Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khẳng định vai trò của mặt trận văn hóa – văn học nghệ thuật

23/06/2011 | 03:11

Vừa qua, tại Đà Nẵng, Hội  đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn nghiên cứu quán triệt “Những nội dung cơ bản và mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật trong các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng”.

Dự hội nghị có cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa- văn nghệ thuộc Ban Tuyên giáo; các Hội Văn học nghệ thuật; cán bộ, biên tập viên các báo, đài, các nhà xuất bản tại 19 tỉnh Khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh- Phó Chủ tịch Thường trực Hội  đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: “Văn hóa- văn học, nghệ thuật luôn là nền tảng tinh thần đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Nhận thức được vấn đề có tính nguyên lý này, khi định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ mới, từ trước khi diễn ra Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã chủ trương “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”.

Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh khẳng định: “Nhiệm vụ phát triển văn hóa- văn học nghệ thuật trong tình hình mới có vị trí cực kỳ quan trọng”. Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, vấn đề văn hóa- giáo dục luôn được quan tâm đúng mức. Trong phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước đến năm 2020, mục tiêu phát triển văn hóa- xã hội là mục tiêu thứ 5 trong 9 mục tiêu cơ bản.

Trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), khi đề cập những định hướng lớn về phát triển đất nước vấn đề văn hóa được đặt ở vị trí thứ 2.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội năm 2011-2020, Đảng ta nêu rõ quan điểm “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược” và để đạt được sự phát triển bền vững thì “tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa”.

Tuy nhiên, theo đồng chí, việc triển khai nhiệm vụ  trên trong thời kỳ mới cũng hết sức khó khăn vì các thế lực cơ hội, thù địch, phản động đã và đang triệt để sử dụng văn hóa- văn học, nghệ thuật như một công cụ hữu hiệu chống phá cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh yêu cầu đội ngũ làm công tác chỉ đạo, quản lý, hoạt động sáng tạo trên lĩnh vực này cần thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa- văn học, nghệ thuật, trên cơ sở đó tạo sự bứt phá và bước chuyển mới về chất theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và các văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Các văn kiện góp phần định hướng văn học, nghệ thuật phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày một cao của công chúng. Những người cầm bút phải bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và tư tưởng chính trị vững vàng để có khả năng phát hiện và đấu tranh kịp thời với những quan điểm sai trái, lệch lạc, đi chệch hoặc đi ngược chủ trương, đường lối của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội nghị  diễn ra trong hai ngày 18 và 19/6/2011. Đây là hội nghị thứ ba cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa- văn nghệ thuộc Ban Tuyên giáo; các Hội Văn học nghệ thuật; cán bộ, biên tập viên các báo, đài, các nhà xuất bản sau khu vực phía Bắc (tại Hà Nội) và phía Nam (tại TP Hồ Chí Minh) do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức vừa qua.

(Theo: www.chinhphu.vn)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×