Lào Cai: Tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2030"
16/04/2024 | 08:52Chiều 15/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để tham gia ý kiến đối với dự thảo Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030”.
Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành và địa phương trong tỉnh.
Dự thảo Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030” do đại diện Sở Du lịch trình bày, nêu rõ: Sau thời gian ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai từng bước được phục hồi. Năm 2023, du lịch cộng đồng đón khoảng 700.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch cộng đồng chiếm khoảng 5% tổng thu từ du lịch của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 điểm du lịch cộng đồng được công nhận. Cùng với đó, hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hầu hết điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở Sa Pa, Bắc Hà và từng bước mở rộng sang Bát Xát, Bảo Yên.
Các dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh tương đối đa dạng, như: homestay, du lịch văn hóa, du lịch tham quan ruộng bậc thang, du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực.
Lao động đang hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng trong tỉnh được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000 lao động tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia (homestay) của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (Sa Pa) và dân tộc Tày tại Tà Chải (Bắc Hà), Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội Du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN.
Định hướng phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu, đó là xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các tiêu chuẩn trong nước, tiêu chuẩn ASEAN phù hợp với đặc trưng riêng có của từng khu vực, cộng đồng, tạo nên điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Mở rộng không gian, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thành công nông thôn mới. Nâng cao khả năng thích ứng, sự chủ động của người dân trong xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng nói riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nói chung.
Phấn đấu đến năm 2030, Lào Cai đón 1,7 triệu lượt khách tham quan loại hình du lịch cộng đồng; tổng thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% trong tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh. Toàn tỉnh có 7 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN, 25 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020; nâng cao chất lượng dịch vụ homestay hiện có, thúc đẩy phát triển mới khoảng 94 cơ sở homestay, nâng tổng số homestay toàn tỉnh lên 560 cơ sở; tạo việc làm cho 2.500 lao động; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, nông nghiệp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng hoàn thiện dự thảo Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030.
Cụ thể, các đại biểu cho rằng, cần xem lại các số liệu đảm bảo chính xác, thống nhất với tổng hợp và thực tế của các địa phương; bổ sung, làm rõ một số nội dung để đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện của đề án; xem xét, bổ sung một số căn cứ chỉ đạo về định hướng, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp vào nội dung đề án; nghiên cứu, bổ sung vào đề án các khu vực quy hoạch trồng các loại hoa, cây cảnh, đồng thời đưa vào các loại hoa, cây cảnh phù hợp với từng điều kiện của mỗi địa phương, nhằm tạo sự đặc sắc về cảnh quan, điểm nhấn cho các điểm du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch; nguồn lực đầu tư cho du lịch cộng đồng...
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung khẳng định: Du lịch cộng đồng có đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của du lịch Lào Cai. Do vậy, việc xây dựng đề án phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh; quy hoạch sử dụng đất; khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần làm rõ các nội dung trên cơ sở những ý kiến, đề xuất của đại diện các sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, tinh thần chủ đạo là không để trùng lặp về sản phẩm; phải có sự vào cuộc của cộng đồng, đảm bảo hài hòa về lợi ích, đồng thời bảo tồn được bản sắc văn hóa các dân tộc.
“Phải tạo sự kết nối giữa các điểm du lịch cộng đồng, tạo thành tour du lịch hấp dẫn, khác biệt trên mỗi hành trình, không để phát triển du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Du lịch tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt.