trợ dệt may; nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo giá trị gia tăng cao, đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng hàng hóa, phát triển sản xuất quy mô lớn. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hỗ trợ phát triển các kỹ thuật khám chữa bệnh hàng đầu Việt Nam…

Lấy di sản văn hóa làm động lực để phát triển thịnh vượng - Ảnh 2.

Du khách thăm quan Đại Nội Huế. Ảnh: VGP/Thế Phong

Trong các lần làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Huế có rất nhiều di sản văn hóa, lịch sử. Con đường phát triển thịnh vượng, đi lên của tỉnh là lấy du lịch làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vậy tỉnh thực hiện chủ trương này như thế nào?

Ông Phan Ngọc Thọ: Di sản văn hóa được đánh giá là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng nhất của Thừa Thiên-Huế. Vì vậy, tỉnh luôn xác định phát triển du lịch, dịch vụ là động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tháng 11/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị Quyết 03-NQ/TU về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đã xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm cần ưu tiên đầu tư phát triển và quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với mục tiêu đến năm 2020, đưa Thừa Thiên-Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa nổi tiếng thế giới.

Để thực hiện mục tiêu đó, Tỉnh đã và đang tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Huế, như: Du lịch văn hóa, di sản; du lịch biển, đầm phá; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi, giải trí; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch tâm linh...; phát triển các dịch vụ có thế mạnh về y tế, văn hoá, giáo dục gắn với phát triển du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Trước mắt, tập trung nguồn lực để thực hiện giải tỏa, di dời dân cư ở khu vực Thượng thành và Eo Bầu để đẩy nhanh tiến độ trùng tu khu vực 1 Kinh thành Huế sớm trả lại không gian lịch sử của khu vực di tích quan trọng này; đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa hoạt động ngành du lịch, trọng tâm là đổi mới mô hình hoạt động Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Festival Huế.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thành các đề án, dự án trọng điểm, đó là kết nối giao thông TP. Huế với vùng Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân… để gắn du lịch di sản với du lịch biển, đầm phá; các dự án phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là những nhà đầu tư có thương hiệu đẳng cấp, uy tín và tiềm lực kinh tế.

Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây và cảng biển du lịch quốc tế tại khu Chân Mây để phục vụ và thu hút các nguồn khách có mức chi tiêu cao đến với Huế.

Quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá theo hướng hiện đại, tiếp cận với xu hướng du lịch quốc tế và các thị trường khách tiềm năng. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh “Vùng đất - con người và văn hoá Huế” gắn với những đặc trưng về di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, ẩm thực, phong cách, ứng xử và trong nếp sống của người dân... góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.

Triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh gắn với hệ sinh thái du lịch thông minh để phát triển du lịch. Chú trọng việc tạo lập môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mang bản sắc Huế. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ quản lý khách sạn, xúc tiến, quảng bá, lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên... Đồng thời, có những cơ chế, chính sách thoả đáng để thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, các chuyên gia trong ngành du lịch.

Với những nhiệm vụ, giải pháp nhiều tính khả thi, chúng tôi tin tưởng rằng, năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế sẽ liên kết ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như các thị trường khách trọng điểm và tiềm năng; đẩy mạnh thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án du lịch trọng điểm đi vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, đưa du lịch, dịch vụ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Lấy di sản văn hóa làm động lực để phát triển thịnh vượng - Ảnh 3.

Một góc TP. Huế. Ảnh: VGP/Thế Phong

Như ông đã nói, trong năm 2019 tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chuyển mạnh từ tư duy hành chính "xin – cho" sang tư duy phục vụ trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Vậy các giải pháp này là gì, thưa ông?

Ông Phan Ngọc Thọ: Có thể khẳng định rằng, nhận thức, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Bởi quy định đã có nhưng cán bộ thực thi quy định đó có trình độ, năng lực thấp hoặc có thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu thì các quy trình, quy định sẽ bị nghẽn hoặc bị lợi dụng cho mục đích thiếu minh bạch.

Do vậy, để nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước, trước hết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ cần thay đổi tư duy theo hướng "xin - cho" sang tư duy phục vụ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Tỉnh cũng đặt quyết tâm chuyển mạnh từ tư duy này.

Phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước. Giảm tối thiểu thủ tục hành chính rườm rà. Tổ chức, vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân, không để bị động, chậm trễ, mất cơ hội thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Thay đổi từ thái độ, ý thức của người cán bộ, công chức; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, công chức với phương châm 4 biết: “Biết chào - biết cười - biết lắng nghe - biết hướng dẫn".

Thực hiện cam kết chịu trách nhiệm khi cơ quan Nhà nước không thực hiện đúng những điều đã cam kết thì phải xin lỗi dân hoặc bồi thường thiệt hại cho dân.

Duy trì hoạt động của Tổ Công tác về kiểm tra công vụ của Chủ tịch UBND để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời chấn chỉnh thái độ nhiêu khê, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch hành chính. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Hy vọng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nói trên, cùng với những chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu chính quyền tỉnh sẽ có tác động mạnh mẽ làm chuyển động cả một hệ thống theo hướng tích cực hơn; xây dựng hình ảnh thân thiện “chính quyền phục vụ” nhằm tạo sức lan tỏa về khát vọng cống hiến, xây dựng quê hương đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Cảm ơn ông!

Thế Phong (thực hiện)

Báo Chính phủ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×