Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiên Giang: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

10/04/2019 | 10:54

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 53-CTr/TU, ngày 27/8/2014 của Tỉnh ủy "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" trên địa bàn tỉnh, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư, xây dựng. Sự phát triển của khoa học công nghệ, truyền thông, sự hội nhập văn hóa… cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.

Kiên Giang: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - Ảnh 1.

Các đại biểu xem biểu diễn văn nghệ tại buổi họp mặt

Hoạt động văn hóa, văn nghệ đã trở nên phong phú, đa dạng, bắt nhịp với cuộc sống, được nhân dân đón nhận và đồng tình hưởng ứng. Hiện nay, toàn tỉnh có 8/15 Trung tâm văn hóa huyện, thành phố; 60/145 trung tâm văn hóa xã, phường, 02 nhà văn hóa ở 2 xã đặc biệt khó khăn; 01 thư viện vùng biên giới và dùng đồng bào dân tộc; 139/957 nhà văn hóa gắn với trụ sở làm việc của các khu phố, ấp; 01 thư viện tỉnh, 13 thư viện huyện, thành phố; 136/145 điểm Bưu điện văn hóa xã; 100 phòng, điểm đọc sách xã, ấp, tủ sách gia đình và vài điểm chùa Khmer với gần 200.000 bản sách; 2 bảo tàng (1 của Nhà nước, 1 của tư nhân với hơn 20 ngàn hiện vật); 200 tổ, đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, đờn ca tài tử; 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp; 544 cơ sở luyện tập thể thao các môn… phong trào thể dục thể thao quần chúng được đẩy mạnh, toàn tỉnh có khoảng 27% dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Qua đó, đã khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực đầu tư xây thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua phong trào, tính tự quản cộng đồng được phát huy; kỷ cương pháp luật, trật tự xã hội được giữ vững, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, cảnh quan môi trường được quan tâm xây dựng xanh, sạch, đẹp. Toàn tỉnh hiện có 367.788/403.034 hộ gia đình văn hóa, đạt 91,25%; 884/957 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa, đạt 92,37%; 51/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 43,59%; 1.695/1.836 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 93,32%. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của từng địa phương được duy trì và phát huy.

Kiên Giang: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - Ảnh 2.

Triển lãm sách nhân ngày Ok Om Bok tinh Kiên Giang

Cùng với đó, việc đầu tư tôn tạo, tu bổ các di tích văn hóa lịch sử được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ngày càng được bảo vệ, đầu tư nhiều hơn cả nhân lực, vật lực để giữ gìn những giá trị vốn có của di sản văn hóa. Các ngành, các cấp đã sưu tầm, bổ sung nhiều tư liệu, hình ảnh hiện vật có giá trị phục vụ khách quam quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 56 di tích, gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh. Các lễ hội văn hóa truyền thống được khôi phục, bảo tồn và phát huy hiệu quả, đặc biệt là lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (TP. Rạch Giá), Lễ hội Nghinh Ông ở xã Lại Sơn (Kiên Hải), Lễ hội Óc Om Bok ở Gò Quao, Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các (TP. Hà Tiên)… được tổ chức ngày càng quy mô, lan tỏa.

Tiếp đến, công tác đối ngoại thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quảng bá giới thiệu hình ảnh Kiên Giang ra nước ngoài có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả kích lệ, thông qua sự kiện Năm Du lịch quốc gia Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016, Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới năm 2017… góp phần quảng bá về văn hóa cũng như hình ảnh thân thiện, mến khách của Kiên Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế, có tác động tích cực trong việc hợp tác các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang và Đoàn Nghệ thuật Khmer tham gia biểu diễn phục vụ các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Kiên Giang; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với các tỉnh, thành thuộc Vương quốc Campuchia, đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam và Campuchia.

Hoạt động văn học-nghệ thuật được triển khai thực hiện với nhiều hình thức góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực trong các hoạt động sáng tác và có nhiều tác phẩm chất lượng, một số đạt giải cao trong nước, khu vực và quốc tế. Các tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật đã góp phần tích cực vào công tác quảng bá, giới thiệu về vùng đất, hình ảnh con người Kiên Giang đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức được 45 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho 1.714 cán bộ, cộng tác viên làm công tác văn hóa, nội dung chương trình gồm: Kỹ năng xây dựng đời sống vùng đồng bào Khmer; kiến thức dàn dựng chương trình văn nghệ tổng hợp; kiến thức về quản lý di tích, danh lam thắng cảnh, bảo quản hiện vật, di vật, cổ vật trong các di tích, nơi thờ tự; nghệ thuật dẫn chương trình, thuyết minh; múa dân gian; đờn ca tài tử; phương pháp tổ chức hoạt động Trung tâm văn hóa thể thao các huyện, xã và khu văn hóa thể thao ấp… Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa được các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp hàng tỷ đồng tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh, đất nước; xây dựng cơ sở vật chất thiết chế văn hóa cơ sở, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, cổ động trực quan góp phần tổ chức thành công hoạt động văn hóa trong toàn tỉnh.

Kiên Giang: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - Ảnh 3.

Các em nhỏ tham gia đọc sách tại gian hàng triển lãm nhân dịp lễ Ok Om Bok tại Gò Quao

Hiện nay, các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập như năng động, cởi mở, thân thiện, hợp tác, chia sẻ, thích ứng nhanh với cái mới, khát khao làm giàu… đang hình thành và được khẳng định; giao lưu hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng, góp phần phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy dân chủ, xã hội hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Do đó, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Kiên Giang toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần, là động lực cho sự phát triển xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh.

Chính vì vậy, chúng ta cần phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng, hình thành các giá trị mới của con người Kiên Giang, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tự trọng, tự chủ, sống nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, có trí thức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm công dân, tuân thủ pháp luật, có tinh thần đoàn kết cao, khảng khái, khoan dung, thân thiện, có ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời, từng bước khắc phục những khuyết điểm trong một bộ phận cư dân, như tính hẹp hòi, cố chấp, thụ động, cứng nhắc, thiếu hợp tác, ý thức lao động thấp.

Đây không phải là mục tiêu xa nhưng để thực hiện có hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có chất lượng; đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng, phát triển văn hóa con người Kiên Giang.

Quốc Tuấn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×