Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lan tỏa giá trị Di sản Hồ Chí Minh qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử

19/05/2025 | 16:19

Những ngày tháng Năm, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc suốt 15 năm cuối đời (1954 – 1969), đón hàng vạn lượt du khách ghé thăm. Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, dòng người trật tự, nghiêm cẩn nối tiếp nhau tiến vào Khu Di tích, thăm Nhà sàn nơi Bác ở, thăm ao cá Bác Hồ, thăm con Đường Xoài đầy ắp kỷ niệm...

Lan tỏa giá trị Di sản Hồ Chí Minh qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử - Ảnh 1.

Nhà sàn Bác Hồ luôn được du khách quan tâm, tìm hiểu về cuộc sống giản dị của Người. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Năm 2025, Kỷ niệm 135 Ngày sinh của Người, Khu Di tích còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm tri ân, tưởng nhớ và lan tỏa sâu sắc hơn nữa những giá trị vĩ đại mà Người để lại tới toàn thể nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Hiện vật kể chuyện về Bác

Đến Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch những ngày tháng 5/2025, bên cạnh hoạt động tham quan vườn cây, ao cá, nhà sàn… du khách còn có cơ hội khám phá nhiều hoạt động ý nghĩa như, tham quan Triển lãm Quốc gia “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tinh hoa dân tộc, Tầm vóc thời đại”, với những hình ảnh, tài liệu quý giá, tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khám phá phòng trưng bày sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, nơi giới thiệu và lưu giữ hàng trăm đầu sách quý viết về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người…

Một trong những hoạt động điểm nhấn trong chuỗi sự kiện lần này là ra mắt phòng trưng bày “Hiện vật kể chuyện” trong Khu Di tích. Với chủ đề “Bác Hồ với miền Nam - Miền Nam với Bác Hồ”, trưng bày giới thiệu 45 tài liệu, hiện vật gốc, được tuyển chọn kỹ lưỡng từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh và nhiều nguồn tư liệu quý khác. Các hiện vật tại trưng bày đưa người xem sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng, với tình cảm sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho miền Nam ruột thịt, cũng như tình cảm thủy chung, son sắt của miền Nam thương nhớ gửi đến Người.

Trưng bày gồm những tài liệu, hiện vật thể hiện nỗi nhớ, sự trăn trở khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về miền Nam và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là bản thảo "Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chiến sỹ cùng đồng bào Nam Bộ và phía Nam Trung Bộ", ngày 4/12/1945. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh tin chắc rằng, với một quốc gia có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa.

Đó là bức ảnh mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, được Bác xếp trong chiếc hộp khảm, để trên ngăn sách cao nhất trong buồng làm việc trên Nhà sàn của Người. Miền Nam luôn đau đáu trong tim của Người không chỉ bởi nơi đó có đồng bào Nam bộ ruột thịt vẫn đang bị chia cắt mà Cha của Người, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vẫn ở đó chờ Người vào thăm. Tiếc rằng ước nguyện đó của Người đã không thực hiện được.

Lan tỏa giá trị Di sản Hồ Chí Minh qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử - Ảnh 2.

Từ ngôi nhà sàn đơn sơ, các kỷ vật, cũng như cảnh quan ao cá, vườn cây xanh, vườn cây ăn quả, vẫn thấm đẫm những giá trị nhân văn cao cả, vẫn được bảo tồn sống động như đang mong chờ từng bước chân của Người. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Đó còn là chiếc chăn len Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cụ Nguyễn Văn Mạnh, lão thành cách mạng, quê ở quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của cụ ở Văn phòng Phủ Chủ tịch năm 1963; là chiếc túi của má Tấm ở Mỹ Chánh, Bình Định, kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lá cờ đỏ sao vàng, tặng phẩm của “Hội Mẹ chiến sỹ” ấp Bình Tốt, xã Bình Phú, huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu thêu tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 1/6/1958…

Đặc biệt, trưng bày còn giới thiệu tới công chúng bản thảo bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Lê Duẩn, nói về việc thu xếp để Người vào thăm đồng bào chiến sỹ miền Nam. Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 10/3/1968 gửi Tổng Bí thư Lê Duẩn, với dòng chữ "tuyệt đối bí mật" được ghi bằng mực đỏ bên lề, chỉ 18 tháng trước khi Người qua đời.

Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật gọi "chú Duẩn thân mến" và nhắc lại lời khuyên của ông Duẩn vào dịp Noel năm 1967 về việc đi thăm miền Nam sau ngày thắng lợi hoàn toàn. Người tán thành, nhưng muốn thay đổi thời điểm, từ "sau" thành "trước", tức là đi thăm khi cán bộ, chiến sỹ đang chuẩn bị cho đợt tiến công mới. Trong thư, kế hoạch về cách đi, thời gian đến, nơi ở, lịch trình thăm được Chủ tịch Hồ Chí Minh cẩn thận đánh dấu bằng mực đỏ. Người dự tính tự thu xếp "làm công trên một chuyến tàu thủy", cùng đi với "chú Bảo và Kỳ". Anh em ở miền Nam sẽ đón khi tàu cập bến và đưa đến nhà một số cán bộ miền Nam. Chuyến đi dự kiến mất khoảng 10 ngày chuẩn bị, 6 ngày vượt biển và 5 ngày thăm địa điểm, kéo dài tối đa một tháng... Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò ông Lê Duẩn trong thư, để đảm bảo bí mật chỉ nên bàn việc này với một số ít người trong Bộ Chính trị.

Lan tỏa giá trị Di sản Hồ Chí Minh qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử - Ảnh 3.

Những hiện vật gắn liền với Bác được trưng bày trong nhà sàn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Đại diện lãnh đạo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, trưng bày chuyên đề là hoạt động đặc biệt ý nghĩa, khắc họa chân thực và xúc động tình cảm thiêng liêng, sâu nặng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng bào, chiến sỹ miền Nam ruột thịt. Đây không chỉ đơn thuần là không gian trưng bày tài liệu, hiện vật lịch sử, mà còn là hành trình cảm xúc sâu sắc, giúp người xem thêm hiểu và thêm tự hào về mối quan hệ thiêng liêng giữa Bác Hồ và miền Nam, qua đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí tự cường, quyết tâm xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

Lan tỏa, phát huy giá trị Di sản Hồ Chí Minh

Cùng với phòng trưng bày hiện vật kể chuyện, thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong những ngày này, công chúng còn có cơ hội tìm hiểu thêm về 15 năm Bác sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, thông qua triển lãm 135 ảnh tư liệu Bác Hồ tại Khu Phủ Chủ tịch (1954 - 1969).

Theo bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc ở nhiều nơi, nhưng Khu Phủ Chủ tịch là nơi gắn bó với Người lâu nhất - 15 năm cuối đời. Nơi đây lưu giữ vĩnh viễn hình bóng, ký ức về tư tưởng, đạo đức, phong cách vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sỹ cộng sản quốc tế, người bạn thủy chung của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình.

Bởi vậy, triển lãm 135 bức ảnh tư liệu đặc sắc, được Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch dày công sưu tầm, hệ thống nhằm chào mừng Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2025). Đây là những khoảnh khắc chân thực, sống động về các hoạt động của Bác trong không gian Khu Phủ Chủ tịch, nơi Người đã sống và làm việc trong 15 năm cuối cùng (1954–1969) - điểm dừng chân lâu nhất trong hành trình 79 mùa xuân của cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“135 bức ảnh không chỉ là tư liệu quý giá mà còn là cầu nối gợi lại những kỷ niệm thiêng liêng, sâu sắc về Người; là ký ức đẹp đẽ, thân thương, nhắc nhở mỗi người về một cuộc đời bình dị mà vĩ đại, luôn dành trọn tình yêu thương cho đồng bào và đất nước, mãi mãi tỏa sáng trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”, đại diện lãnh đạo Khu Di tích chia sẻ.

Nhân dịp này, chương trình trải nghiệm di sản Hồ Chí Minh dành cho học sinh tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cũng chính thức ra mắt công chúng, nhằm giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước và khơi dậy tình cảm kính yêu Bác Hồ trong thế hệ trẻ. Theo đó, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức chương trình “Bác Hồ trong trái tim em - Hành trình trải nghiệm di sản”, với chủ đề “Xe Peugeot 404 và hành trình phục vụ Bác Hồ”.

Lan tỏa giá trị Di sản Hồ Chí Minh qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử - Ảnh 4.

Học sinh Thủ đô tham quan khu di tích, cùng nghe "hiện vật kể chuyện" với các cô hướng dẫn viên. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Chương trình nổi bật với hoạt động “Nghe hiện vật kể chuyện”, giúp các em lắng nghe những câu chuyện cảm động gắn liền với chiếc xe Peugeot 404 - phương tiện từng phục vụ Bác Hồ trong những năm cuối đời - là Bảo vật Quốc gia, phản ánh phong cách sống giản dị, tiết kiệm và tinh thần tận tụy vì dân của Người. Thông qua việc đưa hiện vật vào chương trình, học sinh được tiếp cận trực tiếp với lịch sử, khơi dậy lòng tự hào và ý thức giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Đồng thời, tham gia giao lưu, chia sẻ cảm nhận và tham quan nơi ở, làm việc của Bác. Qua đó, các em hiểu thêm về cuộc đời, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ, nâng cao ý thức trân trọng di sản.

Chương trình được thiết kế phù hợp với học sinh tiểu học, đảm bảo tính giáo dục, hấp dẫn, an toàn và khuyến khích sự tham gia chủ động, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp của di sản Hồ Chí Minh tới cộng đồng.

Nhân dịp Kỷ niệm 135 Ngày sinh của Bác, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp mã QR Code tại các điểm di tích. Đây là giải pháp thiết thực giúp du khách trong và ngoài nước thuận tiện tra cứu, tiếp cận thông tin chính thống, hình ảnh trực quan về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngay trong hành trình tham quan.

Thông qua việc quét mã QR, du khách có thể nhanh chóng tìm hiểu thông tin về 11 điểm di tích tiêu biểu như: Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Phòng họp Bộ Chính trị, những chiếc xe ô tô phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích Bếp A, ao cá Bác Hồ, Đường Xoài, giàn hoa Phủ Chủ tịch, nhà sàn, Nhà 67, vườn cây…

“Việc ứng dụng mã QR không chỉ góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di tích, mà còn tạo điều kiện để người dân và du khách hiểu rõ hơn về giá trị to lớn của di sản Hồ Chí Minh, từ đó bồi đắp lòng tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc trong thời đại chuyển đổi số”, Lãnh đạo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khẳng định.

Nguồn: TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×