Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Làm rõ những thành tựu, hạn chế và những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hoá, văn nghệ, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật qua gần 50 năm thống nhất đất nước

12/12/2023 | 14:20

Sáng ngày 12/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển.

Đến dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh.

Làm rõ những thành tựu, hạn chế và những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hoá, văn nghệ, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật qua gần 50 năm thống nhất đất nước  - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong nước và cả ở nước ngoài. Đồng thời, từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chúng ta cũng đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lý có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ, nhất là những vấn đề mới, khó, có tính lịch sử cụ thể, tính cách tân tạo ra sự phân hóa và thách thức mĩ cảm của công chúng tiếp nhận; bài học về giải quyết các hiện tượng, sự việc xảy ra trong quá trình tìm tòi, sáng tạo và đánh giá nghệ thuật...

Đây là những vấn đề vừa mang tính thời sự, vừa có tính trầm tích qua thời gian của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên quan tâm, tìm hiểu sâu, kỹ về đối tượng để nắm bắt kịp thời và có biện pháp xử lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Để bám sát chủ đề Hội thảo và đánh giá đầy đủ, khoa học, khách quan, toàn diện về thực trạng lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới và định hướng phát triển, chú trọng nhiều hơn đến công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn và đề nghị các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các quý vị đại biểu tập trung trao đổi, bàn thảo trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, khoa học, khách quan về mấy nhóm vấn đề sau:

Đánh giá, khẳng định đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta qua 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, phát triển.

Làm rõ những thành tựu, hạn chế và những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hoá, văn nghệ, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật qua gần 50 năm thống nhất đất nước  - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo

Phân tích, đánh giá quá trình hòa hợp, hòa giải, thống nhất, tiếp biến, phát triển của nền văn học, nghệ thuật cách mạng, đồng thời đánh giá một cách khách quan, chính xác, thỏa đáng những đóng góp của bộ phận văn học yêu nước, tiến bộ ở các đô thị miền Nam 1954-1975; văn học yêu nước, tiến bộ của của người Việt Nam ở nước ngoài; quá trình giao lưu, tiếp thu, tiếp biến các trào lưu tư tưởng, lý luận văn nghệ nước ngoài ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra trong quá trình hòa hợp, giao lưu, tiếp nhận, tiếp biến văn hóa, văn nghệ đã, đang và cần được giải quyết.

Đánh giá quá trình kế thừa và cách tân lý luận, phê bình văn nghệ dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, phát triển, hội nhập.

Khẳng định những ưu điểm, thành tựu; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn hóa, văn nghệ nước ta, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương về việc tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển để nhìn nhận, đánh giá chặng đường phát triển của văn hoá, văn nghệ Việt Nam nói chung, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng trong nửa thế kỷ qua; từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp để chấn hưng, phát triển văn hoá, văn nghệ đất nước và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: Văn hóa, văn nghệ nước ta luôn lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, kế thừa văn hoá, văn nghệ truyền thống dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá, văn nghệ thế giới; Văn hóa, văn nghệ có vai trò và sứ mệnh to lớn trong xây dựng con người mới; Văn hóa, văn nghệ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế; Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phải là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa, văn nghệ; hơn nữa còn là một bộ phận trong công tác lý luận chính trị của Đảng.

Làm rõ những thành tựu, hạn chế và những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hoá, văn nghệ, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật qua gần 50 năm thống nhất đất nước  - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam vừa mang tính phổ cập nhân loại, vừa mang bản sắc dân tộc để phát huy vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong việc đề ra tiêu chí thẩm định là thước đo giá trị, để đồng hành cùng sáng tạo và tiếp nhận những giá trị nhân văn, tiến bộ; cổ vũ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nghiêm túc; đồng thời nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thị hiếu tầm thường, dung tục, các quan điểm sai trái trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ.

"Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ đối với phát triển; đặt văn hóa, văn nghệ đúng vị trí, thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, văn nghệ, con người"- Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ.

Ông Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu: Hội thảo trao đổi thẳng thắn để làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hoá, văn nghệ, về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật qua gần 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới; phân tích, dự báo được bối cảnh mới, cơ chế tác động, yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của văn hoá, văn nghệ và công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; từ đó, đề xuất tầm nhìn, định hướng, các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá để chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà văn hoá, văn nghệ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của đất nước trong giai đoạn mới./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×