Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau

30/06/2020 | 11:36

Sắc phong trở về đình làng, dù được đón nhận bằng những nghi lễ khác nhau theo phong tục của mỗi địa phương, nhưng giá trị cốt lõi như hồn thiêng của mỗi làng quê thì vẫn không thay đổi từ khi được vua ban cho đến nay.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau

Sắc phong trở về đình làng, dù được đón nhận bằng những nghi lễ khác nhau theo phong tục của mỗi địa phương, nhưng giá trị cốt lõi như hồn thiêng của mỗi làng quê thì vẫn không thay đổi từ khi được vua ban cho đến nay.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 1.

Trong lần trao trả Sắc phong ở Hậu Xá (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) vào năm 2016 đã khiến nhóm Nhân sĩ Hà Đông thực sự ấn tượng và khó có thể quên được. Ngày người dân Hậu Xá nhận lại Sắc phong không khác gì ngày hội. Người dân háo hức có mặt từ sớm để đón Sắc phong bị mất trở về làng. Có lẽ cuộc hồi hương nào cũng khiến người ta xúc động nhưng hồi hương của Sắc phong thì còn đặc biệt hơn. Sắc phong được trân trọng đưa lên kiệu và rước. Các cụ già và thanh niên nam nữ mặc quần áo nghi lễ để đón Sắc phong trong tiếng chiêng trống rộn ràng. Rất đông người dân hồ hởi vui mừng đến chứng kiến giây phút Sắc phong của đình làng sau 7 năm bị mất đã tìm thấy trở lại. Sau khi rước Sắc phong vào đình các cụ ở làng đã nói rằng: Ở làng chúng tôi có rất nhiều người tài, người giàu và đã cung tiến cho ngôi đình này những thứ vô cùng đắt giá, nhưng dường như vẫn không có hồn. Chỉ khi chúng tôi đón được Sắc phong về thì cái hồn mới nhập trở lại. Câu nói ấy thực sự khiến nhiều người ngạc nhiên và càng thấm thía hơn giá trị văn hóa, tâm linh của các Sắc phong.

Những ngày tháng 6/2020 nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về Đa Sỹ đúng dịp ông Trịnh Văn Sỹ cùng nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao trả 3 Sắc phong cho thôn Phương Mạc (xã Phương Đình, huyện Đan Phương, Hà Nội). Lý giải vì sao cuộc hẹn không lùi vào một thời điểm thời tiết dễ chịu hơn, đại diện của thôn Phương Mạc cho biết từ khi kết nối được với ông Sỹ và biết chắc chắn Sắc phong của đình làng ở đây, người dân vui mừng, háo hức lắm. Ai cũng mong Sắc phong sớm được trở lại làng. Sau khi lên lịch hẹn ngày nhận Sắc phong rồi nhưng dịch bệnh Covid -19 khiến cuộc hẹn phải lùi lại. Thế nên giờ dù trời có nắng thế nào thì cũng không thể tiếp tục lùi nữa.

Những cuộc trao trả Sắc phong của nhóm Nhân sĩ Hà Đông trong thời gian qua

Các cụ của thôn cho biết, đình làng bị mất trộm sắc phong cách đây khoảng 10 năm. Lúc đó Sắc phong được lưu giữ bởi 3 tầng khóa nhưng vẫn bị mất trộm. Khi Sắc phong bị mất, các cụ và nhân dân trong làng đã họp bàn việc đi tìm lại Sắc phong. Thậm chí đã tính đến phương án dễ nhất là ra viện Hán Nôm phục chế Sắc phong, có con dấu đầy đủ và không khác bản chính là mấy. Nhưng dù thế nào thì việc phục chế cũng không thể thay thế và được như Sắc phong bản chính, mọi người vẫn cứ cảm giác bản phục chế không có hồn cốt.

Vượt qua chặng đường từ Đa Sỹ về đến Phương Mạc, chúng tôi thấy các cụ trong làng đã đứng chờ ở đó để thực hiện nghi lễ và ai ai cũng trào lên sự vui mừng, xúc động từ trong ánh mắt đến bước chân. Chúng tôi đã đưa ra những câu hỏi về cảm xúc, suy nghĩ của các cụ trong ngày được đón nhận Sắc phong trở về sau 10 năm bị thất lạc. Và rồi chúng tôi nhận ra câu trả lời chân thực nhất, xúc động nhất chính là ở cái run người đầy rưng rưng xúc động cùng đôi mắt đang hấp háy hơn là những ngôn từ có thể còn rời rạc, còn dung dị và khiêm nhường của con người nơi đây.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 4.

Nghi lễ thiêng liêng khi nhận lại Sắc phong

Những nghi lễ đầy sự thành kính và trang trọng được diễn ra trong tiếng chống, tiếng chiêng. Một thứ âm thanh như thể vọng lại sự linh thiêng, có thể tỏa ra khắp không gian mà bất kỳ ai đứng ở đó, chứng kiến giây phút đó dường như đều cảm nhận được.

Một câu chuyện khác được chia sẻ từ ông Trần Kim Long trưởng thôn Thọ Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam cũng khiến chúng tôi nhớ mãi sau khi địa phương này được trao trả 15 Sắc phong vào giữa tháng 5/2020. Ông Long cho biết: đình làng bị mất Sắc phong khiến nhiều người rất buồn. Chúng tôi luôn có ý thức đi tìm lại Sắc phong như một trách nhiệm để trả lại sự linh thiêng cho đình làng. Việc tìm được Sắc phong từ ông Trịnh Văn Sỹ và nhóm Nhân sĩ Hà Đông về lại đình làng là vô cùng quý giá mà không tiền bạc nào có thể mua được. Sắc phong không chỉ là báu vật của cha ông mà còn cho cả những người đương đại cũng như các thế hệ sau này.

Câu nói này cứ ghim mãi vào đầu chúng tôi. Đúng, Sắc phong là thứ vô giá mà tiền bạc không thể mua được. Sắc phong trở thành điểm tựa tinh thần để mỗi người, dù giàu hay nghèo được sống ở ngôi làng đó đều thấy bản thân mình như một phần ở trong đó, như được che chở, bao bọc. Để từ đó họ ý thức hơn, sống tốt hơn để xứng đáng với cha ông và những vị thần được phong sắc. Dù với lý do này hay lý do khác Sắc phong bị mất đi, được tìm thấy, trở về đình làng, được đón nhận bằng những nghi lễ khác nhau theo phong tục của mỗi địa phương, nhưng giá trị cốt lõi như hồn thiêng của mỗi làng quê thì vẫn không thay đổi từ khi được vua ban cho đến nay.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 6.

Sau nhiều năm đi tìm và trao trả Sắc phong cho các đình làng, giờ đây gia đình ông Sỹ và nhóm Nhân sĩ Hà Đông trở thành một trong những địa chỉ tin cậy để nhiều nơi gửi gắm tìm kiếm Sắc phong.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – một trong những thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông chia sẻ câu chuyện khá thú vị rằng chính những người trẻ là "cầu nối" hữu hiệu để nhiều Sắc phong được trở về đình làng. Thế hệ những người am hiểu Sắc phong thường là đã có tuổi nhưng lại không sử dụng mạng xã hội. Trong khi nhiều thông tin liên quan đến Sắc phong được đăng tải trên mạng xã hội với danh sách Sắc phong của làng, xã... thế là nhiều người trẻ lại liên lạc với cụ ở quê nhà để xác minh và nhận lại Sắc phong. Cũng có nơi bị mất Sắc phong mà ông Sỹ và nhóm Nhân sĩ Hà Đông không có trong bộ sưu tầm thì họ gửi gắm, mong được ông tìm kiếm và mua giúp lại. Không những thế, nhiều bạn trẻ với tình yêu Sắc phong cũng xung phong dịch nghĩa miễn phí.

Cũng có cả trường hợp nhiều người chơi, sưu tầm Sắc phong thấy được việc trao trả Sắc phong là đúng đắn và ý nghĩa đã tự nguyện đem tặng lại cho nhóm Nhân sĩ Hà Đông với hi vọng một ngày nào đó Sắc phong sẽ được trở lại đúng nơi nó cần về và phải về. Trường hợp họa sĩ Nguyễn Đức Cương là một ví dụ. Người họa sĩ này từng giữ Sắc phong để "chơi" chỉ vì thấy đẹp và trang nghiêm như một cổ vật chơi trong nhà, giống như đồ gốm thời Lý, thời Trần. Nhưng cuối cùng thì họa sĩ cũng trao lại cho nhóm Nhân sĩ Hà Đông với lý do "không còn việc gì tuyệt vời hơn là dâng trả lại Sắc phong".

Clip: Nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao trả Sắc phong

Cho đến nay, nhờ sự lan tỏa việc trao trả lại Sắc phong cho đình làng nhiều địa phương, ông Trịnh Văn Sỹ và nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã mua lại được khoảng gần 20 Sắc phong. Và điều mong mỏi lớn nhất lúc này của ông Sỹ cũng như nhóm Nhân sĩ Hà Đông là kêu gọi những người có, đang giữ Sắc phong, để chơi, để làm gì đó thì hãy tặng lại cho các địa phương, hoặc liên hệ với ông Sỹ hay nhóm Nhân sĩ Hà Đông để được mua lại.

Việc thu thập sắc phong tản mát trong đời sống là rất quý. Đây là việc làm rất có ý nghĩa về mặt văn hóa, góp phần bảo tồn một trong những loại văn bản cổ có giá trị, rất quý của cha ông ta. Sắc phong không chỉ lưu giữ được mà còn tìm đến tận nơi trao trả là việc làm hiếm có, cao đẹp và tôi rất nể phục".

TS. Trương Đức Quả

Điều khiến chúng tôi và không ít người băn khoăn là Sắc phong sau khi trả lại sẽ được giữ gìn và bảo quản như thế nào để không bị tái mất trộm. Nhiều địa phương cũng lên phương án bảo vệ nghiêm ngặt với sự kết hợp giữa nhân dân và chính quyền. Nhưng theo ý kiến của NSƯT Chu Lượng thì điều quan trọng là ý thức tự giác của mỗi người. Chúng ta phải thấy được giá trị lớn của Sắc phong về mặt văn hóa và tâm linh thế nào. Mỗi người phải ý thức Sắc phong là một trong những hồ sơ gốc về văn hóa Việt, đời sống, tinh thần của người Việt, đồng thời rất thiêng liêng. Chúng ta phải truyền lại cho con cháu tính thiêng và biết sợ cái thiêng. Nếu chúng ta tin vào điều thiêng liêng quý giá đó thì mỗi người sẽ tự giác giữ gìn, không ai có thể lấy đi và đánh đổi được Sắc phong. Và đây chính là sự giữ gìn hữu hiệu nhất mà không một cái khóa nào bảo vệ Sắc phong chắc bền được như vậy.


Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 9.

Sắc phong trở thành điểm tựa tinh thần để mỗi người, dù giàu hay nghèo được sống ở ngôi làng đều thấy bản thân mình như một phần ở trong đó, như được che chở, bao bọc. Ảnh minh họa: Minh Khánh

Chúng tôi được chứng kiến có rất nhiều lời cảm ơn, sự biết ơn dành cho ông Trịnh Văn Sỹ cũng như nhóm Nhân sĩ Hà Đông. Nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại nói với chúng tôi rằng, nhóm Nhân sĩ Hà Đông cảm ơn những người hôm nay đã hiểu và quan tâm đến Sắc phong để trân trọng và tiếp tục gìn giữ. "Bởi những người hôm nay làm chúng tôi thấy rằng những điều chúng tôi làm là có ý nghĩa, là đúng đắn, là có giá trị. Còn nếu chúng tôi có sưu tầm, có trao trả mà nhân dân ở đó, chính quyền ở đó thờ ơ, thì chúng tôi thất bại".

Một suy nghĩ có vẻ hơi "ngược" nhưng ngẫm lại thì chúng tôi thấy đúng, nếu không có sự cộng hưởng, tiếp nối của những con người hôm nay về ý thức giữ gìn, trân trọng văn hóa dân tộc thì mọi công sức, mọi hành động đẹp rất dễ bị rơi vào lãng quên. Nhưng có thể trong sâu xa, chúng tôi vẫn nghĩ, đứng trước một hành xử đẹp, một ứng xử đầy văn hóa và nhân văn như thế dường như con người ta cũng có tự thấy mình cần phải tiếp tục nhân lên những điều tốt đẹp. Đó chính là cái kết có hậu được nuôi dưỡng, hình thành từ một ứng xử đẹp trong cuộc sống hôm nay.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 10.



Hiền Nguyễn
Đăng Huy
28/06/2020 00:00


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×