Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông
01/11/2024 | 09:42Ngày 31.10, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức sinh hoạt khoa học chuyên đề "Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông – Tiếp cận từ những khái niệm", với sự tham gia của đông đảo giảng viên, sinh viên.
Từ nhiều năm nay, khởi nghiệp (startup) là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đây cũng là một trong những giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội đóng góp cho sự phát triển, tạo ra các giá trị và mang lại ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng, xã hội.
Chương trình nhằm mục đích chia sẻ, trao đổi kiến thức và các kỹ năng nền tảng, để có thể đề xuất, triển khai các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cũng như phát triển nội dung khởi nghiệp sáng tạo trong chương trình đào tạo bậc cử nhân các ngành học về văn hóa, nghệ thuật và truyền thông của Nhà trường.
Buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề với sự hỗ trợ của VSV Capital. VSV Capital là Quỹ đầu tư mạo hiểm của Việt Nam được sáng lập năm 2014 để đầu tư vào các khởi nghiệp trong giai đoạn đầu. Đây là quỹ đầu tư đứng thứ nhất về số lượng các khoản đầu tư vào khởi nghiệp của Việt Nam (theo Tech in Asia).
Trong gần 10 năm qua, VSV đã ươm tạo thành công cho hơn 200 công ty khởi nghiệp và đầu tư trực tiếp hơn 80 công ty. Năm 2019, VSV cho ra đời một vườn ươm riêng dành cho các startup này.
Tại chương trình, diễn giả Thạch Lê Anh - nhà đồng sáng lập VSV Capital và là Chủ nhiệm đề án Việt Nam Silicon Valley đã chia sẻ với sinh viên nhiều kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, câu chuyện khởi nghiệp của các tập đoàn và cá nhân danh tiếng trên thế giới…
Bên cạnh đó, thông qua quá trình khởi nghiệp của bản thân và đơn vị, từ những thất bại ban đầu cho đến sự nỗ lực vươn lên để đi đến thành công, diễn giả đã truyền tải nhiều cảm hứng cho các bạn trẻ.
Bà Thạch Lê Anh cho rằng quan trọng nhất trong một dự án khởi nghiệp là tập trung cho sản phẩm - nâng tầm giá trị sản phẩm để thuyết phục nhà đầu tư…
“Một số người khi khởi nghiệp thường quá chăm chút cho những hạ tầng kèm theo bên ngoài mà đôi khi thiếu quan tâm đầu tư chất lượng và giá trị sản phẩm, trong khi đây là yếu tố quan trọng nhất. Một khi thất bại, các hạ tầng đầu tư kia sẽ không thể thu hồi”, bà Lê Anh nói và bày tỏ mong muốn Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp và tiến tới thành lập trung tâm khởi nghiệp trong nhà trường.
Tham gia chuyên đề, sinh viên bày tỏ hào hứng và đã đặt nhiều câu hỏi trao đổi cùng diễn giả: Làm sao người trẻ tích hợp ý tưởng sáng tạo từ các sản phẩm truyền thống vào khởi nghiệp? Các xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa của các nước phát triển trên thế giới có tác động như thế nào đến câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam?…
Theo bà Lê Anh, văn hóa khởi nghiệp và đầu tư truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Mỗi người khởi nghiệp cần mạnh dạn tìm kiếm cơ hội cho bản thân và không ngại khó.
Mỗi người cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng và có sự chỉnh chu cho dự án, kiên trì kêu gọi sự đầu tư và sự nỗ lực nghiêm túc sẽ được đền đáp. Việc xác định sản phẩm khởi nghiệp gắn liền với câu trả lời ai sẽ là người hỗ trợ cho các dự án startup,… Bà Lê Anh cũng nêu ví dụ về khởi nghiệp dành cho các dự án liên quan lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, truyền thông.
Bà Thạch Lê Anh tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Nam California (Mỹ). Bà nhận được học bổng của Quỹ Newton để tham gia chương trình Innovation Fellows Leadership tại Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Luân Đôn, Đại học Cambridge, Đại học Oxford (Anh).
Các công ty khởi nghiệp dưới sự dẫn dắt của bà đã huy động thành công nguồn vốn mạo hiểm với mức định giá hàng triệu USD như Lozi, echElite, Schoolbus, Ship60. Bà cũng là diễn giả khách mời tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam 2016, Diễn đàn tài chính và đầu tư châu Á…
PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết, Nhà trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, kết hợp lý thuyết và thực tiễn. Bên cạnh học lý thuyết và thực hành tại trường, các sinh viên cũng thực tập tại các địa phương, đặc biệt là các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở thiết chế văn hóa theo chuyên ngành phù hợp.
Trong đó, bao gồm thực tập tại các bảo tàng, di tích, nhà hát, trung tâm văn hóa, điểm du lịch, công ty truyền thông,… để khi ra trường, sinh viên nhanh chóng nắm bắt thực tế, làm việc hiệu quả.
“Ban giám hiệu nhận thức được rằng khởi nghiệp là rất quan trọng. Nếu như các lĩnh vực kinh tế, tài chính, thương mại… hoạt động khởi nghiệp khá rõ ràng và thường xuyên, riêng lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, việc khởi nghiệp còn khá mới mẻ.
Chính vì thế Nhà trường đã kết nối với chuyên gia trong lĩnh vực này, nhằm tạo điều kiện để sinh viên bổ sung kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là truyền cảm hứng, tương tác với học trò để có ý tưởng phát triển cho người học, qua đó sinh viên có thế khởi nghiệp ngay khi ngồi trên ghế nhà trường”, Hiệu trưởng bày tỏ.
Theo Báo Văn Hóa