Kỳ I: Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê
25/06/2020 | 17:34LTS: Sắc phong không chỉ là văn bản hành chính cấp nhà nước cho phép địa phương, hay di tích tôn thờ một vị thần được công nhận mà còn mang ý nghĩa văn hóa to lớn. Tiếc rằng, không ít đình làng bị mất Sắc phong khiến cho những cuộc kiếm tìm trở nên khó khăn. Thế nhưng thời gian qua, câu chuyện về những tấm Sắc phong được trao trả về với "cố hương" lại thu hút sự chú ý của cộng đồng. Chính sự khơi dậy, trao truyền, tiếp nối ấy đã thôi thúc chúng tôi thực hiện tuyến bài này như một lời tri ân với lịch sử, với những con người đặc biệt ấy.
Kỳ I: Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê
LTS: Sắc phong không chỉ là văn bản hành chính cấp nhà nước cho phép địa phương, hay di tích tôn thờ một vị thần được công nhận mà còn mang ý nghĩa văn hóa to lớn. Tiếc rằng, không ít đình làng bị mất Sắc phong khiến cho những cuộc kiếm tìm trở nên khó khăn. Thế nhưng thời gian qua, câu chuyện về những tấm Sắc phong được trao trả về với "cố hương" lại thu hút sự chú ý của cộng đồng. Chính sự khơi dậy, trao truyền, tiếp nối ấy đã thôi thúc chúng tôi thực hiện tuyến bài này như một lời tri ân với lịch sử, với những con người đặc biệt ấy.
Cùng với triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam chấm dứt thì Sắc phong cũng tưởng chừng bị lớp bụi của thời gian phủ lên. Sắc phong vĩnh viễn trở thành một phần của lịch sử văn hóa dân tộc. Và mỗi khi ai đó nhắc đến dường như chỉ là mối bận tâm của người "có tuổi" muốn tìm hiểu về những điều xưa cũ của lịch sử. Ấy thế nhưng không phải, những câu chuyện về Sắc phong cho đến ngày hôm nay lại được khơi dậy, lại được những người đương đại quan tâm, tìm kiếm như thể đó là một mạch nguồn nối quá khứ với hiện tại, dù lúc thăng lúc trầm nhưng chưa bao giờ đứt rời.
hông ít lần về các làng quê ở nơi này nơi khác, chúng tôi nghe các cụ cao niên đau đáu rằng đình làng năm xưa được vua ban Sắc phong nên thiêng lắm. Nhưng tiếc rằng giờ đây không còn nữa, nơi thì bị mất, nơi thì bị thất lạc nên dù có nhiều đồ thờ, vật dụng quý giá nhưng thiếu Sắc phong đình làng dường như vẫn không có hồn.
Lúc đó thú thực chúng tôi chưa hiểu thật cặn kẽ Sắc phong là gì và có ý nghĩa lớn như thế nào mà khiến không ít người được sinh ra và lớn lên sau những lũy tre làng phải đau đáu tìm kiếm, thậm chí "bằng giá nào cũng phải mua lại". Thế rồi lại nghe phong thanh đâu đó rằng, Sắc phong được xếp vào hàng cổ vật, lúc nào cũng được ráo riết, săn lùng để mua với giá cao. Ấy vậy mà giữa lúc cuộc kiếm tìm Sắc phong của các đình làng tưởng chừng khó khăn, bế tắc thì lại có người sẵn sàng phát tâm dâng tặng hàng trăm Sắc phong – thành quả bao nhiêu năm tìm kiếm, sưu tầm. Những thông tin đối lập nhau nhưng đầy sự tò mò khiến chúng tôi không thể không tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện liên quan đến Sắc phong.
Cùng ngược trở lại thời gian để tìm hiểu về Sắc phong cùng với TS. Trương Đức Quả nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Hán Nôm thì được biết: Đạo sắc phong hay còn có cách gọi khác là: Sắc phong, Sắc phong thần. Đây là quyết định cấp nhà nước cho phép một địa phương, một di tích nào đó tôn thờ một vị thần và được nhà nước (vua) công nhận.
Vị TS. này cũng cho biết thêm rằng về mặt lịch sử, bắt đầu từ thời nhà Lý đã có quản lý nhà nước, phong thần nên các vị thần được tôn thờ khắp cả nước. Do đó, theo dự đoán của các nhà nghiên cứu thì có thể ngay từ thời Lý đã có Sắc phong. Vì khi có quản lý của nhà nước thì có kèm theo quyết định phong cho việc tôn thờ các vị thần ở các địa phương trong cả nước. Nhưng vấn đề lưu trữ lại do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện giờ không còn thấy Sắc phong thời nhà Lý. Các nhà nghiên cứu hiện nay chỉ tìm thấy một vài Sắc phong từ thời Lê, từ khoảng thế kỷ XV. Như vậy, về mặt nhà nước có thể thì từ nhà Lý đã có Sắc phong, còn về mặt văn bản thì từ thời nhà Lê.
Sắc phong, hay còn gọi là Đạo sắc phong, Sắc phong thần, là quyết định cấp nhà nước cho phép một địa phương, một di tích nào đó tôn thờ một vị thần và được nhà nước (vua) công nhận.
TS. Trương Đức Quả
Tìm hiểu về những vị thần được vua phong trong các Sắc phong thần, các nhà nghiên cứu cho rằng, về cơ bản có 3 loại thần: Thiên thần (thần tự nhiên: thần sấm, thần mưa…), nhân thần (những con người cụ thể có cha sinh mẹ dưỡng, có công với đất nước được nhân dân tôn thờ: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…) và một số loại thần khác. Phần lớn các vị thiên thần và nhân thần được phong sắc của nhà nước. Còn các vị thần khác ít khi được tôn vinh trừ các trường hợp đặc biệt.
Việc tôn thờ các vị thần được phong sắc, được vua ban, được nhà nước quyết định cho tôn thờ có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định đó là các vị thần chính thống, để phân biệt với những vị thần không được công nhận, phong tặng, trong đó có tà thần. Do đó, những vị thần được sắc phong tôn thờ là rất vinh dự, là chính thần.
Từ sau năm 1945 - khi triều đại phong kiến cuối cùng kết thúc, việc phong sắc của vua cũng không còn được ban tới các địa phương. Tuy nhiên không phải vì thế mà Sắc phong mất đi giá trị cũng như sứ mệnh. Sắc phong vẫn được đánh giá là văn bản đặc biệt, tồn tại từ khi được quyết định phong thần cho đến bây giờ, có giá trị nghiên cứu về văn hóa và lịch sử.
Nói đến Sắc phong là nói đến văn bản xa xưa, chúng tôi thoáng có chút lo lắng và tự đặt câu hỏi, liệu rằng ngay cả khi tìm thấy được thì có còn vẹn nguyên?. Nhưng sự lo lắng của chúng tôi dường như hơi thừa khi TS. Quả cho biết, nếu giữ được, Sắc phong có thể có độ bền lên đến 400- 500 năm là bình thường. Sở dĩ Sắc phong có được độ bền như vậy vì văn bản này được làm từ chất liệu đặc biệt, giấy dó thủ công, chịu được nhiệt, chịu được thời tiết. Thậm chí loại giấy này từng được cung tiến, làm quà tặng giao bang giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù có độ bền với thời gian như vậy nhưng đến nay không phải địa phương nào cũng giữ được Sắc phong kể từ khi được vua ban. Tình trạng Sắc phong tại các địa phương bị mất, bị thất lạc không phải là hiếm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất lạc Sắc phong tại các địa phương như: thiên tai, chiến tranh, cá nhân muốn sở hữu riêng, mất trộm vì buôn bán... Sự thất lạc này khiến nhiều người ở địa phương khá đau đáu, muốn đi tìm lại nhưng chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào - nhất là văn bản Sắc phong viết bằng chữ Hán - Nôm, cần phải có chuyên gia dịch nghĩa.
Trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn) được ông chia sẻ, Sắc phong của nước ta còn thể hiện văn hóa phong thần mà rất ít quốc gia có như Việt Nam. Ngoài ý nghĩa về mặt văn hóa cũng như lịch sử thì Sắc phong còn là một dạng cổ vật. Ông cũng khẳng định có tồn tại việc buôn bán Sắc phong, và phần lớn Sắc phong được bán sang Trung Quốc. Lý do là nhiều thời phong kiến Trung Quốc muốn đồng hóa đất nước ta, muốn đồng hóa dân tộc Việt Nam. Để đồng hóa thì đồng hóa đầu tiên là họ phải xóa đi tận gốc văn hóa của dân tộc. Bởi nếu không đồng hóa được một cộng đồng bằng cách xóa đi "gốc văn hóa" của con người đó, của cộng đồng đó thì mọi cuộc xâm lăng đều thất bại. Và một trong những việc đồng hóa dân tộc, xóa dần yếu tố văn hóa gốc của người Việt là mua lại, hoặc tiêu hủy Sắc phong. Thậm chí trong tài liệu "Tổng quan về một giai đoạn văn học gần năm trăm năm lịch sử" của nhà nghiên cứu văn học dân gian Vũ Bình Lục có nói đến việc Trung Quốc phong kiến tìm mọi cách để xóa đi các di sản văn hóa Việt - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cung cấp thêm thông tin cho chúng tôi.
Clip: Người dân thôn Phương Mạc, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội nói về việc đình làng bị mất Sắc phong hơn 10 năm
Sắc phong của nước ta còn thể hiện văn hóa phong thần mà rất ít quốc gia có như Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Từ trước đến nay, việc buôn bán Sắc phong dù rất nhức nhối nhưng vẫn âm thầm diễn ra. Theo tiết lộ của một số người am hiểu về lĩnh vực này thì một Sắc phong có giá dao động từ chục đến hàng trăm triệu đồng tùy vào niên đại. Vì thế nếu quy ra mức vật chất thông thường, Sắc phong khá có sức hấp dẫn đối với những người không coi trọng và hiểu rõ giá trị văn hóa, chỉ muốn tư lợi cho túi tiền của mình.
Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp, vì loạn lạc chiến tranh, vì sự trao truyền bị đứt gãy, vì sự yêu thích muốn sưu tầm và cùng nhiều nguyên nhân khác mà một số cá nhân lại có trong tay Sắc phong. Tuy nhiên họ chỉ biết đây là một thứ đồ cổ, không rõ giá trị thực như thế nào và lưu giữ cho riêng mình.
ắc phong quý và thiêng liêng như vậy nên địa phương nào còn lưu giữ được là rất đáng trân trọng và ý nghĩa đối với các thế hệ. Ấy vậy mà ở Đa Sỹ ( phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) lại có ông Trịnh Văn Sỹ sưu tầm được hơn 200 Sắc phong.
Hẳn nhiều người sẽ thấy kỳ lạ và không thể không đặt ra câu hỏi rằng một người như ông Sỹ, không phải nhà nghiên cứu văn hóa, thậm chí cũng không công tác trong lĩnh vực liên quan đến văn hóa, không mưu cầu kinh tế… thì sưu tầm Sắc phong để làm gì? Đem câu hỏi này đặt ra với ông Sỹ thì được ông chia sẻ: Việc sưu tầm Sắc phong là một cơ duyên khó lý giải. Ông bùi ngùi như lật giở lại quá khứ kể lại, đó là vào khoảng năm 2008, trong một cửa hàng ở đường Âu Cơ, ông thấy một người có Sắc phong và muốn bán. Khi người đó giở Sắc phong ra cho ông xem thì ông giật mình vì thấy lạ và đẹp quá. Lần đầu tiên được nhìn thấy Sắc phong ông nghĩ đây không khác gì một tác phẩm nghệ thuật. Người đó cũng giới thiệu cho ông qua về Sắc phong. Ông nhận ra, đây là một thứ văn bản cổ, nếu từng được vua ban thì không phải phổ biến và là trường hợp đặc biệt.
Mặc dù lúc đó ông không biết chữ trên văn bản nhưng nghĩ chắc chắn nó có giá trị văn hóa nên mua. Với ông, đơn giản chỉ mua là để giữ gìn, mua để không cho người khác có cơ hội tiếp tục... mua đi bán lại nữa. Từ sau lần đó ông cứ âm thầm lặng lẽ, bền bỉ tìm hiểu thêm về giá trị ý nghĩa văn hóa, lịch sử của Sắc phong. Và điều thú vị là càng tìm hiểu ông càng nhận ra giá trị cũng như sự linh thiêng của Sắc phong. Không ít Sắc phong được ông "mua lại" của người dân và cả của người buôn bán. Cũng có lúc, dù thiết tha muốn mua lại Sắc phong nhưng ông bất lực nhìn người bán mang đi vì họ đưa ra một cái giá quá cao, gấp 5,6 lần bình thường khiến ông rất buồn.
Không chỉ dừng ở việc mua lại Sắc phong, ông Trịnh Văn Sỹ còn có những ứng xử đáng trân trọng một cách hiếm có khiến nhiều người khâm phục. Ngoài gìn giữ Sắc phong cẩn thận để có thể giữ được lâu bền, không bị hư hỏng vì thời gian hay ngoại cảnh, ông còn "giải mã" cặn kẽ từng Sắc phong mình đang sưu tầm với sự giúp sức của TS. Trương Đức Quả nhằm giải nghĩa và lập hồ sơ. Nếu Sắc phong nào bị rách hoặc mất chữ ông lại đem ra viện Hán Nôm phục chế và "can lại" với kinh phí còn cao hơn khi giải nghĩa. Nhưng tất cả những điều đó không khiến ông quá bận lòng và làm một cách tự nguyện như thể đấy là trách nhiệm của mình.
Để có được bộ sưu tầm trên 200 Sắc phong phần lớn là do công sức của ông Trịnh Văn Sỹ. Bên cạnh đó, phải kể đến sự giúp sức của những người bạn trong Nhóm Nhân sĩ Hà Đông bao gồm các nhà văn hóa, doanh nhân và nghệ sĩ. Nhóm bạn không chỉ cùng ông sưu tầm Sắc phong, cùng nhau góp tiền chi trả việc mua lại mà còn cùng ông giữ gìn, nhận ra giá trị, ý nghĩa của đạo Sắc phong để cuối cùng trao trả cho địa phương.
Theo đánh giá của TS. Trương Đức Quả, khi tiếp cận với các Sắc phong do ông Sỹ sưu tầm gửi đến thì văn bản có niên đại lâu nhất cách đây khoảng 300 năm, gần nhất khoảng hơn 100 năm, chủ yếu của thời Lê và thời Nguyễn.
Ông Trịnh Văn Sỹ cùng nhóm Nhân sĩ Hà Đông cẩn thận cuộn lại những Sắc phong trước khi trao trả cho địa phương
Đã có không ít trường hợp năm xua từng bán cho ông Trịnh Văn Sỹ Sắc phong, nghe tin ông sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm Sắc phong đã ngỏ ý muốn mua lại với giá gấp đôi so với trước kia. Thử nhẩm tính sơ sơ, nếu việc "mua lại" được diễn ra thì với hàng trăm Sắc phong cũng mang về cho ông một khoản tiền khá lớn, đồng thời cũng chấm dứt những ngày dày công tìm kiếm, sưu tầm, dịch nghĩa… Thế nhưng, trước những lời đề nghị mua bán vật chất đầy cám dỗ đó, ông đều lắc đầu từ chối. Cái tâm, cái tình của ông với Sắc phong không chỉ dừng lại ở đó. Chẳng giữ riêng cho mình, nhiều năm qua ông tiếp tục hành trình mới cho những bản Sắc phong. Ấy là ông đã lặn lội tìm về "quê hương" của những bức Sắc phong bị thất lạc để phát tâm công đức, trao trả lại mà không màng đến tiền bạc, vật chất.
Có những địa phương ban đầu nghe tin ông có Sắc phong của làng mình đã gọi điện riêng cho ông hỏi thật "kinh phí" hết khoảng bao nhiêu để còn chuẩn bị, được ông nói ngay rằng sẽ trao trả hoàn toàn miễn phí nếu đúng Sắc phong địa phương bị thất lạc mà ông đang có trong tay. Và thủ tục vô cùng đơn giản là chỉ cần có giấy giới thiệu của địa phương để chứng minh người nhận không phải mạo danh sẽ được nhận lại Sắc phong.
Cho đến nay, đã có hơn mười địa phương được ông trao lại Sắc phong. Mỗi khi được chứng kiến sự xúc động, vui mừng của đại diện các địa phương về nhận lại cũng như tận tay trao trả những Sắc phong từng gắn bó với ông bao nhiêu năm được "hồi hương", trở về đúng nơi vốn có ông càng cảm nhận thấy sự linh thiêng cũng như giá trị vô giá của văn hóa cha ông. Và những lần như thế, ông lại cảm thấy vui và thêm khẳng định việc trả Sắc phong về lại với những làng quê bình dị, với con người lam lũ nhưng đã trải qua biết bao thăng trầm của loạn lạc chiến tranh là quyết định chưa bao giờ sai hay phải hối tiếc.
"Tôi nghĩ đây là văn bản cổ, rất quý, vừa chứa đựng văn hóa, vừa chứa đựng tâm linh, thậm chí thiêng liêng, nhất là đối với các vị thần đã được vua phong tặng ở mỗi địa phương. Họ đã trở thành các vị thần ở làng, hay ở những nơi thờ tự nên tôi nghĩ phải trả về nơi đã được phong tặng đó" – ông Trịnh Văn Sỹ không chút đắn đo khi quyết định trả lại vô điều kiện "gia tài" Sắc phong mình sưu tầm cho các địa phương như một cách trả lại sự linh thiêng nơi thờ tự của nhiều địa phương trên cả nước.
Có thể ai đó trong chúng ta khi phải đối mặt với gánh nặng của cơm áo gạo tiền mà thoáng chút nghĩ người như ông Trịnh Văn Sỹ là "dại", nhưng khi nghe ông bảo việc sưu tầm và được trả lại Sắc phong cho nhiều nơi là "cái phúc" lớn của ông, của dòng họ ông và bạn bè ông thì chắc hẳn họ sẽ suy nghĩ lại. Cuộc sống tồn tại và phát triển đôi khi không thể cân đong đo đếm bằng tiền bạc. Và trong cuộc sống hôm nay, nếu không có những người ứng xử một cách nâng niu, trân trọng, đầy tự hào về một phần văn hóa dân tộc như ông Sỹ thì làm sao có những cuộc "hồi hương" Sắc phong đầy thiêng liêng và xúc động?. Bởi mỗi cuộc trở về của Sắc phong, làng quê như được tìm lại linh hồn, để các vị thần che chở, bao bọc con dân cho nhiều thế hệ được tiếp nối, phát triển bền vững.