Lạng Sơn: Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch
15/07/2025 | 10:43Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo số 299/BC-SVHTTDL gửi Bộ VHTTDL về kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Báo cáo nêu, trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục được tăng cường, đảm bảo sự thống nhất trong xây dựng, ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh và các địa phương. Công tác tham mưu, điều phối, huy động và tập trung nguồn lực, nhất là các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, được triển khai đồng bộ.

Công viên địa chất Lạng Sơn
Trong đó, đặc biệt chú trọng mời gọi các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư phát triển du lịch, nhằm tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch địa phương. Việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn và các cơ sở dịch vụ du lịch khác đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, từng bước hình thành các tuyến, điểm du lịch đặc trưng, có sức hấp dẫn.
Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa được thực hiện kịp thời, đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập và trải nghiệm của du khách. Một số sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tạo dấu ấn riêng biệt cho du lịch Lạng Sơn. Các khu, điểm du lịch đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.
Môi trường du lịch được đảm bảo an ninh, an toàn, là yếu tố quan trọng hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các đối tác nước ngoài trong nghiên cứu, khảo sát, phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của vùng Công viên địa chất, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh du lịch Lạng Sơn trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Nửa đầu năm 2025, tổng lượng khách là hơn 3 triệu lượt khách, tăng 4,7 % so với cùng kỳ 2024, đạt 70,7% so với kế hoạch năm 2025. Trong đó, khách quốc tế đạt 131.000 lượt khách, tăng 67,9% so với cùng kỳ 2024, đạt 43,7% so với kế hoạch năm 2025. Khách trong nước đạt 2.979.000 lượt khách, tăng 3% so với cùng kỳ 2024, đạt 85,1% so với kế hoạch năm 2025. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.931 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2024, đạt 65,1% so với kế hoạch năm 2025.
Cơ sở lưu trú du lịch đã thực hiện kiểm tra điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đối với 11 cơ sở; thẩm định và ban hành Quyết định công nhận 01 cơ sở đạt tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe phục vụ khách du lịch. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay là 303 cơ sở với 4.175 buồng trong đó có 420 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao.
Theo thống kê, tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 8.500 lao động du lịch, trong đó có 4.200 người lao động trực tiếp. Trong 6 tháng đầu năm thực hiện tiếp nhận và giải quyết 42 hồ sơ cấp thẻ hướng dẫn viên (19 thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, 21 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 02 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa)
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay có 54 điểm du lịch cấp tỉnh. Hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh công nhận điểm du lịch Hang Cốc Mười – Pác Lùng, Ký Làng (Xã Tri Phương, huyện Tràng Định).