Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiên Giang nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa

17/08/2021 | 16:15

Từ khi Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” được ban hành cho đến nay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt nhiều kết quả thiết thực, từng bước nâng cao nhận thức, thu hút sự tham gia của các hộ gia đình, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Từ khi Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” được ban hành cho đến nay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt nhiều kết quả thiết thực, từng bước nâng cao nhận thức, thu hút sự tham gia của các hộ gia đình, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Gia đình là một thiết chế xã hội có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, là cái nôi nuôi dưỡng, xây dựng và phát triển nhân cách con người phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng và dành nhiều nguồn lực cho công tác xây dựng, phát triển đời sống văn hóa gia đình, đặc biệt là luôn quan tâm chỉ đạo phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa, giúp cho phong trào ngày càng đi vào đời sống, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng gia đình, từng địa phương.

Kiên Giang nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lưu Trung – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2000-2020. Ảnh: Trần Ánh Nhung.

Trải qua 20 năm thực hiện phong trào (giai đoạn 2000 - 2020), tỉnh Kiên Giang đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, nhất là từ khi Nghị định số 122/2018/NĐ-CP được ban hành, phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại tỉnh nhà được cụ thể hóa và ngày càng đạt chất lượng đáng ghi nhận. Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện phong trào được Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) các cấp quan tâm thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về tầm quan trọng và lợi ích mà phong trào mang đến. Vai trò của cấp cơ sở trong công tác vận động các hộ gia đình tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện phong trào từng bước được nâng cao, công tác bình xét và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa nhìn chung thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đánh giá đúng người, đúng việc. Số lượng gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm đều tăng so với năm trước; năm 2020, toàn tỉnh có 378.070/416.201 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 90,84% (tăng 0,11% so với năm 2019). Qua thực hiện các tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với cộng đồng xã hội ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, ý thức tự giác chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của người dân ngày càng được cải thiện, đảm bảo trật tự kỷ cương, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Dưới tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ máy tính đã đặt ra nhiều thách thức, khó khăn trong công tác xây dựng gia đình văn hóa. Một số giá trị truyền thống về đạo đức, lối sống của gia đình đang có nguy cơ phai nhạt. Tình trạng ly hôn ngày càng tăng dẫn đến hình thành nhiều mô hình gia đình mới như: gia đình đa huyết thống (anh em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha), mô hình gia đình khuyết (thiếu cha hoặc thiếu mẹ)…, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý và tính cách của trẻ nhỏ. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em tuy có giảm về số lượng nhưng mức độ vi phạm còn nghiêm trọng. Vai trò của Ban Vận động một số ấp, khu phố chưa được phát huy triệt để, khả năng tuyên truyền vận động, thuyết phục Nhân dân còn có mặt hạn chế. Công tác bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa một số nơi chưa thực sự đảm bảo đúng quy trình, còn mang tính hình thức, nể nang, thiếu tính dân chủ; một bộ phận Nhân dân còn thờ ơ, chưa thấy được ý nghĩa thiết thực của phong trào trong đời sống hiện nay...

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2000 - 2020, ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xác định: “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa là yếu tố then chốt để phong trào TDĐKXDĐSVH đạt kết quả tốt và ngày càng phát triển sâu rộng; đồng thời cũng là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa khác”. Chính vì thế, để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng đạt hiệu quả, chất lượng, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về phong trào xây dựng gia đình văn hóa nói riêng và phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nội dung tuyên truyền cần phải rõ ràng, thiết thực, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận, để Nhân dân thấy được những lợi ích mà phong trào mang lại cho gia đình và cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của mỗi cá nhân, gia đình trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ truyền tải chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, vận động Nhân dân thực hiện tốt tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa và các phong trào thi đua khác.

Kiên Giang nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa - Ảnh 2.

Hội thi Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững là hoạt động tổ chức hàng năm, thu hút sự tham gia tích cực của các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên toàn tỉnh - Ảnh: Quỳnh Như

Thứ hai, chú trọng xây dựng và biểu dương các điển hình tiên tiến, các gia đình văn hóa tiêu biểu, nhân rộng việc làm tốt, mô hình hay trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội nhằm tạo hiệu ứng tích cực, người thật việc thật, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình sinh hoạt hội, nhóm, câu lạc bộ tuyên truyền trên toàn tỉnh nhằm trực tiếp đưa những chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với từng gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xây dựng gia đình văn hóa no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Thứ ba, cần quan tâm đến yếu tố phát triển kinh tế gia đình trong quá trình đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Bởi thực tế cho thấy, khi kinh tế gia đình phát triển ổn định không chỉ giúp con người có tinh thần tham gia các hoạt động xã hội mà còn đáp ứng được những nhu cầu như ăn, mặc, ở, đi lại, vui chơi, giải trí, ngay cả việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ cũng có chất lượng hơn. Do đó, cần hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, đảm bảo điều kiện cho phát triển kinh tế hộ gia đình trên cơ sở chủ trương của Trung ương, tạo động lực giảm nghèo bền vững của Nhân dân. Thực hiện nghiêm túc, trung thực, minh bạch trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo đúng quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân, kiên quyết loại bỏ tâm lý sợ thoát nghèo, sợ mất những quyền lợi được thụ hưởng. Có như vậy, các chính sách xóa đói giảm nghèo mới thực sự có giá trị và ý nghĩa, giúp nâng cao mức sống, mức hưởng thụ vật chất, tinh thần cho mọi gia đình.

Thứ tư, cần xác định phong trào xây dựng gia đình văn hóa và công tác gia đình là hai lĩnh vực không thể tách rời, được thực hiện lồng ghép với nhau. Trên thực tế, các tiêu chí thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa đều được xây dựng trên cơ sở giá trị văn hóa gia đình, đạo đức, lối sống, những hành vi, chuẩn mực của các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với cộng đồng xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về gia đình và phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Ngoài ra, thường xuyên chủ động tiếp thu ý kiến của cấp cơ sở và kịp thời điều chỉnh các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa khi không còn phù hợp, gây trở ngại, khó khăn trong quá trình thực hiện phong trào.

Thứ năm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp, đặc biệt là vai trò của Ban Vận động các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện phong trào tại cơ sở. Thực hiện nghiêm túc quy trình đăng ký và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa tại địa phương trên tinh thần công khai, minh bạch, đánh giá đúng người, đúng việc. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác triển khai việc đăng ký và bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa ở cơ sở nhằm đảm bảo phong trào được triển khai theo đúng quy định, quy trình và đạt hiệu quả cao.

Thứ sáu, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức phụ trách phong trào ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức tập huấn triển khai thực hiện phong trào, tập huấn chuyên đề có liên quan đến công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, các chương trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội nhằm giúp cán bộ, công chức, cộng tác viên cơ sở, Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ, hội, nhóm bổ sung kiến thức kỹ năng xử lý mâu thuẫn, khả năng thuyết trình, tuyên truyền, tư vấn, can thiệp, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy ước cộng đồng của các hộ gia đình. Đảm bảo nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, vận động Nhân dân tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Thực hiện đồng bộ công tác xã hội hóa, vận động đóng góp ủng hộ nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, khen thưởng các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, đóng góp quỹ hỗ trợ giảm nghèo bền vững tại địa phương; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ, yêu cầu xuyên suốt trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước. Chính vì thế, trong công tác thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Kiên Giang cần có sự phối hợp thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia trên tinh thần tự giác, tự nguyện. Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào việc triển khai, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tích cực phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa toàn diện, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.

Theo Sở VHTT Kiên Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×