Khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp tại Hậu Giang
23/07/2019 | 09:30Cùng với kỳ vọng xây dựng một "Hậu Giang xanh" thì phát triển du lịch nông nghiệp, gắn với làm nông nghiệp thông minh là định hướng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu của thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: Đài PTTH Lâm Đồng
Vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản số 1671/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai thực hiện kết quả Hội thảo "Chung tay làm du lịch nông nghiệp".
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở VHTTDL chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp đã ký kết Ghi nhớ hợp tác tại Hội thảo, bàn chi tiết để hình thành những dự án hợp tác du lịch phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến trước ngày 15/8/2019.
Riêng đối với dự án hợp tác khai thác du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, phải phối hợp thật tốt về mặt pháp lý với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý Khu Bảo tồn Lung Ngọc Hoàng trên cơ sở các quy hoạch đã phê duyệt và các quy định của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
Đồng thời xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp, chủ đầu tư có năng lực tài chính, có chuyên môn về du lịch để phát triển một số mô hình mẫu về du lịch nông nghiệp gắn với các loại hình lưu trú khác nhau, với phát triển làng nghề truyền thống ở địa phương; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân làm du lịch nông nghiệp.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong khu vực để liên kết, mở rộng thị trường, mời gọi các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Hậu Giang.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở Kế hoạch phát triển du lịch của địa phương mình, tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn, từ đó có giải pháp phát triển phù hợp các sản phẩm chủ lực, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, mang tính cạnh tranh, nghiên cứu áp dụng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, khai thác.
Đặc biệt trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp cần lưu ý gắn với phát triển làng nghề truyền thống ở địa phương, với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của khu vực nông thôn, ưu tiên đầu tư khai thác hiệu quả các sản phẩm làng nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc.