Khí thế mới, động lực mới cho Ngành VHTTDL trong năm 2024
03/01/2024 | 14:45Sáng 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 Ngành VHTTDL với chủ đề: "Phát huy vai trò động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước".
Hội nghị được tổ chức theo hình thực trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến.
Về phía Bộ VHTTDL có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương.
Thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa"
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội 13 của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 - đã đi qua với nhiều dấu ấn về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước.
Theo Bộ trưởng, đây cũng là năm toàn ngành VHTTDL vinh dự được đón nhận nhiều hơn sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân với vai trò chủ thể sáng tạo trong xây dựng và phát triển văn hóa.
Bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2023 "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", phương châm của Ngành "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" được đề xuất, thực hiện từ đầu nhiệm kỳ, Ngành VHTTDL tiếp tục thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, với sự nỗ lực cao, cố gắng lớn để tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Nghị quyết số 01 và các Nghị quyết của Chính phủ tại các Phiên họp thường kỳ, các Nghị quyết của Quốc hội, lĩnh vực VHTTDL năm 2023 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên một số phương diện.
Điểm lại một số kết quả của toàn ngành trong năm qua, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu sẽ chia sẻ, phân tích sâu hơn, rút ra được nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về kết quả để phát huy trong thời gian tới. Nhưng quan trọng hơn phải nhận thức một cách thấu đáo những tồn tại, hạn chế, khu trú lại để làm rõ trách nhiệm của Bộ, của ngành.
"Không được chủ quan, tự mãn và càng không được nhụt chí, nản lòng trước khó khăn như lời Tổng Bí thư đã căn dặn ngành ta trong Thư chúc mừng nhân dịp Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ tin tưởng sâu sắc, sau Hội nghị toàn ngành sẽ quyết liệt hành động với phương châm "tăng tốc, sáng tạo, về đích" nhằm xây dựng phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.
Việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia đã góp phần nâng cao vị thế địa phương
Là đại biểu đầu tiên phát biểu tham luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân cho biết, năm 2023, Bình Thuận được vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh". Đây là sự kiện rất lớn và ý nghĩa để ngành du lịch phát triển cũng như nâng cao vị thế tỉnh nhà.
Với nhiều sự kiện, lễ hội diễn ra liên tục khắp các địa phương trong tỉnh Bình Thuận và trải dài khắp 41 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được đông đảo Nhân dân, du khách tích cực tham gia hưởng ứng và tạo không khí vui tươi phấn khởi trong thời gian qua. Theo thống kê năm 2023, Bình Thuận đón khoảng 8,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 220.000 lượt.
Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16,28%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm; khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 19.500 tỷ đồng, tăng bình quân 16,56%/năm. Du lịch Việt Nam ghi nhận ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã lọt vào top các địa phương trong cả nước có doanh thu trên 10.000 tỉ đồng.
Theo ông Bùi Thế Nhân, từ kinh nghiệm thu hút khách đến tham quan nghỉ dưỡng nhân dịp Năm Du lịch Quốc gia 2023 có thể rút ra một số bài học cho phát triển du lịch trong thời gian tới như: Xây dựng chiến lược, kế hoạch và đề ra các chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế du lịch phù hợp với từng thời kỳ; Giải quyết tốt giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái; Tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống; phát triển các sản phẩm du lịch mới; Xây dựng chính sách để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương, tạo sự đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Đặc biệt, phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.
Tham luận với chủ đề Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, với chủ trương "Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa", xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước phát huy giá trị và góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch, năm 2023, Hà Giang đã đón hơn 3 triệu lượt du khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 7.092 tỷ đồng.
"Lượng khách du lịch tăng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh. Hà Giang vinh dự được vinh danh điểm đến mới nổi hàng đầu Châu Á của Tổ chức du lịch thế giới, là địa chỉ tìm kiến cao thứ 4 trong năm do Googe bình chọn" - ông Trần Đức Quý cho hay.
Để thực hiện việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới, theo ông Trần Đức Quý, Hà Giang xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cán bộ nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa; gắn cộng đồng địa phương - chủ nhân thực sự của các di sản có được quyền làm chủ các di sản của mình, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại đồng thời vừa bảo tồn văn hóa địa phương.
Ngành văn hóa đã gặt hái nhiều kết quả khá toàn diện với nhiều con số biết nói
Bày tỏ nhất trí cao với báo cáo tổng kết tại Hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, năm 2023 Ngành văn hóa đã gặt hái nhiều kết quả khá toàn diện, triển khai khối lượng công việc lớn nhằm đưa đường lối Đại hội 13 của Đảng đi vào cuộc sống với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, toàn Đảng, toàn dân, trong đó Ngành văn hoá, thể thao và du lịch đóng vai trò nòng cốt; hình thành bước đầu chiến lược chấn hưng và phát triển văn hóa mang tính dài hạn, bài bản; coi trọng chất lượng phát triển với nhiều con số biết nói.
Ông Phạm Quang Ngọc cho hay, tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư các hạ tầng và thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử và tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, cốt lõi phát huy giá trị con người, vùng đất Cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Tham luận về lĩnh vực thể thao, ông Bùi Hữu Toàn - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Bộ VHTTDL, Cục Thể dục thể thao và các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao quốc gia trong thời gian qua, cùng với sự chủ động, linh hoạt, đoàn kết của Ngành VHTTDL tỉnh Bình Dương, là tiền đề vững chắc để Thể thao Bình Dương phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Riêng năm 2023, thể thao Bình Dương tham dự 145 giải, kết quả đạt 692 huy chương các loại ở các cấp độ giải; có 285 vận động viên đẳng cấp quốc gia (139 kiện tướng, 146 cấp I). Trong đó, trên đấu trường quốc tế đã dần khẳng định vị thế của mình, khi nhiều VĐV Bình Dương lần lượt ghi tên mình vào lịch sử, trở thành nhà vô địch thế giới như: VĐV Bao Phương Vinh vô địch giải Billiards carom 3 băng Thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ; VĐV Hồ Huy Bình vô địch giải Thể hình Thế giới lần thứ 14 tại Hàn Quốc…
Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo để công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở địa phương có điều kiện phát triển tương xứng với định hướng và kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực Văn hóa-Xã hội.
Không để mất đi những "cơ hội vàng" trong lĩnh vực công nghiệp giải trí, sáng tạo
Tham luận tại Hội nghị, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, Sở VHTT đang tham mưu thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa, đây là nhân tố quan trọng tham gia dẫn dắt thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa còn đang bỏ ngỏ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới.
Trong thời gian qua, các dịch vụ văn hóa ngày càng được định hình, tạo thành những sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù, tạo ra giá trị kinh tế, giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ để công chúng tiếp nhận và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc làm này là mô hình mới, đòi hỏi sự chặt chẽ nhưng không quá thận trọng để mất đi những "cơ hội vàng" trong lĩnh vực công nghiệp giải trí, sáng tạo.
Trong khi đó, theo NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu đời sống con người đáng kinh ngạc thì mặt trái của cũng vô cùng khủng khiếp, tác động tiêu cực đối với văn hoá.
"Là một đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL, là các nghệ sĩ, chúng tôi ý thức rất rõ vai trò và vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa và việc bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới" - NSND Xuân Bắc bày tỏ.
Cũng theo NSND Xuân Bắc, thông qua những chương trình biểu diễn của các nhà hát trực thuộc Bộ, đặc biệt là những đơn vị Nghệ thuật truyền thống như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam… không chỉ giới thiệu văn hóa đất nước con người Việt Nam mà thông qua đó còn thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" đó chính là du lịch.
Quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên, người lao động, những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch trên cả nước lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng cho biết về bối cảnh và kết quả nổi bật của năm 2023 của cả nước đồng thời chỉ rõ những kết quả đạt được của Ngành VHTTDL, trong đó nhấn mạnh, ngành VHTTDL đã cùng với các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa"; nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc; tích cực, chủ động tận dụng thời cơ, thuận lợi, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ VHTTDL đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023.
Trong đó, Bộ đã chủ động, tích cực tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; Tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận; Đời sống văn hóa cơ sở và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục phát triển có chiều sâu, chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển. Du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá, khách du lịch quốc tế năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt gấp 3,5 lần năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch; tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38%.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên, người lao động, những người làm công tác VHTTDL trên cả nước đã đạt được trong năm 2023 góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành VHTTDL cần tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa. Tập trung hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong đó, khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tập trung hoàn thiện Luật di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi)... Khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam trong giai đoạn mới.
"Trong giai đoạn phát triển mới, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể những người làm công tác VHTTDL sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được, tiếp tục chung sức, đoàn kết, đồng lòng; kỷ luật, kỷ cương, quyết tâm hơn, đổi mới sáng tạo hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa; xứng đáng là những "chiến sĩ xung kích" trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phụng vụ Tổ quốc, phục sự Nhân dân, vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, đời sống nhân dân ngày càng được hạnh phúc ấm no. Trong năm 2024 ngành sẽ tạo ra khí thế mới, động lực mới, thành công mới và tôi tin chắc là ngành VHTTDL sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2024"- Thủ tướng bày tỏ.
Phát biểu tiếp thu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn Thủ tướng đã gợi mở nhiều nhiệm vụ trọng tâm cho Ngành VHTTDL trong năm 2024 nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, tăng tốc về đích trong thời gian tới. Bộ trưởng khẳng định sẽ cụ thể hóa các chỉ đạo của Thủ tướng vào chương trình, nhiệm vụ trong năm tới.
"Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển lĩnh vực VHTTDL, trở thành động lực quan trọng góp phần vào sự phát triển của đất nước" - Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của đại biểu tại diễn đàn Hội nghị và một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng thuộc các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, với sự phối hợp nhuần nhuyễn trên hành trình của “Cỗ xe tam mã”.
“Chúng ta cần nhận thức rằng, nhiệm vụ xây dựng, chấn hưng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, với tư cách là chủ thể, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền thì chắc chắn nhiệm vụ phát triển văn hóa sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công mới…”, Bộ trưởng khẳng định./.