Phổ biến, giáo dục pháp luật

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và những câu hỏi thực hành

05/11/2012 | 01:38

(VP)- Thông tư quy định việc Kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký ban hành ngày 30 - 6 - 2010 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15 - 8 - 2010. Để giúp bạn đọc và đồng nghiệp tiếp cận với công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, một vấn đề còn rất mới, chúng tôi xin giới thiệu những khái niệm, nội dung cơ bản và biện pháp, phương pháp thực hiện thông tư này.

Di sản văn hóa phi vật thể là gì?

Mười lăm năm về trước, ở Việt Nam chưa mấy ai biết đến thuật ngữ “di sản văn hóa phi vật thể”. Thuật ngữ này lần đầu được sử dụng trong Luật Di sản văn hóa (2001). Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đã đưa ra khái niệm mới: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng; không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.” 

Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là gì?

Luật Di sản văn hóa năm 2001 không có thuật ngữ “kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể”. Kiểm kê được hiểu là “điều tra”, “sưu tầm”. Bảy năm sau, thuật ngữ này và một số nội dung mới về di sản văn hóa phi vật thể đã được bổ sung trong Luật Sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 “Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa”. Mục tiêu tổng quát của kiểm kê là để bảo vệ di sản. Hoạt động cụ thể của công tác kiểm kê là nhận diện; xác định giá trị, sức sống của di sản và đề xuất khả năng bảo vệ. Kiểm kê không phải là đếm và lập danh sách mà là xác định các yếu tố, các vấn đề liên quan để bảo vệ di sản. Đó là các yếu tố phản ánh hình thức, đặc điểm và giá trị di sản; các vấn đề về khả năng tồn tại, sức sống hoặc nguy cơ mai một. 

Kiểm kê những gì?

Đối tượng kiểm kê là di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại, bao gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; ngữ văn dân gian (sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); tập quán xã hội (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian, bao gồm: tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác. Theo hướng dẫn của Thông tư, cần ưu tiên kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp.

Kiểm kê như thế nào?
Việc kiểm kê cần chỉ ra các thông tin cơ bản như: tên gọi của di sản; địa điểm có di sản; chủ thể của di sản; quá trình ra đời, tồn tại của di sản; hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, các công trình, đồ vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể; hiện trạng di sản. Kiểm kê nhằm xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại.

Vấn đề then chốt của việc kiểm kê là phải xác định cho được các biện pháp để bảo vệ di sản. Bảo vệ là tập hợp các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể. Bao gồm việc nhận diện, tư liệu hoá, nghiên cứu phục hồi các phương diện khác nhau của di sản, bảo tồn, phát huy, củng cố, chuyển giao, truyền dạy, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức. Sự tồn tại của di sản vật thể có thể không cần đến con người còn sự kế tục và duy trì di sản phi vật thể luôn luôn đòi hỏi có con người. Bảo vệ di sản văn hóa vật thể là bảo vệ vật chất. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là kế thừa con người, kế thừa văn hóa sống. Nội hàm của hai chữ "bảo vệ" chính là trao truyền và kế thừa. Đó là bảo vệ sống. Bảo vệ di sản phi vật thể là bảo vệ con người - chủ thể văn hóa.

Ai thực hành và tác nghiệp kiểm kê?
Người tham gia công tác kiểm kê là các cán bộ thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị trực thuộc; Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã; các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội và cá nhân có liên quan; chủ thể văn hóa. Chủ thể văn hóa là cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân sở hữu, thực hành và sáng tạo di sản văn hóa phi vật thể. 

Tổ chức quy trình kiểm kê ra sao?
Công tác kiểm kê được tổ chức theo quy trình: nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản; tập huấn cho người tham gia kiểm kê, đặc biệt lưu ý đến tập huấn cho cộng đồng; khảo sát thu thập thông tin và lập các phiếu, danh mục  kiểm kê; xây dựng báo cáo và lập hồ sơ kiểm kê. Hồ sơ kiểm kê là tài liệu khoa học và pháp lý của di sản văn hóa phi vật thể. Hồ sơ này sẽ được cơ quan quản lý di sản văn hóa phi vật thể của địa phương lưu giữ. Hàng năm, cơ quan này có nhiệm vụ cập nhật thông tin và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả kiểm kê và hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phê duyệt kế hoạch và kinh phí kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của Luật Ngân sách để các Sở VHTTDL triển khai. 

Làm thế nào để lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể?
Từ kết quả, căn cứ danh mục kiểm kê, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã được thỏa thuận để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học: đó là di sản có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia? Quy trình đề cử?
Mặc dù không xếp hạng nhưng Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam sẽ được phân loại, như là một phần của công việc kiểm kê, theo mức độ về hiện trạng sức sống và sự cần thiết phải bảo vệ hay cần thiết phải bảo vệ khẩn cấp. Theo đó, Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ được thiết lập nhằm đánh giá về sức sống của di sản và chỉ ra những cách bảo vệ khác nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng những biện pháp và phân bổ nguồn lực bảo vệ thích hợp. Cục Di sản văn hóa sẽ tổ chức thẩm định để tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà quản lý, các nhà khoa học có uy tín hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sẽ được thành lập để xem xét, tư vấn cho hoạt động này.

Làm thế nào để quản lý, sử dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể?
Các tài liệu liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát, điền dã; hồ sơ kiểm kê; hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ tại các Sở VHTTDL tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề cử để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được lưu tại Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL.

Sau mỗi đợt kiểm kê, Giám đốc Sở VHTTDL các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê. Giám đốc Sở VHTTDL có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL kết quả kiểm kê của địa phương hàng năm.

Từ 31 - 10 - 2011, đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước lần đầu tiên theo hướng dẫn của Thông tư số 04/2010/TT - BVHTTDL sẽ hoàn thành và có báo cáo về Bộ trong năm 2012.

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di Sản văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×