Kiên Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư
05/11/2020 | 16:32Ngày 04/11/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND, Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và văn bản về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mà một trong những văn bản tạo ra bước ngoặt tạo chuyển biến căn bản trong giai đoạn hiện nay chính là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị số 32-CT/TW).
Ngày 04/11/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND, Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
Nhằm kịp thời tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận số 80-KL/TW, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW, đáp ứng yêu cầu triển khai công tác công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong tình hình mới.
Theo đó, Kế hoạch đã xác định 07 nhiệm vụ giải pháp cụ thể: Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai công tác PBGDPL; Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn; Tổ chức triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn, lĩnh vực trong phạm vi toàn tỉnh, có trọng tâm, trọng điểm; Hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ; Tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL; Kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL; Tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Bên cạnh đó, Kế hoạch đã quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Sở Tư pháp là cơ quan pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện Kế hoạch, định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai và kiến nghị, đề xuất các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện Kế hoạch đồng bộ, hiệu quả. Sở Tài chính thường xuyên rà soát, đôn đốc, hướng dẫn cụ thể việc bố trí kinh phí triển khai công tác PBGDPL cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương.
Trong một diễn biến liên quan, để việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2020 có chất lượng, hiệu quả theo tinh thần Công văn số 1236-CV/TU ngày 02-10-2020 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; tiếp tục lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong Nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã xác định một số định hướng lớn để các cơ quan, đơn vị và địa phương cần tập trung tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật với nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật, lựa chọn nội dung pháp luật để thông tin, phổ biến thiết thực, phù hợp, trong đó tập trung vào giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.
Thứ hai, tập trung phổ biến nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành có hiệu lực năm 2019, năm 2020; các quy định pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; những vấn đề dư luận, người dân, xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, vấn đề nóng trong xã hội, trọng tâm các lĩnh vực: cải cách hành chính; lao động; đầu tư; phòng, chống tham nhũng; lãng phí; khiếu nại; tố cáo; bảo vệ môi trường; đất đai; an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh; cháy nổ; phòng, chống tác hại của rượu bia, thuốc lá; giao thông đường bộ; biên giới, hải đảo; xử lý vi phạm hành chính;...
Thứ ba, tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật hướng mạnh về cơ sở, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị và đoàn thể trong triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Xây dựng và phát triển các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiệu quả, thiết thực gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, đồng bào dân tộc, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để mọi người đều được tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật.