Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khẳng định vai trò của Quyền tác giả đối với sự phát triển văn hóa và kinh tế

23/12/2016 | 08:47

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng đã và đang trở thành những điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế. Càng ở những quốc gia phát triển, vấn đề bản quyền càng được coi trọng như động lực phát triển kinh tế tri thức ở mỗi quốc gia.

Sau thời kỳ suy thoái công nghiệp là sự lên ngôi của nền kinh tế dựa trên tri thức, nơi các sáng tạo đóng vai trò của một tính năng thiết yếu và thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tâm điểm của nền kinh tế sáng tạo là công nghiệp sáng tạo. Đó chính là những ngành công nghiệp sử dụng văn hóa như là nguyên liệu đầu vào và có xu hướng thiên về văn hóa. Điều này càng khẳng định vai trò, mối quan hệ gắn bó giữa sự phát triển văn hóa và kinh tế.



Ngài Brian Nicholas Garnett – Chủ tịch Interight Co Limited

Ngành công nghiệp sáng tạo ngày càng có đóng góp lớn về GDP và việc làm cho nền kinh tế thế giới. Tại Hội thảo Quốc gia về vai trò của quyền tác giả đối với sự phát triển kinh tế và văn hóa vừa diễn ra tại Hà Nội, ngài Brian Nicholas Garnett – Chủ tịch Interight Co Limited cho biết, sự đóng góp của công nghiệp sáng tạo cho GDP theo từng quốc gia có sự khác biệt đáng kể, từ trên 10% ở Hoa Kỳ đến dưới 2% ở Brunei. Giá trị đóng góp cho GDP bình quân và trung bình tương ứng với 5,48% và 4,83%… Đóng góp của công nghiệp bản quyền đối với lao động trong nước cao hơn đóng góp GDP, với mức trung bình là 5,34% và bình quân 4,91%. Gần 3/4 các nước có đóng góp từ công nghiệp bản quyền chiếm khoảng 4% và 7% lao động trong nước.
 
Trong nền kinh tế sáng tạo đó, vấn đề bản quyền, trong đó có quyền tác giả và quyền liên quan giữ vai trò đặc biệt quan trọng.  Luật bản quyền quy định quyền sở hữu cá nhân đối với các tác phẩm được bảo hộ, nó dành cho những người sáng tạo sự đảm bảo công bằng về giá trị của các tác phẩm trên thị trường. Đồng thời, thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm văn hóa một các bền vững và hỗ trợ thị trường, mà thông qua đó người tiêu dùng có thể tiếp cận và hưởng thụ các sản phẩm.
 
Khác với nền kinh tế bản quyền truyền thống khi khai thác chủ yếu về nội dung dưới dạng vật thể (vd: sách, băng, đĩa…), khai thác thứ cấp theo giấy phép, cuộc cách mạng khoa học công nghệ với sự xuất hiện của công nghệ thông tin, số hóa, internet, các thiết bị điện thoại thông minh… đã giúp cho việc phổ biến và phân phối tác phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, mang đến cho chủ sở hữu quyền tác giả những thị trường rộng lớn, tuy nhiên cũng hàm chứa nhiều rủi ro, khi chưa bao giờ quyền tác giả lại dễ bị “đánh cắp” và khó thực thi đến vậy.


Ông Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam

Đúng như ông Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, phát triển kỳ diệu, ngoạn mục, vượt lên trên mong muốn con người. Công nghệ thông tin thay đổi thứ hạng các quốc gia. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, Công nghệ thông tin tôn vinh và cải tạo từng con người, trong đó có những người làm bản quyền. Công nghệ thông tin làm đảo luộn cuộc sống và cách làm truyền thống”.
 
“Xã hội mạng là tổng kho trí thức của loài người, hiện nay 70% tri thức của chúng ta từ đọc, nghe, xem… chủ yếu từ môi trường mạng. Chúng ta hưởng thụ văn minh của cả loài người nhưng lại thiếu trách nhiệm với những người sáng tạo văn minh đó. Càng vào thời đại phát triển, vấn đề bản quyền càng trở nên cần thiết."

Ông cũng khẳng định, quản lý bản quyền tác giả là một trong 3 lĩnh vực khó làm nhất hiện nay (cùng với quản lý nợ xấu tại các ngân hàng và quản lý chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào cung cấp cho xã hội). Tuy khó khăn, nhưng quản lý bản quyền tác giả lại là vấn đề vô cùng quan trọng bởi nó liên quan đến văn minh, trí tuệ, kinh tế, văn hóa.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản Quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký kết tham gia các điều ước quốc tế về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan như: Công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học; Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng; Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi ấm chống lại việc sao chép trái phép bản ghi của họ; Công ước Brucxell bảo hộ các tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; Hiệp định TRIPs của WTO. Việt Nam cũng đã ký kết, kết thúc đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới trong đó có nội dung cam kết về quyền tác giả, quyền liên quan như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -  Hàn Quốc; Liên minh kinh tế Á – Âu: Việt Nam – Nga – Belarut – Kazakhstan – Armenia; Việt Nam – EU…

Để đàm phán ký kết gia nhập các điều ước quốc tế, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế đáp ứng thực hiện cam kết bảo hộ cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan của Việt Nam và các nước thành viên của các điều ước quốc tế.

Tuy nhiên, kết quả thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam vẫn chưa như mong muốn. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: báo chí, xuất bản, điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc, phát thanh, truyền hình… đặc biệt là những vi phạm quyền tác giả,quyền liên quan trên môi trường internet.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy việc thực thi các quyền tác giả và quyền liên quan một cách hiệu quả nhất./.

Gia Linh


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×