Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khi Nhà hát Lớn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Người dân là đối tượng hưởng lợi nhất

16/08/2016 | 06:43

“Tôi xin gửi lời cảm ơn ông Bộ trưởng...”; “Đừng làm “uổng công” quyết định của Tư lệnh ngành”... là ý kiến của các NSND: Lê Hùng, Phạm Thị Thành, Lê Ngọc Cường và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái về chủ trương trả lại thương hiệu và chức năng chính của NHL Hà Nội của Bộ VHTTDL.


Tôi xin gửi lời cảm ơn ông Bộ trưởng

Nhà hát Lớn là nhà hát đạt tiêu chuẩn nhất hiện nay không chỉ của Hà Nội mà của cả nước, vì thế bất cứ nghệ sĩ nào hay chương trình nghệ thuật nào cũng mong ước được diễn ở nơi đây. Là một đạo diễn, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới ông Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Quyết định chủ trương này rõ ràng là đã rất thấu hiểu những khó khăn hiện nay mà các đơn vị nghệ thuật sân khấu đang phải đối diện. Lo được tiền lương, bồi dưỡng biểu diễn cho nghệ sĩ đã khó khăn nên chẳng có đơn vị nào dám bỏ ra vài chục triệu đồng để vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Thú thực tôi không đồng tình với việc xã hội hóa Nhà hát Lớn vì nếu phải tự thu, tự chi, dĩ nhiên Ban quản lý Nhà hát Lớn sẽ phải tranh thủ ký những hợp đồng đắt giá và đương nhiên từ chối cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp vào thuê giá rẻ hơn.



Đó là lý do mà Nhà hát Lớn bỏ quên mất chức năng chính của mình là biểu diễn nghệ thuật mà trở thành nơi tổ chức hội nghị, trao giải thưởng... của các đơn vị ngoài ngành. Bấy lâu nay, người dân chỉ có thể được chiêm ngưỡng Nhà hát Lớn ở bên ngoài, chụp ảnh lưu niệm, ảnh cưới... mà không có cơ hội để vào xem nghệ thuật. Người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định này.

Tôi nghĩ rằng các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật khi được vào Nhà hát Lớn để biểu diễn họ cũng sẽ tự ý thức được để chọn những tác phẩm xuất sắc nhất của mình để phô diễn, xứng tầm với quy mô của nhà hát và phục vụ khán giả. Những vở diễn, chương trình xuềnh xoàng, kiếm ăn sẽ không dám mang vào Nhà hát Lớn diễn. Nghệ sĩ phải có lòng tự trọng khi đặt chân vào một “thánh đường của nghệ thuật”.

Tuy nhiên, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Ban quản lý Nhà hát Lớn phải cầm cân nẩy mực để điều tiết cân nhắc đối với từng tác phẩm, từng loại hình nghệ thuật. Theo tôi nên có một hội đồng thẩm định các tác phẩm nói chung khi vào Nhà hát Lớn biểu diễn không chỉ đối với 12 nhà hát thuộc Bộ. (Đạo diễn, NSND Lê Hùng)

Các nhà hát cũng không nên ỷ lại quá nhiều...



Việc hỗ trợ một phần kinh phí biểu diễn tại Nhà hát Lớn của Bộ VHTTDL là chính xác, nhất là đối với các đơn vị sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương... Khán giả Hà Nội chưa quen với việc mua vé vào xem nghệ thuật, nhất là các vở truyền thống, vì vậy để Nhà hát Lớn thu hút được đông đảo mọi người dân thì hỗ trợ là hợp lý.

Tôi rất mong chủ trương này sẽ biến Nhà hát Lớn thành một nhà hát tiêu biểu của thủ đô thường xuyên đỏ đèn diễn các tác phẩm nghệ thuật chính thống, hàn lâm, có giá trị. Tuy nhiên, về lâu dài thì các nhà hát cũng không nên ỷ lại quá nhiều vào kinh phí tài trợ mà cần phải năng động, tự lo bán vé doanh thu.

Dĩ nhiên giá vé bán cho các chương trình biểu diễn như thế này cũng không nên quá cao để mọi khán giả đều có thể vào xem được. Nhà hát Lớn là một điểm diễn sang trọng và đối tượng đến xem cũng cần tuân thủ những quy định lịch sự về ăn mặc cũng như cách xem.

Theo tôi, trong tấm vé vào xem biểu diễn, Ban quản lý nhà hát cũng cần ghi thật rõ và cụ thể những yêu cầu về trang phục cũng như tác phong vào xem tại Nhà hát Lớn. (Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành)

Nên cân nhắc loại hình nghệ thuật nào vào biểu diễn



Việc Bộ VHTTDL hỗ trợ cho các nhà hát của Bộ vào Nhà hát Lớn biểu diễn đã thể hiện sự quan tâm ưu ái đối với nghệ thuật biểu diễn, mong muốn động viên khích lệ cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Điều tôi lo lắng, băn khoăn đó là chất lượng của các tác phẩm được lựa chọn vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Nghệ thuật chuyên nghiệp rõ ràng đang thiếu những tác phẩm hay và vì vậy cần có một hội đồng nghệ thuật để cầm cân nảy mực chọn ra những tác phẩm xứng đáng để vào lịch biểu diễn. Nếu chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc thì cũng không nên bố trí lịch diễn quá dày đặc mà cần giãn thời gian để Nhà hát Lớn có thể tổ chức cho các hoạt động và chương trình nghệ thuật khác.

Cơ quan có trách nhiệm trong ngành cần ngồi lại với lãnh đạo các nhà hát để tính toán cả việc đầu tư để làm sao mỗi nhà hát có một dàn kịch mục biểu diễn mang tính kinh điển, hàn lâm phù hợp với điều kiện biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Ngay như với sân khấu truyền thống cũng không thể diễn mãi các trích đoạn truyền thống nhỏ lẻ mà cần phải đầu tư bảo tồn các tác phẩm kinh điển mẫu mực của truyền thống.

Hiện nay một số tác phẩm sân khấu truyền thống của Tuồng, Chèo trong kịch mục nhà hát cũng chưa hẳn đã thực sự là mẫu mực khi mà cách dàn dựng cũng như nghệ sĩ biểu diễn chưa đủ tầm, thua xa bản diễn của thế hệ nghệ sĩ lớp trước. Việc đưa loại hình nghệ thuật nào biểu diễn cũng cần phải cân nhắc, ví dụ như đưa chương trình xiếc vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn rất có thể thiết kế sân khấu với mắc treo dây dợ, đạo cụ... có thể phá hỏng những thiết kế sân khấu của Nhà hát Lớn.

Tôi cho rằng nếu chương trình, vở diễn nào không được lựa chọn vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn cũng không nên lấy làm buồn bởi không phải vì chương trình kém chất lượng mà đơn giản nó không phù hợp với một môi trường biểu diễn tại một địa điểm như Nhà hát Lớn mà thôi. (NSND Lê Ngọc Cường, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa VN)

Đừng làm "uổng công" quyết định của Tư lệnh ngành...



Giới nghệ thuật đều biết diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội là một nơi sang trọng và tiêu chuẩn nhất với nghệ thuật chuyên nghiệp. Những nhà hát và cá nhân nghệ sĩ nào muốn làm sang bằng cách ra mắt một đêm thôi ở Nhà hát Lớn cũng phải tốn một số tiền lớn và vì vậy không phải ai cũng dám làm.

Tôi vừa xem một vở diễn mang tính thử nghiệm của Đoàn kịch Công an ra mắt tại rạp Công Nhân và tôi tin rằng nếu vở diễn này được diễn ở Nhà hát Lớn thì hiệu ứng sẽ lớn hơn rất nhiều bởi decor thiết kế mỹ thuật sân khấu của vở sẽ phát huy tác dụng khi diễn ra tại Nhà hát Lớn. Mới đây tôi có đi nghe chương trình hòa nhạc Toyota ở Nhà hát Lớn, tôi như được sống lại cái cảm giác nghe hòa nhạc ở các nhà hát quốc tế mà tôi đã từng tới ở Pháp, Tiệp Khắc, Nga... Rõ ràng nếu nghe nhạc giao hưởng ở VN chỉ có thể nghe ở Nhà hát Lớn mới có thể thẩm thấu được giá trị của nhạc giao hưởng. Tuy nhiên điều tôi muốn gửi gắm ở đây là việc “Chiếc áo không thể làm nên thầy tu”, Nhà hát Lớn chỉ có thể thích hợp cho những tác phẩm thật sự có chất lượng.

Vì vậy, các nhà hát Kịch nói hay Tuồng, Chèo, Cải lương... khi vào diễn phải lựa chọn những tác phẩm cực hay và phải là mẫu mực của từng loại hình. Nếu một tác phẩm không hay thì dẫu có truyền thông giỏi mấy, quảng cáo giới thiệu hoành tráng thì rồi khán giả cũng sẽ quay lưng lại. Tôi mong Ban quản lý Nhà hát Lớn, Cục Nghệ thuật biểu diễn và bản thân các nhà hát cần cân nhắc lựa chọn kỹ càng từng tác phẩm để không đánh mất niềm tin từ khán giả và không làm "uổng công" quyết định của Tư lệnh ngành khi ra quyết định mở cửa Nhà hát Lớn đón các nhà hát. (PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái).

(Nguồn: Báo Văn hóa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×