Lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân
12/05/2020 | 15:47Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”...
Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Khát vọng ấy, chính là động lực thôi thúc Người đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta trở thành đảng mác-xít chân chính, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong tư tưởng của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, có sứ mệnh “giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Sau khi nước nhà đã giành được độc lập, với cương vị là Chủ tịch nước, Người hết sức chú trọng nhiệm vụ kiến quốc, chăm lo đời sống nhân dân. Người khẳng định: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Từ đó, Người xác định trách nhiệm của Đảng và Chính phủ là phải làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành; các cơ quan của Chính phủ: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân... Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được ta đặc biệt chú ý”.
Theo Người, con đường mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Người quan niệm: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ...
Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. Với trách nhiệm là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở, suy nghĩ về cuộc sống của nhân dân, Người nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Trước lúc đi xa, Người căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân đã được Đảng và Nhà nước vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991 và năm 2011 (bổ sung và phát triển) về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm.
Với phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cụ thể là: Không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu; thực hiện tốt chính sách đối với người có công; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, sinh viên...; phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống nhân dân.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ đã đề ra Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với tổng số vốn là 41.449 tỷ đồng; Nhà nước cũng dành 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng… Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 1 đến 1,5% (còn khoảng 3,73 – 4,23%), trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%; chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên, đạt 8,6 bác sỹ và 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; làm tốt công tác y tế dự phòng...
Đặc biệt là từ cuối năm 2019 đến nay, khi đại dịch COVID-19 đang là hiểm họa đối với loài người, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân lại tiếp tục lan tỏa, và Việt Nam được đánh giá là hình mẫu về phòng, chống dịch cho nhân dân. Ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội tới Chính phủ đều xác định chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”, “không ai bị bỏ ở lại phía sau”, “chống dịch như chống giặc”... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (dành 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng khác nhau); xét nghiệm, điều trị miễn phí cho người bị nhiễm bệnh; nỗ lực tối đa để đưa hàng nghìn công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước...
Các doanh nghiệp Nhà nước chủ động giảm giá điện, nước, cước viễn thông và nhiều loại phí khác để san sẻ khó khăn cho nhân dân. Đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, vừa ngăn chặn, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, về cơ bản, Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh.
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là sứ mệnh của Đảng; là mục tiêu và bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy, cấp ủy và chính quyền các cấp cần luôn ghi nhớ lời Bác dạy để nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Với tinh thần đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân sẽ tiếp tục lan tỏa, soi sáng mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.