Kinh nghiệm phát triển áo dài trong đời sống đương đại của tỉnh Thừa Thiên Huế
02/10/2024 | 13:57Áo dài là một di sản đặc biệt của dân tộc Việt Nam, nó vốn thuộc về cộng đồng và được cộng đồng trân quý, gìn giữ qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Vì vậy, trước những việc tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện đã góp phần làm "sống lại" áo dài và đưa di sản áo dài thực sự trở lại với đời sống cộng đồng xã hội đương đại, khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo vệ, quảng bá, tôn vinh và phát huy giá trị di sản quý giá này.
Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa di sản lớn của đất nước, nơi đây được mệnh danh là cái nôi khai sinh ra chiếc áo dài ngũ thân, một loại trang phục từng được quy định là quốc phục của người Việt Nam trong hàng trăm năm dưới triều Nguyễn (1802-1945). Ngoài ra, Cố đô Huế còn được xem là địa phương nổi tiếng với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ngày 9/8/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL ghi danh "Tri thức may, mặc áo dài Huế" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án "Huế - Kinh đô áo dài". Với quyết tâm và phương pháp triển khai một cách bài bản, đề án đã đạt được những thành công lớn, góp phần khai thác các thế mạnh về văn hóa, con người Huế; phát triển ngành công nghiệp văn hóa và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết: Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" được UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt vào tháng 3/2023, tuy nhiên ngay từ thời điểm tháng 8/2021, khi Đề cương của Đề án này vừa được phê duyệt, Sở Văn hóa và Thể thao đã bắt tay vào việc triển khai các nội dung liên quan. Từ năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiên phong phát động mặc áo dài cho toàn thể cán bộ trong các lễ chào cờ đầu tháng và dịp lễ hội, lễ Tết, các sự kiện văn hóa truyền thống. Đây cũng là cơ quan đầu tiên trên cả nước đưa áo dài vào công sở.
Sở Văn hóa và Thể thao đề ra việc tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần Ngày hội áo dài. Đây là sự kiện quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế và nhận được sự tham gia đông đảo của nhân dân. Các điểm trưng bày, trình diễn áo dài, cơ sở may đo áo dài phục vụ nhu cầu của khách du lịch cũng được xây dựng. Cùng với đó, đội ngũ nghệ nhân, thợ may đo thiết kế áo dài được đào tạo, bồi dưỡng, phát triển một cách thường xuyên. Hội LHPN các cấp tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tập trung xây dựng hình ảnh, thương hiệu phụ nữ Huế gắn với áo dài Huế với việc thành lập và ra mắt mô hình áo dài "Phụ nữ Thừa Thiên Huế - đồng hành cùng sắc tím".
Bên cạnh đó, khối du lịch, dịch vụ, quản lý di tích và các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Sở Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Hiệp hội Du lịch, Hội May mặc, Hội Áo dài Huế đã đồng hành để áo dài Huế nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ. Trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động giới thiệu, quảng bá thương hiệu "Huế - Kinh đô áo dài" bằng việc thực hiện 2 chương trình "Lễ hội Áo dài & Điện ảnh" và "Người Huế & Áo dài" gồm những bộ sưu tập độc đáo về áo dài ngũ thân, áo dài tân thời lấy cảm hứng từ các diễn viên, bộ phim, bối cảnh Huế và điện ảnh Việt Nam.
Sau khi phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào các hoạt động quan trọng của ngành. Tại lễ tôn vinh học sinh danh dự trong năm học 2019-2020, 2021-2022, 2022-2023 hàng trăm thầy cô giáo và các em học sinh đã mặc áo dài truyền thống, tạo nên bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa giàu bản sắc văn hóa. Các trường THCS Chu Văn An, trường Tiểu học Quang Trung… đã tổ chức thi vẽ, thiết kế, trình diễn thời trang về áo dài. Ngoài ra, với nỗ lực lan tỏa tình yêu áo dài trong giới trẻ một cách thiết thực, Hội May mặc Huế đã tài trợ áo dài ngũ thân cho học sinh của 03 lớp học bậc Trung học phổ thông của 03 trường: trường THPT thuộc trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trường THPT Nguyễn Huệ, trường THPT Gia Hội. Các em học sinh sẽ mặc áo dài ngũ thân không chỉ trong các nghi lễ của nhà trường mà còn mặc nhiều ngày trong tuần (2-3 ngày/ tuần, tùy theo quy định từng trường).
Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với UBND thành phố Huế đăng ký bảo hộ thành công Chứng nhận nhãn hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài". Đồng thời xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Huế - Kinh Đô Áo dài" cho các sản phẩm áo dài tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục đích Quy chế nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân thiết kế, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm áo dài trên địa bàn tỉnh để cùng xây dựng nhãn hiệu tập thể "Huế - Kinh đô Áo dài" trở thành một nhãn hiệu có uy tín trên thị trường góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các tổ chức, cá nhân thiết kế, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm áo dài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cũng theo ông Phan Thanh Hải, hiện nay, Thừa Thiên Huế đang thúc phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng. Bởi, công nghiệp văn hóa áo dài sẽ mở ra nhiều khía cạnh khác như sản phẩm lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật… Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.
Có thể nói, áo dài là một di sản đặc biệt của dân tộc Việt Nam, nó vốn thuộc về cộng đồng và được cộng đồng trân quý, gìn giữ qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Vì vậy, trước những việc tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện đã làm "sống lại" áo dài và đưa di sản áo dài thực sự trở lại với đời sống cộng đồng xã hội đương đại, khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo vệ, quảng bá, tôn vinh và phát huy giá trị di sản quý giá này. Đó là một bài học thiết thực, sâu sắc và hiệu quả nhất trong việc phát triển áo dài trong bối cảnh hiện nay./.