Kiên Giang tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ
27/01/2022 | 16:04Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn hai 2022-2027 (gọi tắt là Đề án 938), Ban Chỉ đạo Đề án vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 938 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Việc triển khai thực hiện Đề án nhằm tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng và phát huy vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.
Về chỉ tiêu cụ thể trong năm 2022, phấn đấu có 110.000 trở lên hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó 60% thực hiện chuyển đổi hành vi. Có 90% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai Đề án được bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội ưu tiên. Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ 800 đối tượng phụ nữ thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được lựa chọn tác động có chuyển biến tích cực về hành vi. Phấn đấu có ít nhất 32.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực. Hàng năm, không để xảy ra các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) không lên tiếng kịp thời. Phấn đấu nhân rộng 25 xã, phường, thị trấn xây dựng ít nhất 01 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội ưu tiên có thể nhân rộng; qua đó làm cơ sở để đề xuất chính sách.
Kế hoạch tập trung chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, gồm: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, phát hành các tài liệu tuyên truyền phù hợp với các đối tượng phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, như: Giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục làm cha mẹ, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới; mất cân bằng giới tính khi sinh; an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình; chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ; xây dựng gia đình hạnh phúc… Đa dạng hóa nội dung, hình thức, kênh truyền thông, giáo dục tại cộng đồng phù hợp với từng nhóm đối tượng theo phạm vi can thiệp của Đề án; mỗi huyện, thành phố tổ chức ít nhất 01 sự kiện truyền thông xã hội, vận động phụ nữ tham gia giải quyết vấn đề xã hội ưu tiên; xây dựng các thông tin chuyên đề, các sản phẩm đặc thù về rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ, phòng chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với các nhóm đối tượng. Phát hiện, xây dựng các điển hình tốt, cách làm hiệu quả để truyền thông, nhân rộng; chú trọng truyền thông bằng điển hình tích cực và thực hiện tư liệu hóa mô hình, điển hình, cách làm hay trong quá trình truyền thông. Nâng cao chất lượng và phát huy mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên tại cộng đồng trong chuyển tải thông điệp truyền thông của Đề án nhất là về giáo dục phẩm chất đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục làm cha mẹ, an toàn thực phẩm; phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới đến các nhóm đối tượng phụ nữ khác nhau, vận động, hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi hành vi. Tổ chức các cuộc hội nghị, tọa đàm, họp mặt điển hình phụ nữ tiêu biểu về tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ.
Xây dựng, duy trì, nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ; rà soát, đánh giá mô hình thí điểm tại 6 xã: Phú Lợi (huyện Giang Thành), Thạnh Yên A (U Minh Thượng), Vĩnh Phú (Giồng Riềng), Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao), Bình Giang (Hòn Đất); duy trì nâng cao hiệu quả, xây dựng mới các mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng, “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” phù hợp ở các địa phương. Kết nối với các nhà tạm lánh để bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình tại địa phương. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng trong toàn quốc (1900 969 680) trên Trang thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh và mạng xã hội; phối hợp chặt chẽ các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới một cách bền vững. Thí điểm xây dựng mô hình tổ tư vấn, câu lạc bộ tư vấn cộng đồng hỗ trợ phù hợp với các nhóm đối tượng phụ nữ…
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan: Rà soát, kiện toàn đội ngũ giảng viên nguồn cấp tỉnh, báo cáo viên các cấp…; cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, tuyên truyền viên và cán bộ Hội các cấp, hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Đưa nội dung hoạt động Đề án về giáo dục đạo đức, giáo dục ý thức pháp luật; phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới; mất cân bằng giới tính khi sinh; giáo dục cha, mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em; chăm sóc sức khỏe phụ nữ; xây dựng gia đình hạnh phúc lồng ghép vào các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của các sở, ban, ngành và tập huấn nghiệp vụ công tác Hội của Hội LHPN các cấp.
Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội; nghiên cứu, đề xuất chính sách; giám sát việc thực thi pháp luật về các chủ đề của Đề án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc vận động nguồn lực để triển khai các hoạt động của Đề án.
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Đề án 938 yêu cầu việc triển khai phải dựa trên quan điểm lấy phụ nữ làm trung tâm là chủ thể hành động và là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan tới phụ nữ phải gắn với nhu cầu và mong muốn của phụ nữ. Các hoạt động triển khai Đề án đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò các cơ quan, tổ chức; tập trung hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; quan tâm các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ và trẻ em yếu thế ở địa bàn trọng điểm, các vấn đề xã hội khác của địa phương…/.
Theo Sở VHTT Kiên Giang