Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về di sản văn hóa tại Hội An

07/07/2023 | 20:50

Trong hai ngày 4-5/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hội An và Sở VHTTDL Quảng Nam về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa.


Khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về di sản văn hóa tại Hội An - Ảnh 1.

Đoàn khảo sát làm việc về công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Mỹ Sơn.

Báo cáo tại cuộc làm việc ngày 4/7, lãnh đạo UBND TP Hội An cho biết, với đặc thù của di tích ở Hội An, địa phương đã chủ động xây dựng, tham mưu ban hành nhiều quy định thông qua các quy chế, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chính sách, pháp luật trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa nói chung, khu phố cổ nói riêng được thực hiện thường xuyên, thông qua nhiều hình thức. Việc phân cấp quản lý di sản, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, đội ngũ quản lý thực hiện đúng quy định.

Công tác huy động, quản lý, sử dụng kinh phí để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa được mở rộng, đạt nhiều kết quả cao. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản được chú trọng và có nhiều chuyển biến.

Công tác tổ chức, quản lý hoạt động lễ hội được duy trì thường xuyên, góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu…

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới và giữ vững uy tín của điểm đến được du khách trong và ngoài nước yêu thích, UBND TP. Hội An kiến nghị cần có sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh để thực hiện quy hoạch đầu tư tổng thể, kế hoạch quản lý và đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An trong giai đoạn tiếp theo.

Hội An cũng kiến nghị hỗ trợ xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù cho bảo tồn phát huy di sản; điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, đề ra các quy định bảo đảm quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa thế giới có tính đặc thù như đô thị cổ Hội An…

Đoàn khảo sát ghi nhận những kết quả mà Mỹ Sơn đã đạt được thời gian qua, đặc biệt trong tăng cường hợp tác quốc tế để phục hồi, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản thế giới này. Hợp tác quốc tế không chỉ có nguồn lực mà còn có thêm kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ này.

Khẳng định giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, khảo cổ học... của khu di tích Mỹ Sơn, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cũng cho rằng, thách thức đối với di sản này rất lớn, về năng lực nghiên cứu, tu bổ, nguồn lực, trong bối cảnh yêu cầu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đã khác giai đoạn trước. Trước mặt, đề nghị Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tích cực tham gia quá trình xây dựng quy hoạch di sản Mỹ Sơn giai đoạn mới; tham mưu cho tỉnh Quảng Nam xây dựng quy chế bảo tồn, phát huy giá trị di sản; ưu tiên thực hiện và sớm hoàn thành cắm mốc khoanh vùng để làm tốt công tác quản lý. Bên cạnh đó, tham mưu để thu đúng, thu đủ, sử dụng hiệu quả nguồn thu phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mỹ Sơn.

Khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về di sản văn hóa tại Hội An - Ảnh 2.

Đoàn khảo sát làm việc với Sở VHTTDL Quảng Nam.

Báo cáo với Đoàn khảo sát ngày 5/7, lãnh đạo Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có hai Di sản thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; có 451 di tích được xếp hạng, gồm: bốn di tích quốc gia đặc biệt, 64 di tích quốc gia và 383 di tích cấp tỉnh.

Hệ thống di tích trên địa bàn gồm đầy đủ các loại hình: lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 161 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; một di sản (Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam) được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các di tích trên địa bàn tỉnh về cơ bản được quan tâm đầu tư tu bổ, tránh được nguy cơ sụp đổ, xuống cấp và góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa và cách mạng trong các tầng lớp nhân dân; làm giàu thêm giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của tỉnh Quảng Nam.

Nhiều di tích đã phát huy tốt giá trị và trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến Quảng Nam, như Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An; hoặc trở thành nơi tổ chức hoạt động "về nguồn" cho các thế hệ như Địa điểm Chiến thắng Núi Thành, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Địa đạo Kỳ Anh, Khu Căn cứ lịch sử cách mạng Trung Trung bộ - Nước Oa. Khu căn cứ Phước Trà... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Công tác truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn, phục dựng, khai thác và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể luôn được quan tâm, đầu tư. Tổ chức các lớp tập huấn “Bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi” cho các nghệ nhân, Câu lạc bộ/ Nhóm/ Đội, giáo viên thanh nhạc và những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi tại các huyện, thành phố...

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật có liên quan, một số quy định cần được điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, việc áp dụng các quy định của Nghị định 166/2018/NĐ-CP về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, làm nảy sinh nhiều khó khăn trong công tác tu bổ nói chung và các di tích thuộc sở hữu tư nhân nói riêng tại Hội An.

Đặc biệt, mặc dù các cấp, ngành tỉnh Quảng Nam quan tâm đến công tác đầu tư, tu bổ, nhưng do thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ nên hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh luôn có nguy cơ bị hư hại, xuống cấp, nhất là đối với các di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Trong khi đó nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư tu bổ di tích còn nhiều hạn chế. Vì thế, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam sẽ tạo cơ chế, cơ sở pháp lý cho tỉnh trong việc huy động, quản lý và sử dụng kinh phí để bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích, đặc biệt đối với hai di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và Mỹ Sơn.

Đánh giá cao việc Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích trên địa bàn, Đoàn khảo sát khẳng định, chính quyền và cơ quan chức năng đã nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm trong bảo vệ di sản của mình. Đồng thời, việc gắn chặt bảo tồn với phát huy giá trị di sản, góp phần khắc phục cơ bàn tình trạng, nguy cơ xuống cấp của di sản/di tích trên địa bàn.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị Sở tổ chức triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án của ba chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến văn hóa. Nghiên cứu có chính sách với nghệ nhân truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là nghệ thuật bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nắm chắc và sát tình hình chuyển đổi chủ sở hữu nhà trong phố cổ Hội An, tham mưu cho tỉnh Quảng Nam có giải pháp kịp thời, để Hội An không mất đi giá trị cốt lõi.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×