Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lai Châu: Điểm đến đẹp, hấp dẫn và an toàn

12/01/2023 | 11:16

Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV (nhiệm kỳ 2020-2025): Phát triển du lịch là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Lai Châu đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch bền vững. Và, mỗi đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã xác định cụ thể, lựa chọn được những hướng đi mới.

Không chỉ là huyện cửa ngõ của tỉnh mà Tam Đường còn nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Tạo đà cho ngành “Công nghiệp không khói”, huyện có những quyết sách đầu tư, định hướng chỉ đạo tổ chức các sự kiện thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 trong điều kiện “bình thường mới’’. Tạo “cơ chế mở” thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư đa dạng loại hình sản phẩm du lịch. Do đó, trong năm 2022, Công ty Viettrekking đã lập đoàn khảo sát dự án leo núi tại Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn, Ngũ Chỉ Sơn. Tập đoàn ALPHANAM (Hà Nội) khảo sát, đầu tư dự án Động Tiên Sơn và các điểm check in ở đèo Hoàng Liên Sơn…

Lai Châu: Điểm đến đẹp, hấp dẫn và an toàn - Ảnh 1.

Đoàn công tác của tỉnh, huyện Tam Đường cùng các công ty du lịch, lữ hành, du khách khảo sát, trải nghiệm đỉnh Pu Ta Leng.

Với rất nhiều giải pháp cùng hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch, tổng lượng khách du lịch của Tam Đường đạt 255.610 lượt người, đạt 218% so với cùng kỳ 2021, đạt 170,4% so với kế hoạch. Doanh thu từ du lịch đạt 93,14 tỷ đồng, đạt 220,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 170,6% so với kế hoạch năm 2022.

Chỉ sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về “Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng” tại Đại hội Đảng bộ huyện Than Uyên nhiệm kỳ 2020 – 2025, Than Uyên đang là một trong những địa phương để lại nhiều dấu ấn với du khách trong và ngoài nước. Có thể kể đến phục dựng thành công và duy trì những nghi lễ, lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội Xòe Chiêng, Lùng Tùng, Hạn Khuống; thực hiện nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông. 100% trường tiểu học, THCS trên địa bàn xây dựng không gian văn hóa truyền thống các dân tộc.

Cùng với đó, huyện chú trọng, xây dựng một số sản phẩm du lịch tạo thuận lợi để du khách tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Nổi bật là du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Huội Quảng – Bản Chát; khu di tích lịch sử văn hóa bản Lướt; làng cá Thẩm Phé; đồi thông khu 7; điểm Love hill; vườn hoa Hua Nà, Mường Cang; tham quan trải nghiệm du lịch lòng hồ vịnh Pá Khôm (xã Pha Mu). Tăng cường liên kết các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức sự kiện tết Độc lập 2/9 gắn với ngày hội văn hóa các dân tộc; trải nghiệm bay trực thăng ngắm toàn cảnh Than Uyên, lướt thuyền hơi, Jetkey trên hồ Than Uyên tại Chương trình chào năm mới 2023.

Lai Châu: Điểm đến đẹp, hấp dẫn và an toàn - Ảnh 2.

Vịnh Pá Khôm (xã Pha Mu, huyện Than Uyên) là địa điểm tham quan, trải nghiệm du lịch trên lòng hồ Thủy điện Bản Chát.

Hiện nay, Than Uyên đang tập trung mời gọi, thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trước hết là dự án đầu tư khu du lịch lòng hồ thủy điện Huội Quảng gắn với quần thể hang động Bản Mè; mô hình phát triển du lịch lòng hồ Thủy điện Bản Chát; xây dựng bản du lịch cộng đồng tại xã Tà Mung; cải tạo, nâng cấp chợ trung tâm thị trấn Than Uyên; xây dựng cơ sở hạ tầng điểm du lịch Thẩm Phé.

Khai thác lợi thế, phát triển du lịch trải nghiệm lòng hồ không chỉ Than Uyên mà các huyện như: Sìn Hồ, Nậm Nhùn cũng đã có những định hướng, kế hoạch cụ thể. Từ đó, tập trung nguồn lực nội tại và thu hút đầu tư, liên kết nhằm tạo ra những dấu ấn riêng cho sản phẩm này.

Mặc dù số lượng các các doanh nghiệp du lịch của tỉnh còn rất khiêm tốn (3 đơn vị đang giai đoạn khởi nghiệp) nhưng hình ảnh, vẻ đẹp về con người, quê hương Lai Châu vẫn được lan tỏa rộng khắp đến mọi miền đất nước. Đó là Chương trình hợp tác phát triển du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. Thiết lập hành lang du lịch an toàn giữa Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 12 tỉnh, thành phố; 11 tỉnh có di sản Then và các tập đoàn, công ty du lịch; Lai Châu và Thành phố Hà Nội; Lào Cai - Lai Châu.

Lai Châu: Điểm đến đẹp, hấp dẫn và an toàn - Ảnh 3.

Thông qua Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 nhiều du khách đã biết đến hình ảnh, vẻ đẹp về con người, quê hương Lai Châu.

Thông qua liên kết, hợp tác phát triển du lịch là mô hình hiệu quả để hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng. Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương. Xây dựng hình ảnh chung của vùng Tây Bắc để quảng bá bản sắc, thương hiệu riêng có của vùng và trên cơ sở đó hợp tác, liên kết trao đổi nguồn khách với các tỉnh, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Đa dạng hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, quảng bá thông tin, hình ảnh trên các website du lịch Lai Châu, các ấn phẩm du lịch và tại các hội chợ, sự kiện du lịch lớn trong nước… Lai Châu đã trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách. Chỉ tính riêng năm 2022, du lịch Lai Châu ước đón khoảng 762.000 lượt khách với tổng doanh thu trên 555 tỷ đồng, tăng 131,6% so với năm 2021, đạt 126,84% so với kế hoạch năm 2022.

Một năm đầy khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng từ thành công, dấu ấn đặc biệt, chắc chắn ngành Du lịch Lai Châu trong năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ thực sự “cất cánh”.

Theo Báo Lai Châu

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×