Khánh Hòa: Nâng tầm quảng bá nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch
01/12/2023 | 08:50Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) vẫn còn giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống để làm nên các dụng cụ sinh hoạt, nhạc cụ dân tộc. Những năm gần đây, chính quyền 2 địa phương đã có sự quan tâm đến việc giới thiệu, quảng bá những sản phẩm thủ công đến người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Thầm lặng giữ nghề
Từ nhiều năm nay, nghệ nhân Mấu Hồng Thái (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) vẫn miệt mài từng ngày đan những chiếc gùi, làm những chiếc nỏ, chế tác đàn chapi, kèn bầu… Tuy tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn vót từng sợi mây, chuốt từng thanh gỗ để làm nên những sản phẩm độc đáo của dân tộc mình. Ban đầu, ông làm ra các loại vật dụng, nhạc cụ để phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong làng. Tuy nhiên, ngày càng có ít người làm những vật dụng này, cộng với sản phẩm của ông làm ra bền, đẹp nên người ở các xã khác cũng tìm đến mua. Các trường học, cơ quan mỗi lần tham gia văn nghệ lại đến đặt ông làm những chiếc gùi, nỏ, các loại nhạc cụ để biểu diễn các tiết mục. Vậy nên, từ năm 2016, ông làm các sản phẩm dưới hình thức hàng hóa để bán; ngôi nhà của ông cũng trở thành một điểm để các đoàn khảo sát du lịch, du khách tới tham quan, tìm hiểu về nghề thủ công của đồng bào Raglai. Trong dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023, nghệ nhân Mấu Hồng Thái được Bảo tàng tỉnh mời tham gia trình diễn cách làm các loại sản phẩm thủ công nhằm giới thiệu cho người dân và du khách biết.
Tháng 8 vừa qua, trong Liên hoan các làng văn hóa tỉnh, chúng tôi có dịp gặp già làng Hà Cao (làng văn hóa Suối Cá, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) và được xem ông thực hiện việc đan gùi. Ông vừa thoăn thoắt đan từng sợi lồ ô để dần tạo hình chiếc gùi, vừa giới thiệu về nghề thủ công này của đồng bào T’rin. “Gùi là một vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của đồng bào T’rin. Vậy nên, đàn ông T’rin trước đây ai cũng biết đan gùi để sử dụng trong gia đình. Hiện nay, do cuộc sống có những thay đổi nên chỉ còn người già biết làm gùi. Bản thân tôi cũng đã cố gắng truyền dạy nghề này cho thanh niên trong làng nhưng không mấy người theo học, vậy nên mỗi lần có dịp đi giới thiệu cách thức để làm ra một chiếc gùi, tôi thấy rất vui”, già làng Hà Cao cho biết.
Hướng đầu tư thành sản phẩm gắn với du lịch
Trong đề án “Phát triển du lịch huyện Khánh Sơn đến năm 2030”, giai đoạn 2023 - 2025, địa phương đặt ra mục tiêu xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung là điểm đến mang những nét đặc trưng vùng ĐBDTTS và miền núi của huyện. Trong đó, sẽ có sản phẩm du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa truyền thống. Đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ hình thành điểm du lịch sinh thái thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) gắn liền với phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, các làng nghề truyền thống. Để đạt được những mục tiêu trên, huyện Khánh Sơn đưa ra 10 nhóm giải pháp để thực hiện, trong đó có nội dung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, tham quan quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống tại các làng nghề như: Đan gùi, làm nỏ, làm đàn chapi… Từ đó, huyện có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống thành sản phẩm phục vụ hoạt động du lịch. Trên thực tế, trong Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ nhất năm 2019, trong số các hoạt động nhận được sự quan tâm của công chúng có hội thi già làng khéo tay. Ở đây, các già làng đến từ nhiều thôn, xã trong huyện đã có dịp thi tài làm ra những chiếc gùi, chiếc nỏ, cây đàn chapi, kèn bầu, dụng cụ bắt cá dưới suối, dụng cụ đuổi chim trên rẫy… Thông qua đó, giới thiệu nét đẹp văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai đang được lưu giữ trong các buôn làng.
Năm 2020, huyện Khánh Vĩnh đã từng có báo cáo đề xuất với cơ quan chức năng của tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Một trong những tiềm năng, thế mạnh được huyện đưa ra chính là có những điều kiện phát triển các nghề thủ công truyền thống như: Đan lát, thủ công mỹ nghệ, làm nhạc cụ... để hình thành, phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Ngày 22/8/2023, trong quyết định về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Vĩnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã yêu cầu việc lập quy hoạch của huyện phải theo hướng “phát triển kinh tế bền vững, lấy nông nghiệp làm nền tảng để ổn định kinh tế - xã hội... phát triển các ngành nghề truyền thống...”. Tại kế hoạch triển khai thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành ngày 21/4/2022, huyện Khánh Vĩnh sẽ được hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc T’rin có tiềm năng khai thác, phát triển kinh tế, du lịch. Cụ thể, sẽ bảo tồn giá trị công trình kiến trúc, công cụ lao động và sinh hoạt tiêu biểu, sản phẩm trong quá trình lao động sáng tạo từ nghề thủ công truyền thống...
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc đem các nghề thủ công truyền thống của ĐBDTTS đến với những sự kiện văn hóa, lễ hội là một cách để quảng bá, giới thiệu những nghề, sản phẩm đó, cũng như nét đẹp văn hóa trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào đến người dân và du khách nhiều hơn. Hiện ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn lưu giữ được nhiều ngành nghề thủ công truyền thống. Điều quan trọng là chúng ta phải có những việc làm cụ thể để đầu tư, phát triển, nâng tầm hoạt động giới thiệu nghề thủ công truyền thống ở quy mô, hình thức lớn hơn trong những sự kiện văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh./.