Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai thác, phát huy hơn nữa những nội hàm của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

22/02/2023 | 11:24

80 năm về trước, tháng 2/1943, Đề cương về văn hoá Việt Nam - văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ của Đảng ta do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị.

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ VHTTDL phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển". Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Khai thác, phát huy hơn nữa những nội hàm của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước - Ảnh 1.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các đơn vị liên quan có tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển"

Thưa bà, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời có ý nghĩa như thế nào trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ?

- Những năm 40 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp. Phát xít Nhật tranh giành quyền cai trị nước ta với thực dân Pháp. Nhân dân ta chịu ách "một cổ hai tròng". Mâu thuẫn trong xã hội gia tăng. Cả phát xít Nhật – Pháp đều thực thi chính sách nô dịch văn hóa trên đất nước ta. Trong xã hội, không ít người tỏ ra hoang mang, dao động, phân vân trước thời cuộc. Trong bối cảnh đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Trung ương Đảng thông qua, chỉ 2 năm trước khi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám diễn ra. Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ có ý nghĩa đối với việc xây dựng một nền văn hóa mới, mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 mang tầm vóc lớn hơn rất nhiều. Đề cương giống như ngọn đuốc trí tuệ thức tỉnh và tập hợp các lực lượng trong xã hội đứng vào hàng ngũ cách mạng do Đảng lãnh đạo để hướng đến mục tiêu giành độc lập dân tộc, giành tự do cho đất nước.

Đối với sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam, Đề cương không chỉ phân tích tình hình văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ, đề ra những nguyên tắc, nội dung, nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa mới trên tinh thần gìn giữ, cổ vũ cho những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chống lại các phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng, xa rời đại chúng mà quan trọng hơn, Đề cương đã hình thành một hệ thống lý luận cơ bản của Đảng về văn hóa, về cách mạng văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới dân chủ, tiến tới là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, Đề cương về văn hóa Việt Nam được xem là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, vừa có giá trị lịch sử, vừa mang tầm vóc thời đại. Tám mươi năm đã trôi qua, nhưng cách đặt vấn đề của Đề cương về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, những nguyên tắc "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa", phương châm "xây" và "chống" mềm dẻo, linh hoạt, … vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, chúng ta xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với các đặc trưng "dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học", đó chính là sự kế thừa, phát triển các nguyên tắc vận động của nền văn hóa mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đề ra.

Khai thác, phát huy hơn nữa những nội hàm của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước - Ảnh 2.

Khơi dậy giá trị văn hoá, sức mạnh của con người Việt Nam trở thành một trong các nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay (ảnh minh họa)

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được ví như một cương lĩnh của Đảng về văn hoá, minh chứng rằng, ngay từ khi Đảng ta chưa giành được chính quyền, văn hóa đã rất được quan tâm. Theo bà, quan điểm về văn hóa của Đảng ta đã có sự kế thừa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

- Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giành sự quan tâm đến lĩnh vực văn hoá. Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 cho đến gần đây nhất là Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thể hiện một tinh thần nhất quán: coi văn hóa là một trong các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, coi lãnh đạo văn hóa là nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khẳng định rằng lĩnh vực văn hoá, mặt trận văn hóa là một trong 3 mặt trận người chiến sĩ Cộng sản phải hoạt động. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn lĩnh vực cũng phải coi là quan trọng như nhau, đó là kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Nghị quyết 33 của Hội nghị TW 9 khóa XI (2014) lại tiếp tục khẳng định văn hóa cần phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lại tiếp tục khẳng định vị trí vai trò quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước: Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng, là động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Khơi dậy giá trị văn hoá, sức mạnh của con người Việt Nam trở thành một trong các nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Khai thác, phát huy hơn nữa những nội hàm của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước - Ảnh 3.

Trong quá trình hội nhập, chính bản sắc văn hóa đã tạo nên sức mạnh mềm, góp phần định vị hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế (ảnh minh họa Nam Nguyễn)

Trong giai đoạn hiện nay, những nguyên tắc về văn hóa như khoa học, dân tộc, đại chúng có cần bổ sung để phù hợp không, thưa bà?

- Trong bối cảnh đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, những nguyên tắc "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 xác lập vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta hội nhập quốc tế nhưng đồng thời cũng phải giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập chứ không hòa tan. Và trong quá trình hội nhập ấy, chính bản sắc văn hóa đã tạo nên sức mạnh mềm, góp phần định vị hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 cũng đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển văn hoá, con người.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong phát triển văn hoá, con người cũng là nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Và nền văn hóa của chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của dân, do dân, vì dân; nhân dân là chủ thể sáng tạo ra những giá trị văn hóa nhưng đồng thời cũng là người thực hành, lưu giữ, trao truyền và hưởng thụ những giá trị văn hóa đó. Chính vì vậy, có thể khẳng định, các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Chỉ có điều chúng ta cần kế thừa, phát huy, mở rộng hơn nữa những nội hàm của các nguyên tắc này kể cả về phương diện lý luận và thực tiễn để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như phù hợp với bối cảnh của thời đại.

Khai thác, phát huy hơn nữa những nội hàm của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước - Ảnh 4.

Bà Vũ Thị Phương Hậu- Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các đơn vị liên quan có tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", theo bà, hội thảo có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

- Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển của đất nước. Sự quan tâm của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ đối với sự phát triển văn hóa trong thời gian vừa qua đã gia tăng các xung lực thúc đẩy văn hóa nước nhà phát triển. Hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, thể hiện quyết tâm chấn hưng nền văn hóa dân tộc của toàn Đảng, toàn xã hội. Quán triệt tinh thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo về Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới (2022), cũng như Hội thảo Văn hóa năm 2022 do Quốc hội tổ chức là một chuỗi các sự kiện mà một lần nữa làm gia tăng nhận thức của xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước. Các cuộc Hội nghị, Hội thảo này đặt ra nhiều vấn đề cả phương diện lý luận, cả phương diện thực tiễn cấp bách hiện nay để chúng ta phải quan tâm cùng nhau giải quyết. Hy vọng rằng sự đồng hành tư duy từ các cấp ủy Đảng, cho đến đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và toàn xã hội sẽ tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển văn hóa đất nước trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu!

Hà An (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×