Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khánh Hòa: Hơn 30.000 lượt người dân, du khách tham gia lễ hội Tháp Bà Ponagar

22/04/2022 | 13:33

Sáng 21/4, tại TP. Nha Trang, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa đã long trọng tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2022, thu hút khoảng 30.000 lượt khách hành hương, người dân trong tỉnh và du khách quốc tế.

Khánh Hòa: Hơn 30.000 lượt người dân, du khách tham gia lễ hội Tháp Bà Ponagar - Ảnh 1.

Đông đảo người dân, du khách tham gia lễ hội Tháp Bà Ponagar.

Ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra hàng năm từ ngày 21/4 - 23/4 (20 - 23/3 Âm lịch), tại di tích Tháp Bà Ponagar. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên sau gần 2 năm ngừng tổ chức, năm nay, lễ hội được tổ chức trở lại nhưng hạn chế một số chương trình để phòng, chống dịch. Lượng khách đến lễ hội cũng giảm hơn so với các lần trước đó chỉ đạt khoảng 30.000 lươt khách. Lễ hội lần này có khoảng 100 đoàn khách đăng ký dự lễ. Trong đó, có gần 4.000 đồng bào dân tộc Chăm tại địa phương và các tỉnh lân cận về với lễ hội.

Lễ hội Tháp Bà Pônagar ở tỉnh Khánh Hòa còn gọi là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Lễ vía Bà là di sản văn hoá phi vật thể, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống, đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012. Lễ hội Tháp Bà diễn ra nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên.

Theo ghi nhận của PV, ngoài người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận tham gia lễ hội, còn có sự tham gia của người Kinh (Việt) và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế ... Nữ thần Ponagar là Mẹ xứ sở của người Chăm, có tên gọi đầy đủ là Yang Pô Inư Nagar. Vốn mang trong mình tâm thức thờ Mẫu, khi người Việt vào sinh sống ở vùng đất Khánh Hòa (khoảng năm 1653) đã "tiếp biến" tín ngưỡng này và gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Lễ thay y được tiến hành đúng giờ Ngọ ngày 20/3 âm lịch. Vị chủ tế dâng trầm hương, nhang, hoa, trái cây và khấn vái. Các thành viên trong đội thay y thực hiện việc sắp xếp đồ lễ trong dinh và cởi xiêm y, mũ miện để tắm tượng. Nước dùng để tắm tượng được nấu từ rượu với nước và các cánh hoa có mùi thơm (5 loại). Sau khi tắm, tượng Mẹ được mặc xiêm y và mũ miện mới do người dân dâng cúng. Những bộ xiêm y sau khi thay được giặt sạch, rồi đưa ra trưng bày để du khách và nhân dân chiêm ngưỡng. Nước và khăn dùng để tắm tượng cho Mẹ xong được người dân xin về để lấy phước hoặc rửa mặt hay tắm cho trẻ con, hoặc tưới lên ghe thuyền, ... với mong muốn để trừ tà, trẻ con hay ăn và khỏe mạnh, người bệnh mau lành, những ghe, thuyền ra khơi gặp nhiều may mắn...

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×