Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khi Nhà hát Lớn rộng cửa: Tự tin tăng đầu tư các vở diễn lớn

20/08/2016 | 16:27

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam trước thềm đưa vở diễn Biệt đội báo đen vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn, thực hiện chủ trương của Bộ VHTTDL.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam trước thềm đưa vở diễn "Biệt đội báo đen" vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn, thực hiện chủ trương của Bộ VHTTDL.

+ Việc được biểu diễn ở Nhà hát Lớn gỡ khó như thế nào đối với các nhà hát, đặc biệt là Nhà hát Kịch Việt Nam, thưa ông?

- Đầu tiên phải khẳng định, hiện nay, Nhà hát nào cũng khó khăn trong việc tổ chức được các đêm diễn vì khán giả hiện nay có nhiều lựa chọn, đó là khó khăn chung. Còn đặc biệt, với các nhà hát không có điểm biểu diễn như Nhà hát Kịch Việt Nam thì càng khó khăn. Vì không có nhà hát thì không chủ động được địa điểm diễn, không chủ động được địa điểm thì không chủ động tầm vóc dựng vở.



Nhờ chủ trương của Bộ VHTTDL, chúng tôi sẽ tự tin tăng việc đầu tư các vở diễn lớn nhiều hơn


Cụ thể, khi dựng vở phải có sân khấu như thế nào để phù hợp. Có những vở chỉ nhằm biểu diễn ở Nhà hát Lớn, có những vở vừa phải thì thiết kế mỹ thuật sân khấu nhỏ để phù hợp sân khấu nhỏ thôi. Nhưng có những vở bắt buộc phải tầm ở Nhà hát Lớn mới chuyển tải được hết nội dung cũng như tầm vóc của một vở diễn thể hiện như vở "Dư chấn", "Tai biến", hay vở chúng tôi chọn để "khoe" ở Nhà hát Lớn như "Hamlet".

Tuy nhiên, để vào Nhà hát Lớn là cả một vấn đề. Đó là do cơ chế chứ không phải Ban Giám đốc Nhà hát Lớn làm khó khăn gì cho các nhà hát. Cơ chế khoán tự chủ thì cứ nhiều tiền là vào Nhà hát Lớn. Trong khi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam và các nhà hát khác lấy đâu tiền vào Nhà hát Lớn? Kinh phí Nhà nước cấp chỉ để dựng vở, vé bán không đủ thu bù chi nên khó khăn.

+ Vở kịch nói "Biệt đội báo đen" của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ được biểu diễn đầu tiên, chỉ sau đêm nhạc giao hưởng đặc biệt, trong chuỗi chương trình biểu diễn của các nhà hát tại Nhà hát Lớn. Ông có thể cho biết lý do Nhà hát chọn vở diễn này?


- "Biệt đội báo đen" là vở về đề tài người lính Việt Nam trong chiến tranh và hòa bình. Đề tài cũ nhưng thực ra rất mới và cần thiết. Đặc biệt, đợt diễn khởi đầu này lại diễn ra trong dịp kỷ niệm Quốc khánh, nói về người lính, bội đội cụ Hồ trong chiến tranh đã chiến đấu hi sinh để gìn giữ Tổ quốc. Trong cuộc sống hôm nay, chính họ là lực lượng lao vào xây dựng kinh tế, đấu tranh với những sai trái, những tiêu cực của xã hội để giành lại sự bình đẳng, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Lý do chúng tôi lựa chọn vì vở diễn này đã và vẫn được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn tại sân khấu nhỏ của Nhà hát, vở diễn được khán giả yêu thích vì rất đời thường, gần gũi với người xem.

+ Nghĩa là khi vào Nhà hát Lớn, "Biệt đội báo đen" không lo về khán giả?


- Được biết, ba đêm diễn đầu tiên của ba nhà hát, chúng tôi chưa đặt vấn đề bán vé lên đầu tiên mà diễn để “khoe” với khán giả là chính.

Còn sau đó, khi diễn định kỳ, các nhà hát phải có kế hoạch chiến lược đầu tư các tác phẩm sao cho hay, chất lượng để bán được vé. Ngoài ra phải có chiến lực truyền thông cho tốt để hấp dẫn khán giả.

Chủ trương đã tạo được dư luận tốt trong khán giả, tạo sự đón đợi của khán giả, chắc chắn người dân sẽ chờ đợi để được xem các chương trình biểu diễn và sẽ tìm đến Nhà hát Lớn để mua vé, nếu những chương trình thực sự chất lượng tốt.

+ Đêm diễn "Biệt đội báo đen" tại Nhà hát Lớn đã được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?


- Bất kể chương trình nào khi chúng tôi diễn ở Nhà hát Lớn đều được chuẩn bị rất kỹ. Với những nơi sang trọng như Nhà hát Lớn, bất kể nhà hát nào cũng sẽ tập dượt rất kỹ càng, chúng tôi cũng vậy. Sẽ có những buổi chạy thử chương trình tại sân khấu cho các nghệ sĩ quen vì khẩu độ sân khấu khác với sân khấu nhỏ của chúng tôi.

Ngoài ra, trang trí sân khấu cũng sẽ được làm kỹ hơn. Đặc biệt, chúng tôi cùng với Nhà hát Lớn sẽ làm tốt công tác truyền thông tới khán giả, vừa bán vé, vừa tạo dự luận xã hội tốt về chủ trương này. Không chỉ là ba đêm diễn tới mà còn chuỗi hoạt động từ giờ đến cuối năm cũng như năm 2017.



"Biệt đội báo đen"- vở diễn vào Nhà hát Lớn dịp kỷ niệm Quốc khánh


+ Có điểm biểu diễn lớn như Nhà hát Lớn rồi, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ có chiến lược thế nào để xây dựng các vở diễn theo tiêu chí chất lượng, đỉnh cao, thưa ông?

- Còn gì tốt hơn nữa khi Bộ chỉ định cho các nhà hát được định kỳ hàng tuần, hàng tháng vào Nhà hát Lớn để diễn. Nghệ sĩ chúng tôi quá vui sướng, khi mà biết mỗi năm, tháng được diễn vài buổi ở Nhà hát Lớn thì các nhà hát sẽ chủ động dựng các vở kịch, tập trung xây dựng những vở lớn. Vì trước đây xây dựng vở lớn rồi không biết diễn ở đâu nên rất lãng phí. Chỉ diễn 1 buổi ra mắt rồi cất đi vì không có tiền thuê Nhà hát Lớn nữa. Như chúng tôi đầu tư vở "Hamlet" hơn 1 tỉ đồng mà công chúng chỉ được xem một đêm rồi thôi, vì nó không thể diễn ở rạp Hồng Hà cũng chẳng thể diễn ở sân khấu nhỏ của chúng tôi được. Cố diễn cũng khó hay nên khán giả đành nhịn xem.

Khi vào TP HCM cũng chỉ diễn được 1 đêm vì tiền thuê cao và lịch của họ cũng kín rồi. Khán giả là người thiệt thòi, ít có cơ hội thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, đặc biệt là các vở kinh điển thế giới.

Bình thường mỗi năm Nhà hát Kịch Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng một tác phẩm lớn, có thể là tác phẩm kinh điển, cũng có thể là tác phẩm Việt Nam nhưng được đầu tư kỹ càng. Nhờ chủ trương này, chúng tôi sẽ tự tin tăng việc đầu tư các vở diễn lớn nhiều hơn, có thể là 1 năm 2-3 vở như vậy. Vì đây là cơ hội để chúng tôi có thể trình diễn những vở lớn như vậy. Nhà hát Kịch Việt Nam có truyền thống dàn dựng các vở có chất lượng đỉnh cao, giờ chúng tôi qua mấy năm cũng rèn luyện cho các nghệ sĩ có khả năng diễn xuất rất tốt, có thể dùng từ rất đẳng cấp. Những vở diễn mà khi xem xong người ta nói, đúng là các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam. Đó là những thế mạnh cũng như thuận lợi mà có chủ trương này, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn để xây dựng  các tác phẩm có chất lượng cao để đưa vào Nhà hát Lớn biểu diễn.

Năm nay, ngoài vở "Hamlet", sau khi có chủ trương của Bộ VHTTDL, chúng tôi đã tập trung vào xây dựng vở "Kiều" và cuối năm nay, vở diễn sẽ lên sân khấu.

+ Những vở diễn này, có thể được xem là đỉnh cao không, thưa ông?


- Trước mắt là các chương trình có chất lượng cao. Tôi nghĩ, cùng với chủ trương này, cần có chiến lược đầu tư thêm từ Bộ VHTTDL. Bộ nên nghiên cứu xem nhà hát nào có điều kiện thì đầu tư thêm để các nhà hát đó xây dựng các tác phẩm đỉnh cao. Các nhà hát thì kêu gọi thêm các chương trình xã hội hóa, để từ đó có tác phẩm chất lượng tốt. Tôi tâm đắc câu nói của PGS-TS Đình Quang: “Muốn tạo đột phá phải đầu tư có trọng điểm”. Vì vậy, đầu tư có trọng điểm thì mới thực sự có đỉnh cao.!

+  Xin cám ơn ông!


Thảo Nguyên (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×