Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lạng Sơn: Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

29/04/2021 | 09:58

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành văn hóa – thể thao và du lịch (VHTTDL) tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Trước hết là tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Theo số liệu thống kê của Sở VHTTDL, toàn tỉnh hiện có hơn 3.500 lao động liên quan đến lĩnh vực du lịch như: tại các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo ngành du lịch, hệ thống các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch; trong đó, số lượng nhân lực ở các cơ sở lưu trú chiếm 40%.

Lạng Sơn: Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch - Ảnh 1.

Khách du lịch tham quan trải nghiệm, mua sắm tại Khu du lịch Mẫu Sơn

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trước tiên cần phải thay đổi tư duy của những người làm du lịch, nhất là những người trực tiếp cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà phần lớn tập trung ở các cơ sở lưu trú. Do đó, những năm qua, ngành VHTTDL thường xuyên tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên, lao động làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, home stay…

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo được hơn 3.400 lượt lao động trong lĩnh vực du lịch; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn được 42 lớp với 2.000 học viên; tổ chức 5 lớp tập huấn về du lịch cộng đồng cho 500 học viên là người dân làm du lịch homestay tại 2 huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng.

Các lớp tập huấn tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên; nghiệp vụ thuyết minh viên tại điểm; nghiệp vụ du lịch cộng đồng; nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn… Đặc biệt, ngành VHTTDL đã mời các chuyên gia hàng đầu đến tập huấn, hướng dẫn, thay đổi tư duy về cách làm du lịch từ việc quản lý, ứng xử với tài nguyên, tổ chức kinh doanh cho đến phục vụ và giao tiếp với khách du lịch.

Tiêu biểu, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở VHTTDL đã phối hợp với Sở Nội Vụ mời các chuyên gia đến từ Hàn Quốc bồi dưỡng kiến thức về đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế địa phương – du lịch văn hóa sinh thái cho 50 người là các cán bộ công tác trong ngành du lịch tỉnh và chủ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Đối với nguồn nhân lực tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn, sở đã mời các chuyên gia đào tạo du lịch đầu ngành của Tập đoàn VinGroup trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn hơn 150 người làm thực hành và ứng dụng các kiến thức quan trọng về bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn năm 2021 theo đúng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam.

Lạng Sơn: Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch - Ảnh 2.

Chuyên gia Hệ thống đào tạo Vin Pearl – Tập đoàn VinGroup hướng dẫn các học viên tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh

Qua đó, cung cấp những kiến thức cơ bản, góp phần thay đổi tư duy dịch vụ cho cán bộ nhân viên làm trong lĩnh vực du lịch, lữ hành của tỉnh. Bà Hoàng Thị Thắm, Trưởng bộ phận lễ tân Nhà khách A1 (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Tôi có kinh nghiệm hơn 16 năm công tác lễ tân. Nhưng qua tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn năm 2021, tôi cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích mới, chuyên sâu hơn, phù hợp hơn để áp dụng vào công việc. Từ cách chào hỏi, lấy thông tin khách hàng, cách thức bày trí bàn tiệc, các lưu ý khi làm hóa chất đến kỹ năng làm phòng, dọn dẹp vệ sinh khu vực công cộng…

"Mặc dù hiệp hội thường xuyên phối hợp, liên kết với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên buồng, bàn, lễ tân… song vẫn chưa thể đáp ứng hết được yêu cầu ngày càng cao của du khách. Do vậy, tôi thấy rằng, các ngành chức năng liên quan của tỉnh nên nghiên cứu, triển khai thêm nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ buồng, bàn, lễ tân. Trong đó chú trọng đến công tác lễ tân vì đây chính là bộ phận tiếp xúc với khách hàng nhiều nhất. Do đó, cần phải tập huấn kỹ càng để làm thay đổi thái độ, tác phong phục vụ của bộ phận này. Từ việc chào hỏi, đón tiếp, khai thác thông tin để phục vụ khách tốt nhất. Dù khách có sử dụng dịch vụ hay không đều phải phục vụ chu đáo. Qua đó, làm cho cán bộ nhanh nhẹn hơn, chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, phát triển mở rộng nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch".

Ông Nguyễn Tiến Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh

Cùng với đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chú trọng việc đưa các hộ làm du lịch đi học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa cho cộng đồng dân cư làm du lịch homestay… Từ hiệu quả thực tế làm du lịch ở các tỉnh đã giúp các cơ sở làm du lịch phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đón khách, và thực tế đang cho thấy sự thay đổi tích cực. Điển hình như mô hình các làng du lịch cộng đồng được nhân rộng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Từ 1 làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn năm 2010, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thêm 5 làng du lịch cộng đồng gồm: Mông Ân (Bình Gia); Vũ Lăng, Chiến Thắng (Bắc Sơn); Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng)…

Ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng – Trưởng Ban Quản lý điểm du lịch cộng đồng Hữu Liên cho biết: Trước khi đi học tập kinh nghiệm làm du lịch tại các tỉnh bạn, nhiều hộ trong xã còn e dè, ngại thử sức và nghĩ mình không thể làm được. Tuy nhiên, chỉ sau 1-2 cuộc học tập kinh nghiệm, cùng với sự tư vấn của các chuyên gia du lịch, đến nay làng du lịch đã có 10 hộ đăng ký kinh doanh đón khách.

Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để quảng bá, thu hút khách. Theo số liệu thống kê của Sở VHTTDL, hiện 90% các cơ sở lưu trú du lịch đều có website đăng tải thông tin, tài khoản Facebook quảng bá, cập nhật thường xuyên thông tin, hình ảnh. Đặc biệt, hơn 200 đơn vị là các cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm ăn uống, dịch vụ vận tải, các khu, điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật toàn bộ thông tin trên cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh du lịch Lạng Sơn.

Thực tế trên cho thấy, ngành VHTTDL tỉnh đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn; thay đổi tư duy, cách làm du lịch của các chủ doanh nghiệp và người dân, nâng cao chất lượng, kỹ năng của lao động trực tiếp phục vụ, cung ứng dịch vụ du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp hơn nữa cho du khách khi đến với Xứ Lạng.

"Để du lịch của Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đó là một câu chuyện dài, đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Tuy nhiên, tôi thấy rằng trước mắt, tỉnh có thể triển khai ngay một số công việc sau: thứ nhất là tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo thay đổi tư duy dành cho tất cả cán bộ, nhân viên làm trong lĩnh vực du lịch, lữ hành tỉnh; thứ hai, chúng ta cần chú ý đến việc đồng bộ các tiêu chuẩn, phương tiện phục vụ cũng như kỹ năng làm việc của các cán bộ, nhân viên nằm trong ngành dịch vụ du lịch tỉnh một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn".

Ông Phùng Hữu Hải, chuyên gia Hệ thống đào tạo Vin Pearl – Tập đoàn VinGroup

Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×