Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lạng Sơn: Tập trung khai thác tiềm năng phát triển du lịch khảo cổ

17/10/2023 | 09:59

Lạng Sơn được biết đến là nơi phát tích của hai nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng Bắc Sơn và Mai Pha với nhiều di chỉ, di vật chứa đựng giá trị lịch sử tiêu biểu. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy những di sản khảo cổ, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó quan tâm, gắn phát triển du lịch với các di tích khảo cổ.

Lạng Sơn: Tập trung khai thác tiềm năng phát triển du lịch khảo cổ - Ảnh 1.

Các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học khảo sát thực địa tại điểm hoá thạch huyện Chi Lăng

Di sản khảo cổ là những phần còn lại vô cùng quý giá, đa dạng về giá trị nguồn gốc lịch sử dân tộc, mang những sắc thái độc đáo, riêng biệt. Nó cung cấp cơ sở cho khoa học tính xác thực trong việc làm rõ hơn giá trị lịch sử qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lạng sơn là một trong những địa phương có số lượng di tích khảo cổ đa dạng, phong phú, đặc biệt có nhiều di tích chứa đựng giá trị không chỉ phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành xã hội loài người mà còn phát triển du lịch tại địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 335 di tích thuộc 4 loại hình: kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học, lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó có 37 di tích khảo cổ học các nền văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha, tiêu biểu như: linh địa cổ Mẫu Sơn (Lộc Bình), hang Thẩm Hai, hang Thẩm Khuyên (Bình Gia); di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn)… Trong đó có 8 di tích khảo cổ học được xếp hạng quốc gia, 17 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Những di tích khảo cổ học chính là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch.

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, trong đó, ngành văn hoá thể thao và du lịch (VHTT&DL) đã triển khai nhiều biện pháp gìn giữ, bảo tồn các di tích khảo cổ này như: khoanh vùng bảo vệ, cắm biển chỉ dẫn (ghi rõ tên địa điểm khảo cổ, năm khai quật, kinh độ, vĩ độ của hố khai quật) ở nơi thuận tiện cho người tham quan dễ đọc, dễ quan sát… Đồng thời mở rộng hợp tác giữa các bảo tàng tỉnh, trung ương và các tổ chức quốc tế; tiếp tục điều tra, khảo sát, thăm dò thám sát và trưng bày tại chỗ kết quả của các cuộc khai quật; động viên, khen thưởng kịp thời những người dân có ý thức phát hiện, bảo vệ di tích cũng như nghiên cứu xử lý những ai cố tình xâm phạm, phá hủy di tích…

Song song với đó, hiện nay các cấp, ngành tỉnh đã và đang trong quá trình xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn, trong đó Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn hiện đã phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước chú trọng xây dựng 4 tuyến du lịch tham quan toàn cảnh vùng CVĐC. Điều đặc biệt là trong 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch có đến 7 điểm là các di tích khảo cổ học. Cụ thể: trong tuyến 1 có điểm hoá thạch tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng và điểm địa chất đá Bazan đỏ tại xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng. Tuyến 2 có hang Thẩm Khuyên, xã Tân Văn, huyện Bình Gia; hang Thẩm Khoách thị trấn Bình Gia. Tuyến 3 có điểm hoá thạch xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng và điểm hoá thạch Cúc đá xã Bắc Thuỷ, huyện Chi Lăng; tuyến 4 di chỉ khảo cổ Mai Pha, xã Mai Pha, huyện Chi Lăng.

Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 22/4/2021). Đề án nêu rõ các giải pháp bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị đối với các di tích khảo cổ học. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về văn hóa khảo cổ, về các di tích tiền – sơ sử tại Lạng Sơn… Đồng thời, chúng tôi tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch nằm trong 4 tuyến du lịch tham quan vùng Công viên địa chất Lạng Sơn.

Cùng với ngành chức năng, thời gian qua, cơ quan văn hoá các huyện, thành phố cũng tích cực thực hiện việc tu bổ di tích khảo cổ gắn với phát triển du lịch. Cụ thể, UBND huyện Chi Lăng đã và đang phối hợp với đơn vị chức năng nghiên cứu xây dựng hồ sơ di tích khảo cổ hang Ngườm Sâu xếp hạng di tích cấp tỉnh, UBND huyện Hữu Lũng đã khoanh vùng bảo vệ và cắm biển chỉ dẫn 6/6 di tích khảo cổ học trên địa bàn…

Bà Đỗ Thanh Mùi, Phó Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Bình Gia cho biết: Toàn huyện hiện có 22 điểm, khu di tích, trong đó có 3 di tích khảo cổ học được xếp hạng cấp quốc gia (Thẩm Hai, Thẩm Khuyên, Kéo Lèng) và 10 di tích cấp tỉnh. Những năm gần đây, nhận thức rõ vai trò của công tác bảo tồn phát huy di sản gắn với phát triển du lịch, phòng đã tham mưu UBND huyện thực hiện nhiều biện pháp gìn giữ, bảo tồn như: khoanh vùng bảo vệ, dựng biển thông tin di tích (tên địa điểm khảo cổ, năm khai quật)… Đặc biệt, hiện nay điểm di tích Thẩm Khuyên – Thẩm Hai đã được chọn là 1 trong những điểm du lịch nằm trong 4 tuyến du lịch của vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, do đó năm 2023, phòng đã tham mưu UBND huyện đưa việc tu bổ di tích hang Thẩm Khuyên – Thẩm Hai làm nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành giải phóng mặt bằng để làm đường vào di tích và xây dựng bãi đỗ xe… Dự kiến công trình sẽ hoàn thiện trong năm 2024.

"Các di tích khảo cổ của tỉnh Lạng Sơn vô cùng độc đáo và riêng có. Việc khai thác các di tích khảo cổ trong hoạt động du lịch vừa phát huy giá trị di tích hiệu quả, vừa góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, để phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa đặc biệt của di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được bền vững, tôi nghĩ rằng thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch, bảo tồn di tích khảo cổ; tiến hành khảo sát, triển khai tu bổ, tôn tạo các di tích, tập trung nguồn lực nâng cao cơ sở hạ tầng tại chỗ để phục vụ tốt lượng khách du lịch đến tham quan. Bên cạnh đó, muốn khai thác du lịch từ những di tích khảo cổ này cần phải kết hợp nghiên cứu sâu, có dữ liệu thuyết minh hấp dẫn mới giúp thu hút khách và đạt hiệu quả trong phát triển du lịch địa phương. Cùng đó, tôi thiết nghĩ ngành chức năng cần nghiên cứu nhiều cách làm mời về du lịch khảo cổ gắn với việc xây dựng thực địa, mô hình… gắn với đẩy mạnh công tác quảng bá di sản văn hóa, xúc tiến du lịch và chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại di tích, bảo tàng; tăng cường đào tạo, phát huy nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ gắn với du lịch".

Tiến sĩ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Tại thành phố Lạng Sơn, những năm gần đây, nhận thức rõ vai trò của công tác bảo tồn phát huy di sản gắn với phát triển du lịch, UBND thành phố đã khoanh vùng bảo vệ, dựng biển thông tin di tích (tên địa điểm khảo cổ, năm khai quật)… Bên cạnh đó, tháng 9/2019, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch thành phố Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, định hướng khai thác, phát triển di tích khảo cổ học Mai Pha và Phai Vệ với sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Đồng thời, UBND thành phố giao Phòng VHTT quan tâm, hướng dẫn UBND xã Mai Pha và Trung tâm Văn hóa – Thể thao thực hiện công tác quản lý, bảo vệ hai di tích. Năm 2020 và 2021, UBND thành phố đã giao đơn vị liên quan triển khai tu bổ, tôn tạo di tích khảo cổ học Mai Pha với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước; bố trí hơn 500 triệu đồng thay thế, sửa chữa đèn chiếu sáng, đèn nghệ thuật tại di tích Phai Vệ. Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của di tích. Đơn cử, năm 2021, Phòng VHTT thành phố đã phối hợp với Hội Di sản Văn hóa tỉnh biên tập, xuất bản cuốn sách “Thành phố Lạng Sơn – Nơi hội tụ di sản văn hóa đặc sắc và độc đáo của Xứ Lạng” giới thiệu hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa của thành phố, trong đó có di tích Mai Pha và Phai Vệ. Với những nỗ lực trên, hơn 2 năm qua, 2 di tích khảo cổ này đã dần được khôi phục, trở thành những điểm du lịch hút khách trên địa bàn. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chuyên môn, từ năm 2019 đến nay, di tích khảo cổ Mai Pha và Phai Vệ đón khoảng 3.500 lượt khách.

Chị Trần Bảo Anh, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội cho biết: Tôi thấy các di tích của thành phố Lạng Sơn ngày càng được đầu tư, tôn tạo khang trang sạch đẹp, trong đó có các di tích khảo cổ. Nếu những năm trước, tôi muốn vào di tích khảo cổ Mai Pha tham quan nhưng lại rất ngại vì cây cối rậm rạp, đi lại khó khăn thì nay sạch sẽ hơn nhiều, đường vào rộng, ô tô có thể vào tận chân núi, buổi tối có đèn sáng.

Thực tế trên cho thấy, với những nỗ lực của các cấp, ngành đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị khảo cổ – nguồn tài nguyên, di sản văn hóa quý giá phục vụ phát triển du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×