Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lai Châu: Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam

24/04/2020 | 09:17

Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam và triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được xác định là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và của mọi tầng lớp nhân dân; Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh Lai Châu và Bắc Giang.

Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam và triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2020

Sở VHTTDL Lai Châu đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam và triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2020.

Việc triển khai Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình. Tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các gia đình, các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, thực hiện ứng xử văn hóa trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Đồng thời giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp trong gia đình của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh; loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, hình thành tập quán văn minh.

Cụ thể, tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền về các nội dung: các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Tuyên truyền các tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Lai Châu: Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Nguồn: danviet.vn

Thời gian thực hiện tuyên truyền từ tháng 5 đến hết tháng 11/2020, trong đó tập trung tuyên truyền cao điểm vào các dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Thế giới xóa bỏ, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11); Tháng Hành động quốc gia về bình đẳng giới.

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cần đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; nội dung, hình thức tuyên truyền phải phù hợp với đối tượng tuyên truyền và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

Bắc Giang: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được xác định là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và của mọi tầng lớp nhân dân

Theo Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư (khoá IX) về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước", sau 15 năm thực hiện Chỉ thị, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và người dân về công tác gia đình có sự chuyển biến rõ rệt. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được xác định là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và của mọi tầng lớp nhân dân.

Các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6); chỉ đạo lồng ghép công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đưa tiêu chí gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ vào bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Các sở, ngành, đoàn thể thực hiện lồng ghép công tác gia đình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Các hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình được đẩy mạnh thực hiện từ cơ sở nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, nhận thức và chuyển biến về hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đối với công tác gia đình.

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa giữ vị trí hết sức quan trọng trong thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Việc thực hiện các tiêu chí công nhận Gia đình văn hóa đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như thực hiện mục tiêu xây dựng mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc đã được xác định trong Chỉ thị số 49/CT-TW. Năm 2005, số gia đình văn hóa là 266.755/357.304 hộ, đạt 74,7%. Năm 2019, toàn tỉnh có 402.236/450.051 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 89,4%.

Cũng tại Bắc Giang: Theo Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT-/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương đã cơ bản thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng và Nhà nước về tổ chức lễ hội.

Các lễ hội được tổ chức tương đối bài bản, có sự tham gia chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi tổ chức lễ hội. Ban Tổ chức lễ hội đều có phân công nhiệm vụ các thành viên, tích cực tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa truyền thanh, bảng, biển tại lễ hội, đồng thời xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường theo quy định. Các lễ hội đều không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội, công khai giá dịch vụ, việc bố trí hòm công đức cơ bản hợp lý. Việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội cơ bản được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bảo vệ an toàn cho di tích và nhân dân tham gia lễ hội được các địa phương quan tâm, chú trọng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của người dân từng bước được nâng cao. Nhiều lễ hội đã quan tâm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho việc tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; khôi phục các nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống: lễ hội Yên Thế khôi phục nghi lễ "phóng ngư, phóng điểu", lễ hội Thổ Hà có nghi lễ đám rước chuẩn mực, tiêu biểu; lễ hội đình Vồng có lễ tế ngựa - một nghi thức biểu dương tinh thần thượng võ,…

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh không có lễ hội có nghi thức, nghi lễ, nội dung phản cảm gây bức xúc trong dư luận. Những kết quả trên đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Hằng Đinh (T/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×