Lần đầu nghiên cứu, sưu tầm di sản phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế
30/08/2021 | 13:48Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế là đề tài khoa học cấp tỉnh vừa được giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại tỉnh này thực hiện. Nghiên cứu di sản phi vật thể về Người là đề tài tương đối mới, đến nay trong cả nước vẫn chưa có các công trình nghiên cứu sâu về đề tài này.
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế, đề tài nói trên sẽ được triển khai thực hiện trong vòng 2 năm (2021-2023), hiện Hội đồng khoa học cấp tỉnh đã thông qua thuyết minh của đề tài. Đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” nhằm xác minh, thống kê, sưu tầm các di sản phi vật thể về Người, tiến tới bảo tồn, phát huy làm phong phú di sản văn hóa liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời tạo cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền về giá trị di sản Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu cụ thể của đề tài nhằm xác minh, thống kê, sưu tầm và hệ thống hóa tài liệu liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; và xây dựng được đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài này tương đối mới, các công trình nghiên cứu sâu về đề tài này trên cả nước và trong tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay vẫn chưa có. Tuy nhiên, trong dòng chảy văn hóa, văn nghệ dân gian, cũng như trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm tại các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề văn hóa phi vật thể lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt ra và từng bước sưu tầm, tập hợp trong các tác phẩm đã xuất bản, hay các sưu tập tại bảo tàng. Đề tài khoa học này sẽ tiếp cận và đi sâu vào nghiên cứu các nội dung chính: Nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; thẩm định, lập hồ sơ khoa học các di sản phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sưu tầm; đề ra các nhóm giải pháp nhằm phát huy giá trị kết quả đề tài nghiên cứu khoa học.
Đề tài khoa học này sẽ được triển khai sâu vào các công trình nghiên cứu đã có trên các loại hình văn hóa phi vật thể như ngữ văn dân gian về Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm dân ca, tục ngữ, ca dao, hò, vè, câu đối, hát ru…; truyện kể, hồi ký về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tục đặt tên họ Hồ của đồng bào dân tộc ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, trong các ngôi nhà của đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy tại huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã trang trọng thờ di ảnh của Người. Và cũng từ đó, cộng đồng các dân tộc này cũng tự nguyện đổi họ mình thành họ Hồ để tri ân, tưởng nhớ Bác Hồ yêu quý. Theo thống kê, tại huyện miền núi A Lưới đã có hơn 43% người dân mang họ Hồ. Suốt 52 năm qua, nghi lễ đặt tên họ Hồ của đồng bào ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành dấu ấn văn hóa đặc biệt.
Theo đánh giá của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế, di sản phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế khá phong phú, tuy nhiên chưa được hệ thống hóa, thống kê, lập hồ sơ khoa học và chưa được định hướng bảo tồn và phát huy một cách đầy đủ. Việc thực hiện đề tài này là yêu cầu cấp thiết, những nhiệm vụ khoa học đề xuất trong đề tài cần được tiến hành ngay, nếu để muộn, những nhân chứng lịch sử sẽ không còn nữa; quá trình trao truyền di sản sẽ bị mai một và đứt gẫy. Đồng thời đây cũng là yêu cầu cấp bách của ngành di sản trong quá trình kiểm kê, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thừa Thiên Huế. Đề tài hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản Hồ Chí Minh ở Huế; bảo lưu những giá trị văn hóa tinh thần đặc biệt về Người, phục vụ công tác quản lý di sản văn hóa; học tập, nghiên cứu về thân thế sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như thực hiện một cách có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục di sản về Người đến đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.