Khán giả Campuchia xúc động với chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam
15/08/2022 | 15:27Chương trình diễn ra với thời lượng hơn 70 phút, bao gồm nhiều tiết mục được các nghệ sĩ đầu tư công phu, nghiêm túc, mang đến một bữa tiệc nghệ thuật ấn tượng, làm thỏa lòng khán giả.
Chiều 13.8, tại TP Siem Reap, tỉnh Siem Reap, Campuchia, đoàn nghệ sĩ Việt Nam đã có buổi biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia (từ 9-14.8). Tham dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Hoàng Đạo Cương; ông Ing Kimleang, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Siem Reap; ông Nguyễn Thành Văn, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang, Campuchia, đặc biệt là đông đảo học sinh-sinh viên Việt Nam và Campuchia đang sinh sống và học tập tại địa phương.
Chương trình diễn ra với thời lượng hơn 70 phút, bao gồm nhiều tiết mục được các nghệ sĩ đầu tư công phu, nghiêm túc, mang đến một bữa tiệc nghệ thuật ấn tượng, làm thỏa lòng khán giả.
Theo đó, chương trình biểu diễn nghệ thuật do Nhà hát Nhạc, Vũ, Kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trình diễn, bao gồm chương trình biểu diễn ca, múa, nhạc Việt Nam, trình diễn nhạc cụ dân tộc và các tiết mục hát opera, múa ballet cổ điển.
Trong phần đầu chương trình, ca sĩ Tố Loan và và tập thể múa nam nữ diễn viên mang đến ca khúc Hello Việt Nam (Sáng tác: Marc Lovoine và Yvan Coriat). Ngay sau đó, độc tấu đàn bầu: Cung đàn đất nước (Sáng tác: Kim Thành) do nghệ sĩ Lê Thùy Linh và tốp nhạc đã mang đến những giây phút trầm lắng, làm xao xuyến người nghe, đặc biệt là những người con xa xứ không khỏi da diết nhớ quê khi tiếng đàn bầu khoan nhặt cất lên giữa không gian tĩnh lặng quê người…
Tiếp theo, tiết mục múa: Nón ba tầm (Âm nhạc: NSND Quang Vinh, Biên đạo múa: NSND Hồng Phong) do tốp múa biểu diễn và ca khúc Quảng Bình quê ta ơi (Sáng tác: Hoàng Vân) do ca sĩ Trần Trang vút lên càng khiến những người con nơi đất khách có dịp được trải lòng, dìu dặt theo cung đàn, tiếng hát và những điệu múa quê hương.
Chương trình nghệ thuật tiếp tục đưa người xem đến vùng Tây Nguyên hùng vĩ và đầy sức sống qua các tiết mục độc tấu đàn T’rưng Mùa hái quả (Sáng tác: Hữu Xuân) do NSƯT Hoa Đăng trình diễn. Bằng ngón đàn điêu luyện, nữ nghệ sĩ đã đưa khán thính giả biết đến một nhạc cụ độc đáo của đồng bào và cả văn hóa đặc sắc nơi vùng cao của các cộng đồng cư dân Việt… Ngoài ra, chương trình còn biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc như Hát: Arab pi ya (Dân ca Campuchia) do ca sĩ Tố Loan trình bày; độc tấu Sáo: Lý Hoài nam (Sáng tác: Nguyễn Văn Thương phát triển từ dân ca Việt Nam) do nghệ sĩ trẻ Hải An trình diễn…
Không chỉ đưa khán giả đi dọc Việt Nam với các làn điệu quê hương, trong phần 2 chương trình, khán giả trầm trồ thán phục khi được xem trích đoạn vở Ballet Duo Hồ Thiên Nga (Âm nhạc : P.I.Tchaikovsky, Biên đạo múa: Marius Petipa, Lev Ivanov) do hai diễn viên trẻ Đức Hiếu, Thu Hằng cùng tập thể nữ diễn viên thể hiện. Tiếp theo đó là các tác phẩm đơn ca nữ: Queen of the night aria (Âm nhạc:Wolfgang Amadens Mozart) qua giọng Opera Tố Loan và đơn ca nam: O sole Mio (Âm nhạc: Eduardo di Capua) với giọng hát đầy nội lực của nam ca sĩ Anh Vũ.
Ca sĩ Trang Trần và Anh Vũ có màn song ca bản Brindisi (Âm nhạc: Giuseppe Verdi) đồng điệu, mang đến những tràng pháo tay tán thưởng không ngớt. Chương trình biểu diễn kết lại với Bài ca hữu nghị Việt Nam Campuchia Samaki (Sáng tác: Bảo Chung) do toàn đoàn nghệ sĩ thể hiện đã mang đến không khí vui tươi, đầy sắc màu trên sân khấu nơi đất bạn.
Khán giả xem chương trình
Kết thúc chương trình, nhiều khán giả vẫn không muốn rời đi, các bạn trẻ nán lại sân khấu để chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ sĩ, diễn viên và bày tỏ tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ. Nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Panhasak, Camuchia cho biết các em vô cùng xúc động khi được xem chương trình nghệ thuật chất lượng như vậy. “Đây là lần đầu tiên chúng em được thưởng thức một chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ Việt Nam, chúng em thấy vô cùng ngưỡng mộ các nghệ sĩ và mong muốn được có thêm nhiều chương trình đặc sắc như vậy”, các sinh viên bày tỏ.
Trong khi đó, cô giáo Lê Thị Thùy Linh, giáo viên Trường tiểu học Hữu nghị Khmer Việt Nam ở tỉnh hội Siem Reap, cho hay: “Khi xem chương trình, tôi thấy rất nhớ quê hương Việt Nam của mình, đặc biệt là những tiết mục trình diễn nhạc cụ dân tộc. Chương trình nghệ thuật được đầu tư rất chất lượng, tôi thấy hơi tiếc vì không có điều kiện đưa hết các học sinh cũng như bạn bè của mình đến xem nhiều hơn”.
Những cái ôm chặt, những lời động viên, khen ngợi chân tình của lãnh đạo tỉnh bạn cũng như khán giả đã tiếp thêm sức mạnh cho các nghệ sĩ, diễn viên sau bao vất vả để mang đến một chương trình nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu được nền văn hóa truyền thống phong phú, giàu bản sắc của Việt Nam, đồng thời thể hiện tình hữu nghị trong quan hệ láng giềng của hai nước.
Theo Báo Văn Hóa