Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khái quát về nội dung và một số điểm mới của Luật Thư viện 2019

19/12/2019 | 20:52

Luật Thư viện được ban hành đã cụ thể hoá các chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp 2013 quy định về quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hoá.

Khái quát về nội dung và một số điểm mới của Luật Thư viện 2019 - Ảnh 1.

Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14. Ngày 03 tháng 12 năm 2019, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 09/2019/L-CTN công bố Luật Thư viện. Luật Thư viện được ban hành đã cụ thể hóa các chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp 2013 quy định về quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hoá. Các quy định này tác động đến việc phục vụ học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tạo điều kiện để người dân trở thành chủ thể chính trong hoạt động thư viện, được quyền thành lập, hoạt động và sử dụng thư viện.

Luật Thư viện ban hành tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam phát triển, khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hoá, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Luật Thư viện thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện; khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện; kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa thư viện công lập, khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập; hiện đại hóa hoạt động thư viện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên thông thư viện.

Được xây dựng trên quan điểm hoàn thiện pháp luật về thư viện, bảo đảm đồng bộ, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn, Luật Thư viện gồm 06 chương, 52 Điều với những nội dung chính như sau:

Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Luật Thư viện quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

Chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện (Điều 5) và xã hội hóa hoạt động thư viện (Điều 6)

Luật Thư viện xác định chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện ở 03 cấp độ, cụ thể là:

Thứ nhất, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập như sau (1) Đầu tư trọng điểm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và một số thư viện có vai trò quan trọng. (2) Đầu tư cho một số hoạt động thư viện như: hiện đại hóa, xây dựng thư viện số, liên thông thư viện và hợp tác quốc tế để bảo đảm việc tiếp cận thông tin ở mọi dạng thức trong xu thế phát triển khoa học, công nghệ và thư viện số.

Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ: cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Thứ ba, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện. Nội dung này được cụ thể hóa tại Điều 6 của Luật, theo đó: cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ, viện trợ, đóng góp phát triển sự nghiệp thư viện, văn hóa đọc, xây dựng và phát huy không gian đọc, phòng đọc cơ sở và được hưởng các ưu đãi, được ghi nhận và vinh danh theo quy định của pháp luật.

Thành lập thư viện (Điều 9 đến Điều 23)

Luật đã xác định các loại thư viện và quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng loại thư viện ở Việt Nam bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam (Điều 10), Thư viện công cộng (Điều 11), Thư viện chuyên ngành (Điều 12), Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 13), Thư viện đại học (Điều 14), Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác (Điều 15), Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (Điều 16) và Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam (Điều 17).

Trên cơ sở xác định các loại thư viện, Luật đã quy định về thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện với các nội dung về điều kiện thành lập thư viện (Điều 18), thành lập thư viện công lập (Điều 19), thành lập thư viện ngoài công lập (Điều 20), sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện (Điều 21), đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện (Điều 22) và thông báo việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện (Điều 23). Điểm mới so với quy định hiện hành là các thư viện ngoài công lập không phải đăng ký hoạt động mà chỉ thực hiện thủ tục thông báo. Theo quy định của Luật Thư viện: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ thông báo đối thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam có trụ sở trên địa bàn; Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có trụ sở trên địa bàn và Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cộng đồng có trụ sở trên địa bàn.

Hoạt động thư viện (Điều 24 đến Điều 37)

Điểm mới của Luật Thư viện so với Pháp lệnh Thư viện trước đây là đã có một chương với 14 điều quy định về hoạt động thư viện. Luật Thư viện đã quy định các nguyên tắc hoạt động thư viện, bao gồm:

- Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân.

- Tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện.

- Thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến.

- Thực hiện liên thông thư viện.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật hóa quy trình hoạt động chuyên môn nghiệp vụ mà các thư viện cần triển khai thực hiện, bổ sung một số các hoạt động nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông thư viện, tăng cường liên kết, chia sẻ, phát triển văn hóa đọc và hợp tác quốc tế về thư viện. Từ đó tạo ra sự thống nhất, chuẩn hóa trong hoạt động thư viện, tạo hành lang pháp lý để các thư viện đổi mới hoạt động, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và học tập suốt đời của người dân.

Để các thư viện quan tâm nhiều hơn đến việc liên kết, chia sẻ với nhau trong hoạt động thư viện, Luật Thư viện đã đặt ra những quy định cụ thể hơn về liên thông thư viện. Liên thông thư viện là là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, tiện ích, kết quả xử lý và các sản phẩm, dịch vụ thư viện.Thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập (khoản 4 Điều 24). Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách Nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện.

Theo quy định của Luật Thư viện, liên thông thư viện bao gồm các nội dung: Hợp tác trong việc bổ sung, mua, thu thập tài nguyên thông tin dùng chung và hợp tác trong xây dựng mục lục liên hợp; Chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện và liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện.

Theo đó, việc liên thông thư viện được thực hiện theo các phương thức: Liên thông theo khu vực địa lý; theo nhóm thư viện có chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ tương đồng; theo nội dung, lĩnh vực tài nguyên thông tin thư viện và liên thông giữa các loại thư viện.

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện (Điều 38 đến Điều 44)

Luật đã cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện, trong đó:

Mở rộng quyền của thư viện nhằm tăng cường năng lực, tính chủ động, bảo đảm điều kiện cho thư viện nâng cao chất lượng phục vụ người sử dụng (quy định tại Điều 38 và Điều 39 về quyền và trách nhiệm của thư viện);

Bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người làm công tác thư viện, tạo điều kiện để thu hút nguồn nhân lực thư viện (quy định tại các Điều 40 và 41 về quyền và nghĩa vụ của người làm công tác thư viện);

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và học tập suốt đời trong thư viện của người sử dụng thư viện (quy định tại các Điều 42, 43 và 44 về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện);

Đề cao và bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thành lập, trực tiếp quản lý và có liên quan đến hoạt động thư viện nhằm bảo đảm các nguồn lực để thư viện hoạt động hiệu quả (quy định tại các Điều 45, 46 và 47).

Quản lý nhà nước về thư viện (Điều 48 đến Điều 50)

Thiết lập hành lang pháp lý cho việc tăng cường quản lý nhà nước về thư viện với việc xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ trên tinh thần Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thư viện (Điều 48); xác định trách nhiệm trong quản lý nhà nước về thư viện của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan khác (Điều 49); xác định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp đối với thư viện tại địa phương (Điều 50).

Luật Thư viện có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020./.

Minh Tuệ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×