Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lạng Sơn: Di sản địa chất - Tài nguyên quý để phát triển du lịch

10/03/2023 | 09:57

Lạng Sơn là một trong những khu vực giàu tiềm năng du lịch di sản, trong đó có di sản địa chất (DSĐC). Những năm gần đây, các cấp, ngành của tỉnh đã quan tâm đánh giá, nghiên cứu và phát triển DSĐC để mang lại nguồn lợi cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đa dạng tiềm năng di sản địa chất

Theo khoản 8 điều 2 Nghị định 158 ngày 29/11/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, DSĐC là một phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế.

DSĐC bao gồm: di sản cổ sinh; di sản địa mạo (cảnh quan địa mạo, hang động); di sản cổ môi trường (điểm lộ địa chất chứa những dấu tích); di sản đá; di sản địa tầng; di sản khoáng vật, khoáng sản…

Lạng Sơn: Di sản địa chất - Tài nguyên quý để phát triển du lịch - Ảnh 1.

Đoàn công tác của UNESCO được thuyết minh viên Nhà Trưng bày chiến thắng Chi Lăng giới thiệu về các tiềm năng di sản địa chất trên địa bàn huyện Chi Lăng

Với đặc điểm là tỉnh miền núi, quá trình hình thành và phát triển địa hình, địa chất, tạo hóa đã ban cho mảnh đất Xứ Lạng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Đó là những cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, các hang động, sông hồ tự nhiên, các thác nước đã lộ diện hay đang tiềm ẩn chưa phát lộ.

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam… để khảo sát, thám sát, khai quật, nghiên cứu về di sản địa chất trên địa bàn tỉnh. Qua những chuyến khảo sát, cán bộ bảo tàng tỉnh và các chuyên gia đều nhận thấy rõ tiềm năng về DSĐC của tỉnh như: sự đa dạng về sinh địa tầng và cổ sinh vật học; đa dạng thạch địa tầng, nhiều mặt cắt địa chất chuẩn… Những giá trị DSĐC này đến nay được nhận diện, phát hiện, khai thác sử dụng với tên thường gọi là di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL), toàn tỉnh hiện có hơn 110 di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Tiêu biểu như: quần thể di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh – Thành Nhà Mạc – núi nàng Tô Thị (thành phố Lạng Sơn); quần thể núi Mẫu Sơn, Linh địa cổ Mẫu Sơn, núi Phặt Chỉ, Thác Bản Khiếng (Lộc Bình); hang Thẩm Hai, hang Thẩm Khuyên (Bình Gia); di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn)…

Ngoài ra, một số di tích thuộc loại hình di tích lịch sử nhưng là hang động, núi đồi. Điển hình như: khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn có hang Sa Khao (xã Tân Hương); hang Mỏ Rẹ (xã Tân Hương); hang Lân Pán (xã Tân Lập)… Khu di tích lịch sử Chi Lăng với núi Ba Đăng, núi Kỳ Lân, núi Phượng Hoàng, núi Mặt Quỷ (xã Chi Lăng), Lũng Ngần (thị trấn Chi Lăng)… Những tài nguyên kể trên đang là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch mà không phải địa phương nào cũng có.

Đánh thức tiềm năng, biến di sản thành tài sản

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Với mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, lấy di sản văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển, Sở VHTTDL đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 22/4/2021). Đề án nêu rõ các giải pháp bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị đối với các di tích khảo cổ học. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về văn hóa khảo cổ, các di tích tiền – sơ sử tại Lạng Sơn; mở rộng hợp tác giữa các bảo tàng và các tổ chức quốc tế; tiếp tục điều tra, khảo sát, thăm dò thám sát và trưng bày tại chỗ kết quả của các cuộc khai quật; động viên, khen thưởng kịp thời những người dân có ý thức phát hiện, bảo vệ DSVH cũng như nghiên cứu xử lý những ai cố tình xâm phạm, phá hủy di tích…

Lạng Sơn: Di sản địa chất - Tài nguyên quý để phát triển du lịch - Ảnh 2.

Giám đốc Công ty Than Na Dương, huyện Lộc Bình giới thiệu tiềm năng về DSĐC trong khu vực với đoàn chuyên gia UNESCO

Theo đó, ngành VHTTDL đã quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý bảo tồn và khai thác giá trị của hệ thống di tích, trong đó có các di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh – có giá trị DSĐC trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: ban hành các văn bản về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; lập hồ sơ lý lịch bảo vệ di tích, thực hiện công tác quản lý di tích; lập quy hoạch phát triển các điểm di tích thành các khu, điểm du lịch của tỉnh như: Khu di tích danh thắng Nhị Tam Thanh – Thành Nhà Mạc, Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn… Và gần đây nhất là xây dựng đề án xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC).

Cùng với đó, ngành VHTTDL đã tăng cường việc nắm bắt thông tin, tình hình của các di tích thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: khảo sát, kiểm kê lập danh mục hệ thống di tích trên địa bàn, lập hồ sơ lý lịch, khoanh vùng bảo vệ và đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng nhằm tạo ra hành lang pháp lý và khoa học trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh được xếp hạng.

Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả theo xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 58 lượt di tích, trong đó có di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh được đầu tư, tôn tạo với số tiền trên 84 tỷ đồng (trong đó nguồn lực xã hội hóa chiếm 55,1%). Từ đó, tạo một quần thể khép kín đa dạng, bước đầu phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp Nhân dân.

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, huyện Hữu Lũng thuộc vùng núi thấp, địa hình được phân chia giữa vùng núi đá vôi ở phía Tây Bắc và vùng núi đất ở phía Đông Nam. Phần lớn núi đá vôi có độ cao từ 450 đến 500 m và ở vùng núi đất có độ cao trên dưới 100 m so với mực nước biển. Địa hình núi đá chiếm trên 25% tổng diện tích tự nhiên. Xen kẽ giữa vùng núi đá là những thung lũng nhỏ địa hình tương đối bằng phẳng, là vùng đất sản xuất nông nghiệp của cư dân. Nhận thấy những thế mạnh này, những năm qua chúng tôi đã tham mưu UBND huyện phối hợp với ngành chuyên môn xây dựng và phát triển được một số loại hình du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài nước như: Du lịch leo núi mạo hiểm, du lịch cộng đồng tại xã Yên Thịnh và Hữu Liên…

Cùng với huyện Hữu Lũng thì các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng rất giàu tiềm năng về DSĐC. Theo đánh giá của đoàn chuyên gia UNESCO, tỉnh Lạng Sơn đang sở hữu những DSĐC vô cùng quý giá có niên đại hàng vạn năm. Nhiều di sản trong số này đã được nghiên cứu và đăng trên các tạp chí quốc tế như: hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Bình Gia); hang Dơi (Bắc Sơn); mỏ than Na Dương (Lộc Bình) với số lượng lớn hóa thạch động thực vật có giá trị cao về mặt khoa học – tiêu biểu mỏ than Na Dương có thể ví như một bảo tàng địa chất ngoài trời… Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự nổi bật và thuyết phục cho việc xây dựng hồ sơ trình công nhận CVĐC toàn cầu vào năm 2024.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã và đang xem xét, điều chỉnh quy hoạch, đưa Mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình vào khu vực CVĐC. Ban quản lý CVĐC sẽ tiếp tục khai thác giá trị tiềm năng DSĐC để phục vụ du lịch bằng một số giải pháp như: Tiến hành nghiên cứu, khai quật đưa thêm các hiện vật vào trưng bày tại các thiết chế văn hóa; xây dựng thêm trung tâm giới thiệu DSĐC tại các huyện trong vùng CVĐC, nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân và du khách….

Như vậy, những nỗ lực của ngành VHTTDL nói riêng, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp nói chung đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị khảo cổ – nguồn tài nguyên, DSVH quý giá phục vụ phát triển du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Qua đó, từng bước khai thác, đánh thức tiềm năng, mang lại nguồn lợi cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam

“Sau chuyến khảo sát 2 ngày tại Lạng Sơn, tôi đã đi tham quan các địa điểm trong vùng CVĐC và cảm thấy vô cùng thú vị với sự phong phú và đa dạng của các DSĐC nơi đây. Tôi rất ấn tượng với các ngọn núi, hang động ở Lạng Sơn, tiêu biểu là hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên nơi ghi lại những dấu tích về lịch sử loài người có niên đại trên 400.000 năm tuổi hay nhiều hiện vật cổ sinh, hóa thạch có giá trị cao về mặt khảo cổ có niên đại hàng triệu năm tại mỏ than Na Dương. Điều đó khẳng định vùng CVĐC Lạng Sơn rất giàu tiềm năng về DSĐC.

Tôi tin tưởng nếu tiếp tục duy trì và phát huy được những giá trị này sẽ thúc đẩy sự phát triển của vùng CVĐC. Tuy nhiên, theo tôi, tỉnh Lạng Sơn phải tiếp tục nghiên cứu để phát triển những giá trị khác biệt của mình so với những CVĐC khác của Việt Nam, đó là những điều rất quan trọng đối với UNESCO. Tỉnh cần tập trung nghiên cứu, để làm sao phát triển những giá trị khác biệt này, cụ thể là hệ thống DSĐC, khảo cổ và tín ngưỡng thờ Mẫu. Đồng thời, làm nổi bật những tiềm năng sẵn có khác để CVĐC LS được công nhận là CVĐC toàn cầu.


Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×