Kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4: Bức tranh đa sắc của văn hóa các dân tộc Sơn La
20/04/2023 | 09:41Nhắc tới Sơn La là nhắc đến miền đất của núi rừng trùng điệp, nơi sinh sống của những dân tộc gắn bó lâu đời với đại ngàn, quê hương của những câu khắp, lời đang, của điệu xòe thương nhau, tiếng khèn da diết gọi bạn… tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu vô cùng đa dạng, được bao thế hệ dày công vun đắp, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc.
Phong phú nền văn hóa đa dân tộc
12 dân tộc anh em đoàn kết cùng sinh sống, nhưng mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, quan niệm tâm linh và sinh hoạt văn hóa, kiến trúc nhà ở…. Trong đó, nét văn hóa truyền thống mang tính đại diện và trở thành biểu tượng đặc sắc mà mỗi khi nhắc đến một dân tộc nào đó là người ta nghĩ ngay tới những nét văn hóa tiêu biểu ấy. Ví như, đồng bào Thái có kiến trúc nhà sàn độc đáo, áo cóm, khăn piêu, có điệu xòe, câu khắp. Dân tộc Mông có trang phục sặc sỡ, múa khèn, nhảy tha kềnh. Dân tộc Dao bộ váy áo chàm nền nã, điệu múa chuông sôi động, có nghi lễ cấp sắc và nghi lễ rước dâu đặc sắc. Dân tộc Kháng, Xinh Mun, La Ha là những dân tộc ít người có tín ngưỡng truyền thống độc đáo với điệu múa tăng bu, múa au eo, hưn mạy đặc biệt ấn tượng.
Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa các dân tộc Sơn La, ông Đinh Văn Liển, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh, nói: Mỗi dân tộc ở Sơn La có những nét văn riêng, cùng một dân tộc ở những vùng khác nhau lại có những tập quán khác nhau mang đặc trưng vùng miền. Từ đó hình thành nên sự đa dạng và phong phú trong văn hóa của các dân tộc, tạo nên sự hấp dẫn của vùng đất và con người ở Sơn La.
Cùng với đó là những lễ hội gắn liền với mùa vụ trong năm, gắn với những quan niệm tín ngưỡng ngàn đời vẫn được đồng bào các dân tộc giữ gìn, như: Lễ hội hoa ban, lễ cầu mưa của đồng bào Thái; lễ Xên Pang A của dân tộc La Ha; lễ hội nào sồng của đồng bào Mông; tết nhặt lộc hay lễ cấp sắc của đồng bào Dao… Ẩm thực phong phú mang những đặc trưng riêng của con người miền núi. Những món: Cơm lam, cá nướng, thịt chua, thịt gác bếp, rượu hoẵng… đã trở thành niềm tự hào của mỗi dân tộc khi nói về nền văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc của đồng bào vùng cao.
Nghệ nhân Nhân dân Lò Văn Lả, người chuyên nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân tộc Thái, chia sẻ: Văn hóa đặc sắc của các dân tộc Sơn La còn hiện diện trong những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống, trong hệ thống kho tàng văn học dân gian lưu truyền qua bao thế hệ. Đó là những giá trị văn hóa phi vật thể có giá trị trường tồn được đồng bào gìn giữ cho đến tận hôm nay và cần được bảo tồn, phát huy để giữ cội nguồn dân tộc.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã không ngừng triển khai những giải pháp để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Sơn La. Giai đoạn 2011-2016, ngành đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm kê 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2012 - 2022, đã lập 16 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc, trong đó đã có 12 di sản được Bộ VHTT&DL công bố đưa vào Danh mục quốc gia. Sơn La cùng với các tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái) và Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia lập hồ sơ di sản văn hóa Nghệ thuật xòe Thái trình Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, ngành VHTT&DL cũng triển khai các đề án, kế hoạch về bảo tồn sách chữ Thái cổ; nghiên cứu, sưu tầm 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái ở Sơn La; khảo sát, tư liệu hóa các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, chế tác nhạc cụ, một số nghi lễ, tục lệ và tổ chức các câu lạc bộ, các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc… Những giải pháp đã góp phần thiết thực để quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc, giúp cộng đồng, nhất là giới trẻ hiểu hơn và yêu, tự hào về văn hóa dân tộc mình, từ đó hình thành ý thức bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy.
Tại nhiều địa phương, việc phát huy giá trị văn hóa các dân tộc được gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại những hiệu quả tích cực. Điển hình như tại huyện Mộc Châu với việc phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa dân tộc. Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu, cho biết: Mộc Châu quy tụ 12 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Huyện giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt là phát triển các đội văn nghệ quần chúng, xây dựng các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc tại các sự kiện lớn kết hợp với phát triển ẩm thực dân tộc, sản phẩm lưu niệm từ trang phục dân tộc, thổ cẩm truyền thống… để thu hút du khách.
Phát huy ngày càng tốt hơn giá trị văn hóa truyền thống, việc xây dựng các hạt nhân nòng cốt, khuyến khích sự cống hiến của các nghệ nhân dân gian là điều mà ngành VHTT&DL đang triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 2 “Nghệ nhân nhân dân”, 36 “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, là những người đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tri thức cổ, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc và trao truyền cách lưu giữ để phát huy giá trị di sản. Đồng thời, duy trì và phát triển hơn 3.000 đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở, phục dựng lễ hội truyền thống giúp văn hóa dân tộc được phổ biến đến nhiều người.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Hiện nay, Sở VHTT&DL đang triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021-2030 cùng với một số kế hoạch liên quan đến phát triển văn hóa và du lịch khác. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, các nghệ nhân, người có uy tín nhằm nâng cao năng lực truyền bá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc từ cơ sở theo định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo.
Văn hóa là cội nguồn, là nền tảng tinh thần của mỗi dân tộc, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong mọi thời đại, nhất là trong thời đại công nghệ số với sự du nhập của nhiều luồng văn hóa ngoại lai như hiện nay. Văn hóa các dân tộc Sơn La vốn đã phong phú và đặc sắc, việc tăng cường các giải pháp phát huy giá trị văn hóa ấy là nhiệm vụ, mục tiêu để xây dựng hình ảnh về mảnh đất và con người Sơn La, là điểm nhấn không thể thiếu góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà hôm nay và mai sau.