Khánh Hòa: Làm gì để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa?
04/07/2024 | 14:44Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa với hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị. Tuy nhiên với lợi thế lớn nhưng nhiều năm qua chỉ số ít di tích, danh lam thắng cảnh phát huy được giá trị thu hút du khách đến tham quan, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Nhiều di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp, hoang phế chưa được bảo tồn, phát huy giá trị đúng mực, khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng đặt câu hỏi: Làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa?
Tiềm năng lớn chưa được phát huy
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, hiện nay địa phương có hàng trăm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 16 di tích cấp quốc gia, 180 di tích cấp tỉnh.
Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa đã rà soát kiểm kê toàn tỉnh về di tích, qua đó tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2228/QĐ-UBND, của UBND tỉnh về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh.
Riêng huyện Diên Khánh có 118 di tích và dấu hiệu di tích, trong đó có 47 di tích cấp tỉnh và 5 di tích cấp quốc gia gồm: Am Chúa, thành cổ Diên Khánh, văn miếu Diên Khánh, đền thờ Trần Quý Cáp, miếu Trịnh Phong. Số di tích còn lại dù chưa được xếp hạng nhưng vẫn được các xã, thị trấn quản lý, giữ gìn, tôn tạo; được phân bố hầu khắp ở các địa bàn xã, thị trấn, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Diên Khánh, xã Diên An, xã Diên Lạc, xã Suối Hiệp…
Các di tích tập trung chủ yếu ở những loại hình: Di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh.
Theo ghi nhận của Văn Hóa, trong số hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh chỉ có số ít phát huy được hiệu quả trong việc thu hút du khách đến tham quan như: Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, nhà thờ Đá, danh thắng Hòn Chồng…, phần còn lại có trên trăm di tích chưa phát huy được hiệu quả.
Nhiều di tích, công trình lịch sử trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện đang xuống cấp nghiêm trọng do sự quản lý thiếu đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó có thể kể đến các di tích bị bỏ hoang, xuống cấp nhiều năm gồm: Di tích Cầu Đá (lầu Bảo Đại), Di tích ông Nguyễn Đình Thái (người dân thường gọi ông Hai Thái), Di tích Thành cổ Diên Khánh…
Về thực trạng trên, ông Lê Văn Hoa thừa nhận: Hàng trăm di tích có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn, hoàn toàn có thể trở thành chất liệu, nguồn lực để phục vụ phát triển du lịch. Chỉ riêng các di tích cấp quốc gia như: Thành cổ Diên Khánh, miếu Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp, Am Chúa, văn miếu Diên Khánh... có giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần to lớn, nhưng đến nay vẫn chưa được phát huy xứng tầm, chưa trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn thực sự là điều đáng để quan tâm, tháo gỡ.
Theo ông Lê Văn Hoa, thời gian qua, Sở VHTT đã tổ chức hội thảo, nhiều kế hoạch bảo tồn phát huy giá trị di tích. Cụ thể đã đưa ra kế hoạch, ý tưởng, y tưởng về việc xây dựng tour, tuyến du lịch hành trình tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A na, nhưng đến nay vẫn chưa thể thành hiện thực bởi nhiều vướng mắc. Hiện nay, với 3 di tích văn miếu Diên Khánh, đền thờ Trần Quý Cáp, miếu Trịnh Phong, người dân, du khách cũng rất ít lui tới.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Nghị quyết số 34/NQ/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa ngày 22.12.2023 về việc phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Đến năm 2025, lập hồ sơ quản lý chi tiết đối với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thảo khoa học giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
Lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận bảo vật quốc gia đối với Đàn đã Khánh Sơn và xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Bia chủ quyền Trường Sa; xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Tháp Bà Ponagar Nha Trang.
Thực hiện việc tôn tạo, bảo quản, tu bổ, phục hồi 23 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng, ưu tiên các di tích có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Lập Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh,…
Đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc xây dựng mới và đưa vào hoạt động có hiệu quả các thiết chế văn hóa trọng điểm của tỉnh, gồm: Bảo tàng Alexandre Yersin; Bảo tàng tổng hợp tỉnh; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật tỉnh (giai đoạn 2).
Thực hiện việc tôn tạo, bảo quản, tu bổ, phục hồi 31 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng; trong đó, hoàn thành trùng tu, tôn tạo đối với 100% di tích có hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng. Lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia tượng Tháp Bà Thiên Y A Na tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang.
Đưa du lịch văn hóa trở thành một trong một các dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch tỉnh nhà; góp phần đưa Khánh Hoà trở thành trung tâm du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là điểm đến du lịch đẳng cấp, thương hiệu, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa (nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh), cho biết: Vừa qua, tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị rà soát kiểm kê lại toàn bộ các di tích, lịch sử văn hóa trên địa bàn để có cái nhìn toàn diện hơn.
Để bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh, UBND tỉnh sẽ đầu tư 166 tỉ đồng nhằm tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích này. Theo đó, địa phương sẽ giải tỏa trong phạm vi vùng bảo vệ di tích Thành cổ Diên Khánh; tu bổ, tôn tạo, phục hồi tuyến thành đất; xây mới tuyến đường lát gạch thẻ nằm ngoài theo đường ranh giới bảo vệ trong; xây dựng 3 bãi đậu xe, xây dựng mới 2 khu vệ sinh công cộng; xây dựng mới 1 cầu Vòm bắc qua hào nước ở cổng phía Bắc; chỉnh trang hình thức các cầu công Tiền, Đông, Tây; nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào và chống thấm thành hào, đáy hào…
Ông Nguyễn Thanh Hà cho biết, dự án thực hiện thành công thì Di tích Thành cổ Diên Khánh sẽ là điểm đến thu hút đông đảo du khách tới tham quan.