Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

27/02/2023 | 15:35

Tám thập kỷ đã trôi qua, song tính chất soi đường của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn vẹn nguyên giá trị và được Đảng ta kế thừa, bổ sung và phát triển.

Sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận văn hóa ở Việt Nam

Sáng 27/2, tại phiên thảo luận chuyên đề "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hoá Việt Nam" trong khuôn khổ Hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển", GS. TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam.

"Ở đây không phải chỉ là việc sử dụng phương thức hoạt động văn hóa để thực hiện mục tiêu vận động chính trị (như các chí sĩ yêu nước lúc đó thường làm) mà là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời một nền văn hóa mới sau khi cách mạng chính trị thành công, là sự vận động văn hóa như là một mặt trận, một sức mạnh đặc biệt góp phần cho sự phát triển của cách mạng chính trị", GS.TS Đinh Xuân Dũng cho biết.

Khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển".

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ nói về văn hóa hoặc chỉ có giá trị đối với lĩnh vực văn hóa cụ thể, mà còn góp phần tạo nên cội nguồn, động lực cho sức mạnh tổng hợp của cách mạng để dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ tầm nhìn đó, có thể thấy rằng, mặc dù sau 80 năm nhìn lại, nhưng giá trị lớn của Đề cương vừa có ý nghĩa lịch sử mang tính bước ngoặt của giai đoạn 1943 - 1945 đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, vừa có tầm nhìn như là sự khai phá mở đường, đặt nền móng vững chắc và đúng đắn cho toàn bộ quá trình tìm tòi, xây dựng hệ thống quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa.

Theo GS. TS Đinh Xuân Dũng, công cuộc cải tạo xã hội sau khi cách mạng chính trị thành công và trong khi đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế đòi hỏi một tư duy sâu sắc hơn nhiều, đó là, chỉ có thể hoàn thành triệt để công cuộc cải tạo đó bằng cách phải hoàn thành đồng thời cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa mà Đề cương về văn hóa Việt Nam gọi là "ba mặt trận". Toàn bộ nội dung cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam đều xuất phát từ luận điểm gốc trên, mà triết lý của nó là phép biện chứng trong xử lý quan hệ giữa ba mặt trận đó. Lơi lỏng mặt trận nào hay chỉ nhấn mạnh mặt trận này, coi nhẹ mặt trận kia đều rơi vào tình trạng bất lợi cho sự phát triển, nếu không muốn nói là có thể dẫn tới xung đột, khủng hoảng xã hội.

Có thể nhận thấy rằng, sau 80 năm Đề cương ra đời, tuy có một số nhận định cụ thể đã bộc lộ hạn chế lịch sử của nó, nhưng luận điểm về tính tất yếu tiến hành cuộc vận động văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới vẫn giữ nguyên giá trị với ý nghĩa là một quy luật, một đòi hỏi mang tính khách quan và tính thời sự của nó.

Khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 - Ảnh 2.

GS.TS Đinh Xuân Dũng phát biểu tham luận.

Nếu coi Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận văn hóa ở Việt Nam, thì trong 80 năm qua, nhiều luận điểm của Đề cương đã được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú hơn.

"Trong vị trí lịch sử của nó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 hoàn toàn có giá trị như là một Cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của chúng ta" GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định.

Tiếp tục rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Làm rõ hơn giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hoá Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, ra đời trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nước ta chuyển biến nhanh chóng, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ mang ý nghĩa kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, mà còn hiện thân cho tinh thần đấu tranh chống lại chính sách văn hóa thực dân, phát xít, chống lại các tư tưởng phản động hoặc những luận thuyết, trào lưu văn nghệ không có lợi cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.

Đề cương ra đời vào năm 1943 - khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang chuyển sang giai đoạn chuẩn bị trực tiếp cho đấu tranh giành chính quyền. Thực dân Pháp và phát xít Nhật đều ra sức lôi kéo, ru ngủ trí thức, văn nghệ sĩ, thực hiện các chính sách đầu độc về tư tưởng, hủy hoại nền văn hóa dân tộc với cường độ chống phá lớn hơn và thủ đoạn xảo quyệt hơn, mưu toan làm suy yếu sức mạnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

PGS. TS Đoàn Minh Huấn khẳng định, Đề cương đã bóc trần bản chất phản động trong chính sách văn hóa của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nguy cơ hủy hoại nền văn hóa dân tộc, đầu độc nhân dân, ru ngủ trí thức, văn nghệ sĩ, mưu toan làm cho họ quên đi trách nhiệm xã hội của người cầm bút trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Đề cương minh định nguyên tắc "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" trong cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận văn hóa.

Đề cương khẳng định Đảng phải nắm lấy, giữ vững vai trò lãnh đạo trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật; sử dụng đa dạng, linh hoạt phương thức đấu tranh trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương tiếp tục rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay, PGS. TS Đoàn Minh Huấn cho rằng, Đề cương được xem như cương lĩnh văn hóa soi đường, dẫn lối, thúc đẩy mặt trận văn hóa trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới sau ngày giành độc lập, thống nhất. Nhìn từ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, Đề cương vẫn thổi hơi nóng mang tính thời sự.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ảnh 1.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tham luận.

Theo PGS.TS Đoàn Minh Huấn, giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương cho thấy, nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ luôn đặt ra ở mọi thời kỳ, nhưng tùy từng bối cảnh và mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng cụ thể mà lựa chọn nội dung đấu tranh phù hợp. Chủ nghĩa đế quốc văn hóa vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức đa dạng, tinh vi, được truyền bá qua các học thuyết chính trị - an ninh, qua sức mạnh mềm, qua xuất - nhập khẩu văn hóa phẩm, qua các nền tảng số xuyên biên giới...

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không từ một thủ đoạn nào mưu toan phủ nhận thành tựu của nền văn nghệ cách mạng, xuyên tạc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, cổ xúy cho cái gọi là "văn nghệ độc lập với chính trị", ra sức kích động, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ qua không gian mạng. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" ban hành kịp thời đã có tác dụng định hướng tư tưởng - lý luận, tập hợp lực lượng, tổ chức các phương thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và tư tưởng văn hóa, văn nghệ nói riêng.

Chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ rất phức tạp; có hoạt động công khai chống phá trắng trợn; có hoạt động xuyên tạc, chống phá tinh vi núp bóng các hình tượng văn học, nghệ thuật; có hoạt động chống phá từ bên trong, hoặc từ bên ngoài; có hoạt động cấu kết, phối hợp trong - ngoài... Không ít người cầm bút lừng chừng, ngả nghiêng, dao động; có người đã từng tham gia cách mạng chuyển sang "trở cờ", "sám hối", phủ nhận cả những "đứa con tinh thần" của mình trước đây.

Theo PGS. TS Đoàn Minh Huấn, từ tinh thần của Đề cương cho thấy, muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải nhận diện đúng các biểu hiện chống phá, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị hoặc hành vi có nguy hại đến tư tưởng, văn hóa, trên cơ sở đó mới xác định đúng phương pháp đấu tranh từng đối tượng.

"Tinh thần của Đề cương dạy chúng ta không vơ đũa cả nắm, phân biệt rõ tư tưởng văn hóa phản động với những tư tưởng ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ mà không có lợi cho nhiệm vụ cách mạng trong những giai đoạn cụ thể; bọn bồi bút, bám gót ngoại bang và những người lừng chừng, hoài nghi, dao động, ngả nghiêng; những người thể hiện "trách nhiệm xã hội" của trí thức bằng phản biện với những kẻ mượn danh "phản biện" để chống phá...", PGS. TS Đoàn Minh Huấn khẳng định.

Theo PGS. TS Đoàn Minh Huấn, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh trên địa hạt tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ là đập tan mọi chính sách, thủ đoạn thực dân về văn hóa, cô lập bọn phản động, phần tử cơ hội nhưng giáo dục, cảm hóa, lôi kéo những người lừng chừng đứng về phía đất nước, nhân dân, vì chân lý, lẽ phải. Nhờ chỉ dẫn của Đề cương mà Đảng đã giáo dục, lôi cuốn không ít nhà văn hóa, văn nghệ sĩ trước đó ẩn dật, nương náu trong "tháp ngà nghệ thuật" từng bước thay đổi lập trường, tham gia sự nghiệp cứu nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của người cầm bút, có nhiều đóng góp quan trọng cho dân tộc và nhân dân.

Khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 - Ảnh 4.

Quang cảnh Hội thảo sáng 27/2.

Thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc

Phát biểu tham luận "Vận dụng tư tưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Nam Định", ông Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo là một Văn kiện lịch sử, một di sản văn hóa vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện ý chí nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn và dân chủ. Đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt với tầm nhìn chiến lược của Ðảng đối với sự phát triển của đất nước ngay từ khi cách mạng còn chưa giành được chính quyền về tay nhân dân. .

Tám thập kỷ đã trôi qua, song tính chất soi đường của Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị và được Đảng ta kế thừa, bổ sung và phát triển; tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Lê Quốc Chỉnh, tiếp tục vận dụng sáng tạo những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam và những chủ trương của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX đã xác định: "Tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy yếu tố văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư". Phát huy những kết quả đã đạt được và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

"Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh - người soạn thảo bản Đề cương về văn hóa Việt Nam; trong thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển văn hóa; để văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh, phát triển bền vững", ông Lê Quốc Chỉnh khẳng định.

Xuân Trường - Ảnh: Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×