Khai quật khảo cổ học ở phế tích tháp Champa Ðại Hữu: Xuất lộ nhiều điều thú vị
01/08/2023 | 17:18Sau gần 2 tháng làm việc liên tục, cuộc khai quật khảo cổ phế tích tháp Ðại Hữu có niên đại thế kỷ XII - XIII ở thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát), do Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện đã làm xuất lộ nhiều kiến trúc, hiện vật độc đáo.
Thêm nhiều hiện vật
Phế tích tháp Đại Hữu được đề cập lần đầu tiên trong công trình nghiên cứu “Thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại An Nam” của tác giả Henri Parmentier xuất bản năm 1909. Trong quá trình khảo sát, Henri Parmentier phát hiện nhiều hiện vật điêu khắc đá Champa; trong đó, có pho tượng thần Shiva - hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Gần khu vực phế tích tháp Đại Hữu, người Pháp đã phát hiện thêm một bia ký (gọi là bia Chánh Mẫn)- hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Năm 2018, phế tích tháp Đại Hữu được Bảo tàng tỉnh khảo sát lại và cập nhật vào hệ thống tra cứu bản đồ khảo cổ học Bình Định. Nhằm mục đích làm rõ kiến trúc còn lại trong lòng đất, từ ngày 25.4 - 15.6.2023, Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành cuộc khai quật phế tích tháp Đại Hữu với diện tích 200 m2. Quá trình khai quật đã làm xuất lộ phần kiến trúc tháp nằm ở độ sâu so với lớp mặt đất từ 0,5 - 1,8 m, gồm: Phần tường tháp phía Bắc có chiều dài 3,7 m; tường tháp phía Nam chiều dài 4,5 m; tường tháp phía Đông không còn, nhưng xuất lộ hệ thống chân móng tháp phát triển về cả ba hướng Đông, Nam, Bắc. Ngoài ra, cũng phát hiện được nhiều hiện vật chất liệu đá, đất nung, như: Bệ thờ, bia ký Champa, phù điêu trang trí, chày nghiền; gạch, chóp tháp góc, gốm trang trí điểm góc, đồ gốm gia dụng của Champa và Trung Quốc… Đặc biệt, phát hiện hố thiêng giữa lòng tháp được xây bằng gạch có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 0,5 m, độ sâu 2,42 m.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Hố thiêng nằm giữa lòng tháp được xem là linh thiêng nhất, trước khi tiến hành xây dựng ngôi tháp người Champa sẽ làm hố thiêng, đây là nghi thức đầu tiên. Trước đây, Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành nhiều cuộc khai quật khảo cổ tại các phế tích Champa trên địa bàn tỉnh, nhưng chỉ có phế tích thành Cha (TX An Nhơn) phát hiện hố thiêng bằng cát, có độ sâu khoảng 0,5 - 0,7 m, còn hố thiêng tại phế tích tháp Đại Hữu xây bằng gạch”.
Cần khai quật, nghiên cứu tổng thể
TS Phạm Văn Triệu, Phó trưởng Phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) - chủ trì đợt khai quật, cho biết: Với quy mô kiến trúc to lớn, cùng với trang trí mỹ thuật đẹp của phế tích tháp Đại Hữu đã phản ánh được thời kỳ này ổn định về chính trị, kinh tế, nhu cầu đời sống tôn giáo tăng lên, có đủ điều kiện để xây dựng những công trình kiến trúc tôn giáo trong cùng giai đoạn tại vùng kinh đô Vijaya như các tháp Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, phế tích tháp Mẫm… tạo nên sức sống mới sau những biến động lịch sử, đặc biệt là sau cuộc chiến tranh dai dẳng giữa Champa và Khmer. Về văn hóa, phế tích tháp Đại Hữu kế thừa tinh hoa nghệ thuật kiến trúc tháp Champa và nghệ thuật điêu khắc phong cách tháp Mẫm - phong cách điêu khắc Champa mang ảnh hưởng nghệ thuật Khmer, phản ánh mối quan hệ, tiếp thu chọn lọc làm giàu bản sắc văn hóa Champa của vùng đất Vijaya với các nền văn hóa bên ngoài.
Các chuyên gia khảo cổ học, nhà nghiên cứu cũng đề xuất tỉnh Bình Định nên sớm có những động thái bảo vệ và tiếp tục mở rộng diện tích khai quật để làm sáng tỏ thêm giá trị tổng thể di tích. Từ đó, có giải pháp phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích này.
TS Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam - tư vấn khoa học cuộc khai quật phế tích tháp Đại Hữu, cho rằng: “200 m2 khai quật là rất nhỏ so với quy mô tổng thể của khu phế tích tháp Đại Hữu có diện tích khoảng 4.000 m2, do đó vẫn chưa làm rõ được nhiều bộ phận kiến trúc còn lại của ngôi tháp vì còn nằm sâu trong lòng đất. Tỉnh Bình Định nên cho tiếp tục khai quật, nghiên cứu tổng thể hơn về phế tích này để làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa”.
Trước mắt, ngành văn hóa cùng chính quyền địa phương đã khoanh vùng bảo vệ giữ nguyên hiện trạng di tích đã xuất lộ. Ông Lê Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn, chia sẻ: “Địa phương phối hợp chặt chẽ với Đoàn khảo cổ trong quá trình khảo sát, khai quật phế tích tháp Đại Hữu. Ngoài việc tuyên truyền người dân không xâm hại khu vực khai quật khảo cổ, chúng tôi cũng giao lực lượng công an xã theo dõi, bảo vệ tránh mọi hành vi xâm hại di tích”.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết thêm: Chúng tôi sẽ triển khai giải pháp chống hiện tượng rêu mốc, cây mọc tại di tích xuất lộ theo quy định; đồng thời, tham mưu Sở VH&TT báo cáo UBND tỉnh cho triển khai ngay các phương án bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng di tích đã xuất lộ, các hiện vật thu thập được qua đợt khai quật; trình cấp thẩm quyền xin phép cho tiếp tục khai quật phế tích tháp Đại Hữu để nghiên cứu tổng thể…